Con Của Lý Thái Tổ: Cuộc Chiến tranh ngôi Loạn Tam Vương phần 6

Cuộc chiến quyền lực giữa các con của Lý Thái Tổ có gì bí ẩn? Khám phá âm mưu Loạn Tam Vương và bi kịch cung đình thời Lý Thái Tông trong truyện dã sử này..

Mời các bạn xem phần 5 trước khi xem phần 6 nhé: Diễn biến Loạn Tam Vương nhà Lý: bày mưu tính kế phần 5

Nghe nói thế, Vũ Đức Vương cũng nhẹ lòng hẳn. Họ đang có một mục tiêu chung là một con hổ, hạ được hổ rồi thì bắt đầu tranh nhau cũng chưa muộn mà. Đông Chinh Vương liếc mắt sang hai người họ, cảm thấy đây là thời cơ tuyệt vời để chốt hạ.

“Thỏa thuận như thế đi, chúng ta đồng lòng, cùng diệt thái tử” - Đông Chinh Vương lên tiếng, rồi đưa tay ra cho hai người còn lại bắt.

Hai người kia cùng nhau hưởng ứng, tình cảm giờ đây sắt son một lòng. Tình nghĩa huynh đệ dâng cao như vậy, chắc chỉ còn thiếu bước cắt máu ăn thề là đúng lễ nghi. Nhưng thiết nghĩ chắc cũng không cần vậy, vì họ là chú cháu ruột, anh em thân thiết, là người cùng họ cơ mà. Người nhà mưu đại sự, toàn là thân vương tay nắm trọng binh, nếu không lập nên cơ đồ vang chấn thiên hạ thì còn có thể là gì?

"Còn Lê Phụng Hiểu và Lý Nhân Nghĩa?" - Đông Chinh Vương hỏi, giọng đượm chút lo âu - "Hai người đó là trụ cột trong triều, chưa kể Phụng Hiểu có thể một mình địch lại cả một đạo quân."

"Lý Nhân Nghĩa sẽ theo chúng ta. Ngài yên tâm" - Dực Thánh Vương mỉm cười đầy tự tin - "Văn Nhân luôn là kẻ thức thời và còn biết cách lôi kéo võ quan cùng hưởng ứng"

Khuôn mặt ông ta phản chiếu ánh nến một nửa sáng với một nửa tối, như chính tâm ma đang đứng giữa lòng trung và lòng tham. Nhưng cuối cùng thì, bóng tối trong tâm hồn Dực Thánh Vương cũng đã nuốt chửng phần còn lại vô cùng nhanh chóng.

Hậu Duệ Lý Thái Tổ Và Âm Mưu Soán Ngôi Con Vua phần 6

Đông Chinh Vương Kết Thề Với Vũ Đức Vương và Dực Thánh Vương
Đông Chinh Vương Kết Thề Với Vũ Đức Vương và Dực Thánh Vương

Mọi việc đã xong, ai về nhà nấy. Đông Chinh Vương là người bước ra trước, bỗng nhoẻn miệng cười. Người ta chỉ đề phòng những người có thân phận cao sang, kinh nghiệm dày dặn, nào ai có ngờ người nhỏ tuổi nhất như Đông Chinh Vương lại có những tính toán riêng đến lạnh người trong việc “nhường phần” vừa rồi.

Tiền đề dẫn đến loạn Tam Vương thời Lý Thái Tông

Quyền lực là một loại rượu kỳ lạ, càng uống thì cơn khát lại càng mãnh liệt. Và khi một ngai vàng đang chờ chủ nhân, những gương mặt xung quanh nó sẽ lần lượt cởi bỏ lớp mặt nạ trung nghĩa để lộ ra bản chất thật của mình. Phải chăng đây là quy luật muôn thuở của chốn cung đình, hay đó là bi kịch riêng của vương triều Lý vào những ngày cuối đời vua Lý Thái Tổ?

CÁI BẪY TRUNG NGHĨA

Hoàng hôn buông xuống chậm rãi trên kinh thành Thăng Long như một tấm lụa đỏ thẫm được kéo qua bầu trời. Trong căn phòng riêng của phủ Lý Nhân Nghĩa, không khí ngột ngạt đến kỳ lạ. Dực Thánh Vương đứng trước bàn gỗ, ánh nến hắt lên gương mặt ông ta một vẻ cương nghị, tạo nên những đường vân sắc bén trên khuôn mặt của vị vương gia này. Đối diện ông ta là Lý Nhân Nghĩa với vẻ mặt trầm tĩnh đến mức gần như vô cảm.

“Lý đại nhân biết vì sao ta đến đây chứ?" Dực Thánh Vương lên tiếng, giọng trầm lặng.

Lý Nhân Nghĩa khẽ nói: "Bẩm Vương gia, thần không dám đoán ý của người."

Dực Thánh Vương bật cười, tiếng cười nghe như tiếng gỗ khô gãy từng mảnh trong đêm khuya: "Nhân Nghĩa, ngài y như cái tên của mình - vừa nhân vừa nghĩa. Nhưng ngài có biết, đôi khi quá nhiều nhân nghĩa lại trở thành gánh nặng không?"

Ông ta chầm chậm rót trà, những sợi khói mỏng bắt đầu uốn lượn bay lên, phảng phất những ý đồ vốn chưa thành hình: "Ta biết ngài có tình nghĩa với Bệ hạ, nhưng cũng mong có được chức vị tốt từ người kế vị. Và bây giờ, ta cần ngài chọn một bên."

