Lý Thái Tổ và Lý Thái Tông: Khởi đầu của Triều Lý Vững Mạnh phần 2
Mối quan hệ cha con giữa Lý Thái Tổ và Lý Thái Tông, nhà vua yêu quý hay không thích thái tử? Liệu Lý Phật Mã có vượt qua thử thách để kế vị vương triều?
Mời các bạn xem phần 1 trước khi xem phần 2 nhé: Đọc Truyện Dã Sử Việt Nam: Tiền đề loạn tam vương phần 1
"Thật đúng với tính toán của trẫm, nhưng ngươi nghĩ vậy có công bằng với Dực Thánh Vương không? Ông ấy dù sao cũng là em của trẫm" - Lý Thái Tổ chợt hỏi, mắt nhìn ra phương xa.
"Thần không dám bàn về công bằng." - Nhân Nghĩa cúi đầu - "Thần chỉ bàn về an nguy của xã tắc. Nếu bệ hạ muốn triều Lý vững mạnh trăm năm, người nên chia đều công trạng cho mọi người để ai cũng có phần. Nếu Dực Thánh Vương không hiểu việc đó, xem ra ông ta không chỉ muốn làm một tướng quân nhỏ nhoi."
“Ý khanh là gì?” Thái Tổ bỗng nhiên hơi giận, trong tình huống này quả thực không nên có lời nghi ngờ tướng ở biên thùy.
Lý Nhân Nghĩa vội chữa cháy: “Thần cho rằng quyền uy của bệ hạ vẫn là quan trọng nhất, người thương yêu mọi người, trọng dụng tất cả nhưng lại không thiên vị một ai. Như vậy cho dù là Dực Thánh Vương hay là thái tử cũng không dám vượt quá chức phận mà làm càn, đó là cách đảm bảo cho ngôi vị của bệ hạ được tồn tại mãi mãi.”
Lý Thái Tổ bật cười:
"Ta có thể làm được vậy để giữ sơn hà, nhưng chắc thần tử của ta không trung dung như vậy đâu, kể cả khanh nữa, Nhân Nghĩa, khanh sẽ về phe ai?"
"Thần không về phe ai cả" - Nhân Nghĩa điềm tĩnh đáp - "Nếu Dực Thánh Vương chiếm quá nhiều lợi lộc, thần sẽ nhắc nhở bệ hạ. Nếu thái tử được quá nhiều quyền hành, thần sẽ xin người xem xét. Tóm lại, người xem thần như cái cân để giữ mọi thứ cân bằng là được rồi."
Lý Thái Tổ đứng dậy, đi đến bên cửa sổ nhìn ra kinh thành Thăng Long đang chìm trong đêm tối:
"Khanh đúng là khéo ăn nói đó, hy vọng lòng của khanh cũng được như vậy"
Bệ hạ nhìn ra phương xa: “Trẫm có ý để thái tử và các vương khác cũng được rèn luyện trên chiến trường để biết được rằng giữ được quốc gia này là khó thế nào. Nhưng trận sắp tới phải nhờ Dực Thánh Vương đi một chuyến nữa.”
“Bệ hạ, vì sao?” Lý Nhân Nghĩa hơi ngạc nhiên.
LÝ THÁI TÔNG CON TRAI LÝ THÁI TỔ: BỊ CUỐN VÀO ÂM MƯU PHẦN 2


“Đừng lo, đây là trận cuối cùng của đệ ấy rồi, không phải lo. Vì ta cần quân nhà Lý ta tiến sâu vào trong đất Tống, tại trại Như Hồng để đánh Đại Nguyên Lịch, đốt phá kho đụn rồi rút về. Phật Mã sẽ nối ngôi trẫm, nếu để thái tử ra trận này, e rằng quan hệ giữa nước ta và bên đó về sau sẽ không tốt. Để Dực Thánh Vương đi, mấy mươi năm nữa có chuyện gì cũng không liên quan đến trữ quân tương lai và bang giao hai nước” Lý Thái Tổ suy nghĩ cẩn trọng rồi mới đáp.
“Bệ hạ anh minh” Lý Nhân Nghĩa hành lễ.
ĐÔNG CUNG NGOÀI THÀNH
Thăng Long, Đại Cồ Việt
Ngoại thành Thăng Long, phủ Long Đức vừa được xây xong cho thái tử Lý Phật Mã. Đó là một dinh thự rộng lớn nhưng không xa hoa như cung điện hoàng gia. Vườn tược bao quanh phủ đệ mới của ngài thậm chí không trồng những loài hoa quý hiếm mà là những loại cây dân dã như dừa, vải, mít...
