Đọc Truyện Dã Sử Việt Nam: Tiền đề loạn tam vương phần 1

Đọc truyện dã sử Việt Nam: Bí mật thiên mệnh của Lý Phật Mã & tiền đề mưu đồ Loạn tam vương triều Lý. Đọc ngay để hiểu tường tận vì sao tam vương tranh ngôi

Khi một đứa trẻ chơi đùa lúc nhỏ, nó có thể chỉ là đang bày trò nghịch ngợm. Nhưng nếu đứa trẻ ấy là con của thiên tử, thì mỗi cử chỉ biết đâu lại trở thành điềm báo cho cơ đồ sau này. Liệu đó là sự thật về thiên mệnh, hay là nỗi ám ảnh của những kẻ nhìn vào điềm triệu của tương lai mà không hề tin?

TRẺ CON CHƠI ĐÙA

Hoa Lư, Đại Cồ Việt

Trong khu vườn thượng uyển đầy hoa rực rỡ, thái tử Lý Phật Mã - một cậu bé bảy tuổi với bảy nốt ruồi hình Thất tinh sau gáy - đang nghiêm nghị chỉ huy một đám trẻ con chơi đùa. Trong số đó có Đông Chinh Vương Lý Lực và Khai Quốc Vương Lý Nguyên đang cúi đầu tuân theo mệnh lệnh của cậu bé. Hai đứa trẻ này đều là em trai của Phật Mã.

"Đông Chinh Vương, ngươi đứng bên trái. Khai Quốc Vương, ngươi đứng phía sau. Các ngươi là cận thần, phải biết giữ lễ khi hộ giá!" - Phật Mã nghiêm nghị ra lệnh, giọng non nớt nhưng không kém phần uy thế.

Lý Thái Tổ lúc ấy đứng nhìn từ xa để quan sát cuộc chơi của các hoàng tử với nụ cười khẽ trên môi. Bên cạnh ông là Viên ngoại lang Lý Nhân Nghĩa, người đã từng được vua cử đi sứ Tống triều và rất được Lý Thái Tổ tin dùng.

"Bệ hạ xem, thái tử bắt các vương gia đứng hầu chẳng khác gì như thật." - Lý Nhân Nghĩa nhận xét, đôi mắt híp lại như nhìn xuyên qua màn sương của lịch sử.

Lý Thái Tổ cười lớn: “Không ngờ tiểu tử ranh con nhà ta mà lại có khí phách lạ thường!”, nói rồi ông tiến đến gần đám trẻ. Thấy cha đến, Phật Mã vẫn không rời vị trí, chỉ khẽ nghiêng mình hành lễ.

"Con nhà tướng sao lại bày trò vương giả thế này? Cần chi phải kẻ rước người hầu rình rang như thế?" - Thái Tổ hỏi đùa, ánh mắt đầy thử thách.

Khai Quốc Vương và Đông Chinh Vương thấy thế vội vàng rời khỏi vị trí, đứng nép sang một bên với vẻ ngượng ngùng. Chỉ riêng có Phật Mã là mặt không đổi sắc, dám nhìn thẳng vào mắt phụ hoàng mà đối đáp:

"Kẻ rước người hầu thì có xa lạ gì với con nhà tướng? Nếu xa lạ thì sao ngôi vị không ở mãi họ Đinh mà lại về họ Lê, đều do mệnh trời thôi."

Đọc truyện dã sử Việt Nam: khởi đầu của Loạn Tam Vương phần 1

Thái tử Lý Phật Mã chỉ huy trong vườn thượng uyển
Thái tử Lý Phật Mã chỉ huy trong vườn thượng uyển

Lời đáp làm Thái Tổ sững sờ. Làm thế nào mà một đứa trẻ nhỏ tuổi như vậy lại thấu hiểu lịch sử và nói ra những điều như thế? Ý của Thái Tổ tức là con cháu nhà tướng thì sẽ quen với việc ăn gió nằm sương ngoài chiến trường, chứ không cần phải có kẻ hầu người hạ. Phật Mã liền đáp rằng người cầm binh vẫn có thể trở thành vương giả, được “kẻ rước người hầu” vì người họ Lê có được thiên hạ chính là một tướng quân.

Từ xưa đến nay, ngôi vua không nằm ở người nối ngôi mà chuyển về tay người cầm binh chẳng có gì lạ. Như nhà Đinh mà thái tử dẫn chứng, từ Đinh Tiên Hoàng truyền ngôi cho Đinh Phế Đế đến đời thứ hai là chấm dứt, ngôi vị được trao lại cho Thập đạo tướng quân Lê Hoàn. Vậy nên một vị tướng hoàn toàn có thể nắm quyền thiên hạ nếu có thời cơ (như trong tình huống này là thái hậu Dương Vân Nga nhường ngôi cho Lê Hoàn). Lời đáp thì rõ là trôi chảy đó, chỉ có điều là ở tầm tuổi này Phật mã có khả năng ứng đối nhanh lẹ, suy nghĩ thấu đáo như thế thì không phải điều tầm thường.