Lý Thái Tổ cho trưởng tử ở phủ đệ ngoài thành. Tin tức thái tử từ Đông cung bỗng chốc chuyển đi nơi khác khiến triều đình một phen dậy sóng, từ người trong cuộc đến người ngoài cuộc, ai ai cũng muốn giở trò suy đoán ý vua.
Khi chiếc kiệu của thái tử vừa khuất khỏi tầm mắt của người trong cung điện để ra ngoại thành, tại một góc hành lang hoàng cung bỗng xuất hiện hai bóng người thì thầm với nhau trong ánh nắng mờ ảo xuyên qua khe hở của song cửa.
"Ai mà biết được? Có thể là muốn cho người ta quen với việc không thấy thái tử trong cung. Rồi một ngày nào đó, người ta sẽ không còn nhớ đến sự vắng mặt ấy nữa." Dực Thánh Vương bên cạnh khẽ nhún vai, vẻ mặt đầy thâm ý.
"Ta lại nghĩ rằng" Vũ Đức Vương hạ giọng xuống, "Bệ hạ đang thử xem thiên hạ thích ai hơn. Một thái tử được nuôi ở trong thành, hay một vương tử lớn lên giữa muôn dân."
Khi hai người đang thì thầm thì có một vệ binh đi qua khiến họ lập tức im bặt. Dực Thánh Vương kéo Vũ Đức Vương vào một góc khuất gần đó.
"Ta không yên tâm. Việc đưa Thái tử ra ngoài này chắc chắn có ẩn ý," Dực Thánh Vương thì thầm, "Nếu như Bệ hạ không ưa thích thái tử nữa thì sẽ đến lượt chúng ta cá chép hóa rồng. Nhưng ta không thể tự mình phán đoán. Ta cần biết thêm."
Vũ Đức Vương gật đầu, ánh mắt lóe lên tia sáng:
"Vậy phải tìm Lý Nhân Nghĩa. Ta biết ông ta là thân tín của bệ hạ, không gì qua được mắt ông ta."
"Nhưng Nhân Nghĩa là người khó đoán, sẽ nguy hiểm nếu ông ta đứng về phía Thái tử."
"Chính vì vậy ta phải thăm dò và thậm chí mua chuộc" Vũ Đức Vương trầm ngâm, "Hoàng thúc đừng quên, người đáng sợ nhất trong triều không phải là kẻ thù công khai, mà là những người không cho biết họ đứng về phe nào."
Chiều hôm đó, họ tìm đến thư phòng của Lý Nhân Nghĩa, đó một gian nhà nhỏ nằm khuất trong khu vườn phía nam hoàng cung. Không gian bên trong thật tĩnh mịch, chỉ có tiếng bút lông của vị quan đang viết trên giấy là rì rào nghe như tiếng lá xào xạc.
"Kìa, hai vị vương gia," Nhân Nghĩa ngẩng lên từ quyển sổ tre, vẻ mặt không vui không buồn "Vương gia mà chịu đến thư phòng hẻo lánh này, chắc không phải để bàn về thời tiết nhỉ?"
Vũ Đức Vương mỉm cười:
"Lý đại nhân thật tinh tường. Thật ra, chúng tôi đến để nghe ngài nhận định về một việc quan trọng."
"Việc gì khiến nhị vị vương gia phải đích thân tìm đến thần thế?" Nhân Nghĩa đặt bút xuống, ánh mắt như đang xuyên thấu tâm can họ.
Dực Thánh Vương tiến lên một bước:
"Chúng tôi muốn hỏi về việc Thái tử chuyển ra cung Long Đức ngoại thành. Đây là chủ ý của ai?"


Lý Nhân Nghĩa khẽ nhếch môi:
"Các vị nghĩ đó là chủ ý của ai ngoài hoàng thượng?"
"Biết đâu chừng, hoàng thượng nghe lời của ai đó nói thì sao?" Vũ Đức Vương hạ giọng, "Đẩy Thái tử ra ngoài... phải chăng là muốn dân chúng quen với thái tử hay thần tử quên mất chủ nhân của Đông Cung?"
Lý Nhân Nghĩa chậm rãi đứng dậy, bước tới cửa sổ. Ánh nắng chiều hắt lên khuôn mặt già nua nhưng sắc sảo của ông:
"Hai vị lo lắng về sự an nguy của Thái tử, hay về sự an nguy của... chính mình?"
Câu hỏi như một mũi kim châm thẳng vào tâm can hai người vương giả. Lúc này Vũ Đức Vương bặm môi, ánh mắt như đang đo lường xem nên tiết lộ bao nhiêu trước con người tâm cơ khó đoán này. Cuối cùng, ông đành nói với giọng đầy vẻ quan tâm:
"Chúng tôi chỉ lo cho Thái tử. Ở ngoài biết đâu có kẻ xấu nhòm ngó. Thái tử là người kế vị tương lai đâu thể khinh suất trong việc chọn nơi ăn chốn ở."