Các quan đại thần quanh đó thì trao nhau ánh mắt kinh ngạc, chỉ riêng Lý Nhân Nghĩa là khẽ mỉm cười. Cũng không có gì quá khó hiểu với ông, vì mẹ của thái tử chính là Hoàng hậu Lê Thị Phất Ngân - con gái của vua Lê Đại Hành và thái hậu Dương Vân Nga - cho nên thái tử biết sớm những điều này là chuyện thường tình, có gì đâu mà phải bất ngờ.

"Con trẻ nói năng cũng biết đạo trời!" - Thái Tổ cười rồi vỗ vai con - "Nhưng con có biết, đôi khi người ta nghĩ là do mệnh trời, nhưng thực ra lại là mưu tính của người. Mà mưu tính của người, đôi khi lại khiến cho trời đất đảo lộn!"

Phật Mã nghe xong, mỉm cười như thể thực sự hiểu được ý của phụ hoàng. Trong khi đó, chỉ có một người nhíu mày trước câu nói đầy ẩn ý của Thái Tổ, đó chính là Dực Thánh Vương, em trai của Thái Tổ, cũng là chú của Phật Mã.

“Nhân định thắng thiên, chính vì vậy mới có Lý Công Uẩn và triều Lý của ngày hôm nay. Người tính có khi lại khiến cho trời đất đảo lộn” - Dực Thánh Vương nghĩ thầm. Không ngờ sau nhiều năm nữa, ý niệm này lại khiến ông cùng hai người khác có dịp tham dự vào “danh sách đen” của lịch sử Lý triều.

Tối hôm đó, trong phòng riêng của Dực Thánh Vương, Vũ Đức Vương có ghé qua thăm. Vũ Đức Vương là con trai của Vũ Uy Vương, anh trai của Lý Thái Tổ (về thân phận thật sự của Vũ Đức Vương trong sử sách không thấy nói rõ, có thể là em trai của Phật Mã hoặc là con vương khác, ở đây tạm để là thân phận này). Ông ta ngồi xuống, thở dài:

"Thằng nhỏ Phật Mã mới bảy tuổi mà nói chuyện cứ như lão già. Ta không hiểu nổi!"

Dực Thánh Vương cười nhạt:

"Cháu ta thông minh quá mức cần thiết. Nhưng cái quan trọng là ngài đã thấy phụ hoàng nhìn nó chưa? Như nhìn vào chính bản thân người thuở nhỏ vậy."

"Nhưng..." - Vũ Đức Vương ngập ngừng - "Phật Mã đang chơi mà nói đến chuyện họ Đinh mất ngôi, họ Lê mất ngôi... như thế ý nghĩa rất là lớn đó."

"Ngài cũng nhìn ra rồi à?" - Dực Thánh Vương nhếch mép đáp - "Trong một trăm năm trở lại đây, giang sơn đã đổi khoảng chín đời quân chủ rồi. Dù có được thiên hạ nhưng mấy ai cầm được lâu đâu? Liệu đến đời ta còn đổi nữa không, lịch sử có thay người kế vị nữa không, cũng chưa thể biết trước được"

Vũ Đức Vương nhìn qua Dực Thánh Vương không đáp, dường như họ đang trao đổi một mưu đồ gì đó cực kì bí mật. Điều này rất có thể ảnh hưởng đến quốc vận nhà Lý hàng trăm năm sau.

CÔNG CAO LẤN CHỦ

Biên ải phía Bắc, Đại Cồ Việt

Quân Đại Cồ Việt như vũ bão tràn qua các châu Đô Kim, Vị Long, Thường Tân và Bình Nguyên. Dực Thánh Vương lúc này tuân lệnh vua Lý Thái Tổ, cùng Vũ Đức Vương hợp sức chỉ huy đánh trận. Giữa làn gió bụi bay mịt mù lửa đạn tới tấp, hai tướng chỉ huy đứng trên đồi cao và đang nhìn xuống chiến trường vừa mới nhuốm máu.

"Hà Án Tuấn vẫn không chịu hàng!" - Vũ Đức cau mày - "Tên phản nghịch này đã hai lần làm nhục triều đình!"

Dực Thánh Vương lúc này đây là người đàn ông cao lớn với vết sẹo dài trên mặt, giọng nói bỗng lạnh lùng:

"Hắn phản triều đình vài năm trước, trốn chạy như chuột rồi lại qua đầu quân nước Đại Lý quấy nhiễu triều ta. Hôm nay ta sẽ cho hắn biết, đầu người không phải thứ có thể mọc lại lần hai!"