Lý Nhân Nghĩa mỉm cười nhẹ nhàng:
"Vậy à, nhưng thần nghĩ những kẻ xấu trong thành còn đông hơn. Ở ngoài cùng lắm là kẻ trộm gà, trong này mới có kẻ trộm cao siêu như trộm chức vị"
Câu nói rơi xuống như một viên đá nặng ngàn cân khiến cho không ai dám đáp lời. Trong lúc đó, Dực Thánh Vương và Vũ Đức Vương thì nhìn lẫn nhau, ánh mắt ẩn chứa bao điều không thể nói ra.
"Hai vị nên nhớ" Lý Nhân Nghĩa tiếp tục, giọng trầm xuống, "Bệ hạ nghĩ gì, từ trên xuống dưới kể cả thân vương cũng không nên suy đoán lung tung. Bệ hạ lúc nào cũng nghĩ cho thái tử và đem đến công bằng cho tất cả mọi người. Nếu thái tử không lên tiếng phản đối, là được hay mất cũng không liên quan đến hai vị, thì hà cớ gì phải nhọc lòng đến đây chứ?"
Ông khẽ cúi đầu chào và thế là buổi gặp đã kết thúc với kết quả là hai vị vương gia không thu hoạch được gì, trong khi ông ta thì thu hoạch gấp bội. Hai người đành cáo từ và bước ra với tâm trạng nặng nề mà không hề biết đằng sau đó, có người đang âm thầm vuốt râu mỉm cười.
Khi khuất dạng rồi, Dực Thánh Vương mới thì thầm với Vũ Đức Vương:
"Lão già Nhân Nghĩa này rốt cuộc là người của ai vậy?"
"Của chính lão ta," Vũ Đức Vương trả lời, mắt nhìn về phía thư phòng đã xa, "và đó là loại thần tử đáng sợ nhất."
Nửa năm trôi qua, tin đồn trong dân gian bắt đầu lan rộng. Người ta thì thầm với nhau rằng nhà vua đã không còn tin tưởng Thái tử Phật Mã. Có người còn nói rằng hoàng thượng đang ngả về phía Đông Chinh Vương hoặc Khai Quốc Vương. Tất nhiên trong hoàng cung không có điều gì là tự nhiên cả, mọi sự xảy ra e rằng đều có kẻ tung tin bí ẩn để bắt đầu khơi màn tranh đấu quyền lực này.
Tại một góc chợ ở Thăng Long, hai người phụ nữ vừa mua cá vừa trò chuyện với nhau:
"Này, nghe nói Thái tử bị đày ra ngoài thành đấy!"
"Đày gì mà đày, cung điện nguy nga thế kia!"
"Nhưng chẳng phải là thái tử thì phải ở cạnh phụ hoàng hay sao? Đằng này lại cho Khai Quốc Vương được ở trong cung, nghe nói còn cắt đất phong ấp cho nữa. Mà Khai Quốc Vương là em ruột của Thái tử, có khi nào nhà vua đã có ý khác?"
Một người đàn ông đang bán dưa hấu gần đó chen vào:
"Các bà biết gì! Tôi có người quen làm trong cung, bảo là Thái tử hay thân cận với người bên ngoài, lại thích những trò mạo hiểm khiến hoàng thượng lo lắng."
"Thế thì càng nên giữ trong cung chứ!" người phụ nữ đầu tiên nói, "Đẩy ra ngoài chẳng phải càng... hư hỏng à?"
Những lời đồn như thế len lỏi khắp kinh thành và dần dần tạo thành một thực tế mới, một loại thực tế mà khiến người nghe có thể tin vào bất cứ điều gì họ muốn tin. Thậm chí kể cả người trong cuộc là thái tử đương triều, dù không bị ảnh hưởng nhiều thì cũng bị lay động ít.
Thái tử Lý Phật Mã, giờ đã được tấn phong là Khai Thiên Vương, đang đứng giữa sân rộng nhìn ngắm chỗ ở mới của mình trong suốt nhiều tháng qua. Ngài mặc dù là bỏ ngoài tai những lời đồn đại, nhưng trong thâm tâm vẫn có chút không hiểu ý của phụ hoàng. Thế nhưng, ngài vẫn cố gắng hoàn thành tốt các yêu cầu của người đặt ra, không hề lơ là.
Một hôm, Lý Thái Tổ đến thăm thái tử trong phủ đệ mới. Ông mỉm cười nhìn quanh:
"Con thấy phủ đệ này thế nào?" - Lý Thái Tổ hỏi, giọng ấm áp.