Dực Thánh Vương bắt sống Hà Án Tuấn
Dực Thánh Vương bắt sống Hà Án Tuấn

Đúng như lời nói ấn định đại cuộc, sau cuộc đột kích đêm đó, Dực Thánh Vương đã tự tay bắt sống Hà Án Tuấn. Lúc này tên thủ lĩnh phản loạn châu Vị Long quỳ rạp dưới chân, máu từ vết thương trên vai nhỏ giọt xuống đất.

"Ngươi theo Đại Lý, phản bội quê hương, chối bỏ ân đức của thiên tử!" - Dực Thánh Vương quát lớn - "Đáng lẽ phải băm vằm ngươi ra làm trăm mảnh!"

Hà Án Tuấn đáp: “Ngài nếu mà rơi vào hoàn cảnh của ta chắc sẽ làm như ta thôi, không cầm phải sỉ nhục ta”

Dực Thánh Vương tức giận muốn chém hắn ngay, nhưng Vũ Đức Vương đứng bên cạnh ngăn lại, khẽ lắc đầu:

"Không cần vội. Chúng ta mang hắn về kinh đô. Công lớn thế này, tất phải có chiến lợi phẩm đem về cho trọn vẹn. Người này đã phản bệ hạ, hãy để người xử trí."

Khi hai đạo quân hợp nhất chuẩn bị khải hoàn về kinh, Vũ Đức Vương ngồi cùng Dực Thánh bên đống lửa. Dẫu đêm biên cương có lạnh lẽo thế nào đi chăng nữa thì rượu thắng trận cũng đã làm ấm lòng ba quân tướng sĩ.

"Ta phải nói điều này, nếu xét về tướng đánh trận, hoàng thúc đúng là gan dạ phi thường" - Vũ Đức Vương nâng chén - "Một mình xông vào trại địch, bắt sống tướng giặc. Công này đáng được phong hơn cả tước vương."

Dực Thánh Vương cười lớn, nâng chén đối ẩm:

"Phong hơn cả tước vương là gì ấy nhỉ, lẽ nào là được lập làm thái tử sao? Câu này ở trong triều thì ngài đáng tội chết đấy! Nhưng mà ở biên cương, chúng ta cứ sảng khoái.”

Họ cùng uống rượu vui vẻ.

“Nói đi cũng phải nói lại, không có kế hoạch của ngài, làm sao có thể thành công thế này! Nếu trời cho cơ hội lần nữa, ta nguyện cùng ngài mưu tính chuyện lớn!" - Dực Thánh Vương tiếp lời.

Vũ Đức Vương nhấp một ngụm rượu, ánh mắt lấp lánh phản chiếu một tia lửa:

"Nhưng hoàng thúc nên biết, có những công trạng quá lớn cũng chẳng tốt đẹp gì."

"Ngài nói sao?" - Dực Thánh Vương ngẩng đầu, ngạc nhiên.

"Người là chú ruột của thái tử" - Vũ Đức Vương hạ giọng - "Làm chú mà công trạng lớn hơn người được nối ngôi, e rằng... không phù hợp với vương đạo"

"Vương đạo?" - Dực Thánh cười nhạt - "Vương đạo chẳng phải không qua được chuyện, người có công thì được thưởng. Ai làm, người nấy hưởng sao?"

"Nhưng vương đạo cũng cho rằng, thiên tử phải mạnh hơn quần thần, người được lập làm thiên tử cũng phải đủ sức để điều khiển thần tử" - Vũ Đức Vương thở dài - "Người đánh trận nơi tiền tuyến, trong khi Thái tử còn đang đọc sách thánh hiền trong cung... Người nghĩ xem, sau này, binh sĩ sẽ kính nể ai hơn?"

Dực Thánh Vương và Vũ Đức Vương trò chuyện
Dực Thánh Vương và Vũ Đức Vương trò chuyện

Dực Thánh Vương trầm ngâm không đáp. Gió biên cương thổi tắt ngọn nến bên cạnh, như thể báo hiệu một điều gì đó sắp đến hồi kết.

"Bệ hạ đang dựng sự nghiệp, người cần những cánh tay đắc lực giúp ngài đông chinh tây phạt" - Vũ Đức Vương tiếp tục - "Nhưng khi nghiệp đã thành, bệ hạ sẽ quay sang dọn đường cho người kế vị, tất nhiên là sẽ không để ai hơn thái tử rồi. Ta nói điều này không phải để hạ thấp công lao của hoàng thúc, mà chỉ vì lo cho tương lai thúc mà thôi."

"Ngài nghĩ ta sẽ bị tước binh quyền sau lần này ư?" - Dực Thánh chợt hỏi, giọng trầm xuống.

Vũ Đức Vương không trả lời trực tiếp, chỉ rót thêm rượu vào chén của cả hai:

"Không đến nỗi thế, ta chỉ nghĩ rằng, sau trận này, vai trò của người sẽ... khác đi."

Dực Thánh bỗng cười nhạt:

"Vậy ra làm tướng giỏi quá cũng là lỗi! Vì ta là chú của thái tử, nên phải thua kém cháu mình để hợp đạo trời!"

"Người nghĩ thông rồi đó..." - Vũ Đức giải thích.

Dực Thánh Vương ngắt lời - "Nhưng ta tự hỏi, nếu đã thế thì tại sao lại cử ta đi đánh giặc? Tại sao không để thái tử đi? Để xem thái tử có thể điều khiển được ai?”

LỰA CHỌN CỦA VUA (LÝ THÁI TỔ)

Nội điện Càn Nguyên, Thăng Long

Hoàng đế Lý Thái Tổ ngồi bên án thư, ánh nến chiếu lên những nếp nhăn mới xuất hiện trên gương mặt của người dựng nghiệp. Dù mới ngoài năm mươi, ông đã như già thêm cả chục tuổi chỉ trong vài năm gần đây.

Lúc này ông đang đọc tấu sớ. Đó là báo cáo chiến thắng từ châu Vị Long do Dực Thánh Vương gửi về.

"Lý Nhân Nghĩa, hãy nói thật lòng ngươi!" - Thái Tổ đột ngột cất tiếng, giọng trầm xuống - "Dực Thánh đang lập công như vậy, có điều gì đáng phải lo không?"

Viên ngoại lang Lý Nhân Nghĩa, người đang đứng hầu bên cạnh, thoáng giật mình nhưng vẫn giữ nguyên vẻ điềm tĩnh:

"Thần không hiểu ý bệ hạ. Tướng có công là điều đáng mừng cho xã tắc."

"Đừng giả vờ ngây thơ!" - Lý Thái Tổ gõ nhẹ lên mặt bàn - "Ta đã trị vì hơn mười năm, thấy rõ mọi biểu hiện của ngươi. Giờ, ngươi sẽ nói thật hoặc ta tước đi ấn tín của ngươi ngay trong tối nay!"

Nhân Nghĩa im lặng một lúc, rồi khẽ thở dài:

"Nếu bệ hạ đã hỏi thẳng... Thần nghĩ Dực Thánh Vương lập công đúng là có phần đáng ngại. Không phải vì vương gia không trung thành, mà vì... ông ta là chú ruột của thái tử."

"Nói tiếp đi!" - Thái Tổ nhướn mày.

"Dực Thánh có hai đặc điểm: thứ nhất, ông ta hiếu chiến. Lần nào cầm quân cũng muốn lấy đầu giặc làm chiến công và tàn sát hơi nhiều. Thứ hai, ông ta khá có tiếng trong quân đội" - Nhân Nghĩa phân tích - "Việc một thân vương được các tướng sĩ quá đỗi kính sợ bởi tính cách hiếu chiến hiếu sát ... có thể dẫn đến những hệ lụy sau này."

“Tại sao trước giờ khanh không chịu nói những điều này?” Thái Tổ quay sang hỏi.

“Vì đối thủ của Dực Thánh Vương toàn là kẻ lưu manh xảo trá, bệ hạ tất phải dùng người như Dực Thánh Vương để xử trí. Những lời trên tuy có phần đáng bàn, nhưng không có tác dụng trong tình huống đó, nên thần chọn im lặng” Lý Nhân Nghĩa cẩn thận trả lời

Thái Tổ trầm ngâm, tay gõ nhẹ lên mặt bàn:

"Ra là vậy, nhưng ta cũng không thể vì thế mà bỏ qua công lao của Dực Thánh Vương, phải không?"

"Đúng vậy" - Nhân Nghĩa gật đầu - "Nhưng thần nghĩ... có lẽ đã đến lúc để các vương tử trẻ như Thái tử, Đông Chinh Vương hay Khai Quốc Vương thay phiên nhau cầm quân, chia công ra như vậy có lẽ tốt hơn là để trứng vào một giỏ.

Mời bạn xem tiếp phần 2: Lý Thái Tổ và Lý Thái Tông: Khởi đầu của Triều Lý Vững Mạnh phần 2

Nguồn tham khảo: Bàn về sự kiện “loạn tam vương” - TTDN, Loạn Tam Vương

(Mọi chi tiết trong bài đều do mình tưởng tượng thôi nhé ^-^)

Comments

Nơi Trang cập nhật các thông tin giải trí thú vị hài hước về kinh tế xanh, các giải pháp vì môi trường và sự phát triển bền vững ở Việt Nam và trên khắp thế giới