"Thưa phụ hoàng, phủ đệ rất đẹp" - Phật Mã khẽ đáp - "Nhưng... con không hiểu vì sao con phải rời khỏi hoàng cung?"


Thái Tổ im lặng một lúc, rồi dẫn con đến chiếc ghế đá trong vườn:
"Người dạy con văn thư là ai?"
"Là Nghĩa Tín Hầu Đào Cam Mộc."
"Còn ai dạy con kinh điển?"
"Thái tử thái phó Lý Văn Minh."
"Vậy ai dạy con nên biết trị quốc thế nào?" - Thái Tổ chợt hỏi, ánh mắt nghiêm nghị.
Phật Mã sững người, không biết trả lời ra sao. Thái Tổ thở dài:
"Con đã học được nhiều điều từ sách vở, từ các quan đại thần, nhưng chưa học được gì từ dân chúng. Mà người làm vua tương lai, phải hiểu dân thì mới giúp họ được. Đất nước này không hoàn toàn là tài sản riêng của hoàng tộc chúng ta, cũng không thuộc về những quan trong cung, mà thuộc về những người làm nông đang cày cấy ngoài kia."
Phật Mã khẽ gật đầu, đôi mắt thấm đẫm sự trầm tư.
Lý Thái Tổ đặt bàn tay gầy guộc vỗ nhẹ lên vai con trai:
"Cung Long Đức nằm ở ranh giới giữa kinh thành và ngoại thành. Con giống như là cầu nối giữa hoàng cung và dân chúng. Một khi con biết hết nỗi khó nhọc của muôn dân thì mới có thể đưa ra các quyết sách hợp lý. Con thấy có đúng không?"
Phật Mã mỉm cười gật đầu, trong lòng ngài đầy xúc động và niềm tự hào.
“Không phải phụ hoàng đẩy con ra xa, mà người đang đưa con tiến gần tới trách nhiệm của một đấng quân vương” - Ngài nghĩ thầm.
KHÔNG CẦN ĐÁNH NỮA
Trong thời gian này, Lý Thái Tổ cũng phái Dực Thánh Vương đi đánh Đại Lịch Nguyên và vị vương gia này đã giành chiến thắng. Ngày mừng công, tiếng tù và vang lên rực rỡ báo hiệu cho kinh thành biết rằng đoàn quân đã khải hoàn trở về. Dực Thánh Vương hãnh diện dẫn đầu, mặc kệ áo giáp còn lấm lem bùn đất và vết máu của kẻ thù. Trong túi của ông là một báu vật vô cùng quý giá: chiếc ấn của tù trưởng Đại Lịch Nguyên - một minh chứng cho chiến thắng vẻ vang chưa từng thấy.
Nhưng khi ông đặt chân vào cung lại không có lễ nghi long trọng như hằng mong đợi. Thái Tổ thì đang bận tiếp sứ thần phương Bắc, còn các quan văn võ lại đang tụ tập bàn luận về một việc khác – việc cung Long Đức vừa được mở rộng thêm. Lý do là Thái tử Lý Phật Mã đã triệu tập các học sĩ tài năng đến dạy học cho cả mình và cả những đứa trẻ con nhà dân thường có tiềm năng.
Đêm đó, trong một bữa tiệc nhỏ do Dực Thánh Vương tổ chức tại phủ để ăn mừng, rượu vừa uống vào đã khiến lòng người thoải mái hơn và lời nói cũng theo đó mà tuôn ra không kiểm soát.
"Đáng lẽ hôm nay phải là ngày của ta" Dực Thánh Vương nói với Vũ Đức Vương, người duy nhất được mời tới trong hôm đó. Vị vương gia chiến thắng trở về, giờ đây mắt lim dim nhìn vào chén rượu: "Nhưng tất cả những gì triều đình quan tâm lại là một ngôi trường nhỏ ngoài thành mà thôi."
Vũ Đức Vương nhìn qua, vẻ thương hại: “Ta đã bảo với hoàng thúc mà, thời của người tung hoành sa trường có lẽ không còn nữa rồi. Trước sau gì cũng có ngày này.”
Mời bạn xem tiếp phần 3: Thái tử Lý Phật Mã và Âm Mưu Quyền Lực Thời Lý phần 3
Nguồn tham khảo: Bàn về sự kiện “loạn tam vương” - TTDN, Loạn Tam Vương
(Mọi chi tiết trong bài đều do mình tưởng tượng thôi nhé ^-^)
Comments
Nơi Trang cập nhật các thông tin giải trí thú vị hài hước về kinh tế xanh, các giải pháp vì môi trường và sự phát triển bền vững ở Việt Nam và trên khắp thế giới