Nhân Nghĩa vẫn giữ vẻ điềm tĩnh dù lòng hơi có chút căng thẳng: "Vương gia có chuyện gì cần thần giúp sức?"

Dực Thánh Vương chậm rãi bước đến gần Nhân Nghĩa, ánh mắt sắc lạnh: "Ta biết, Phật Mã là người sẽ kế thừa ngai vàng. Nhưng ngài nghĩ xem, bệ hạ năm xưa cũng đâu phải là thái tử? Vậy sao chúng ta không nên học hỏi bệ hạ đương triều chứ? Ngài đóng vai Đào Cam Mộc, thần tử giúp bệ hạ đăng cơ vương vị, được không?"

Lý Nhân Nghĩa im lặng. Ông đã hiểu quá rõ câu trả lời mà Dực Thánh Vương muốn nghe. Năm xưa Đào Cam Mộc chính là người thuyết phục Lý Công Uẩn lên ngôi và đã thành công. Mấy mươi năm sau, lẽ nào lịch sử một lần nữa lại muốn đặt Lý Nhân Nghĩa ông vào vai trò đặc biệt đó?

"Ta không muốn phải nói điều này, nhưng..." Dực Thánh Vương vỗ tay và từ sau bức màn, hai tên thị vệ lôi ra một người đàn ông mặt mũi tím bầm. Nhân Nghĩa không cần nhìn rõ cũng biết đó là em trai của mình - Lý Nhân Hậu.

Lý Nhân Nghĩa bỗng cảm thấy đầu óc rối bời, nhất thời không thể giữ được vẻ mặt bình tình, ông kinh ngạc nhìn qua vị vương gia kia.

"Em trai ngài thật may mắn khi được ta cho ở lại đây... chăm sóc." Dực Thánh Vương nhấn mạnh từng chữ. "Và nếu ngài quan tâm đến sự an nguy của gia đình mình, ngài sẽ phải giúp ta một chuyện."

Lý Nhân Nghĩa cảm thấy miệng đắng ngắt: "Vương gia đã làm đến thế rồi, lấy người nhà thần ép buộc mệnh quan triều đình, ngài còn muốn thần làm gì nữa?"

"Đơn giản thôi. Ta muốn ngài thuyết phục Lê Phụng Hiểu - Vũ vệ tướng quân đứng về phía chúng ta. Nếu có ông ta, kế hoạch của tam vương sẽ hoàn hảo."

"Kế hoạch gì?" Nhân Nghĩa cố giữ giọng bình thản.

Lý Nhân Nghĩa Đối Mặt Dực Thánh Vương
Lý Nhân Nghĩa Đối Mặt Dực Thánh Vương

Dực Thánh Vương cười nhạt: "Đến lúc đó ngài sẽ biết. Ngài chỉ cần nhớ rằng, ngài tuy từng là võ tướng nhưng hiện nay đã là một văn nhân. Ta chọn ngài làm chuyện này vì văn nhân như ngài sẽ biết tiến thoái, không như những kẻ làm tướng khác chỉ biết trung nghĩa mà không lo cho an nguy của chính mình và gia đình."

Ánh mắt tội nghiệp của em trai như dao cứa vào tim của Lý Nhân Nghĩa. Ông cúi đầu, cảm thấy chính mình thanh liêm một đời cuối cùng cũng chỉ như con cờ đang bị đẩy vào thế bí:

"Thần... xin tuân lệnh." Ông thở dài một tiếng và nói ra cái điều mà ông chưa từng muốn nhận.

Dực Thánh Vương tiến đến, cười sằng sặc và vỗ vai Nhân Nghĩa. Thế đạo trên đời này chẳng qua cũng chỉ có vậy, cá lớn nuốt cá bé, người mạnh sẽ có quyền ức hiếp kẻ yếu. Nếu như lấy lòng người nhân nghĩa không được, thì chỉ còn cách dùng vũ lực thôi, đối với ông ta thì kế sách này chưa bao giờ phản tác dụng.

GIẤC MỘNG ĐIỀM GỞ

Trên long sàng của Lý Thái Tổ, không khí trong phòng ngài nặng nề như đám mây đen trước cơn giông tố. Hoàng đế từng là người anh hùng oai phong lẫm liệt dựng nên cơ đồ, giờ đây chỉ còn là một thân xác yếu ớt đang chiến đấu với từng hơi thở. Bỗng nhiên, Thái Tổ bật dậy, đôi mắt trừng trừng như vừa nhìn thấy điều gì đó rất khủng khiếp.

"Có chuyện gì vậy, bệ hạ?" Cận thần hoảng hốt chạy đến.

"Gọi... Nhân Nghĩa... đến đây..." Thái Tổ thở dốc, giọng khàn đặc.

Khi Lý Nhân Nghĩa vội vã bước vào, ông ngạc nhiên thấy hoàng thượng tỉnh táo hơn hẳn những ngày qua. Đôi mắt vua sáng rực một cách kỳ lạ, như ngọn đèn sắp tắt bùng lên lần cuối mà thế gian gọi là “hồi quang phản chiếu”.

"Nhân Nghĩa, ta vừa mơ một giấc mộng kỳ lạ." Thái Tổ nói, giọng yếu ớt nhưng rõ ràng. "Ta thấy một con rắn đen lớn, nó đội mão của Dực Thánh, và nó đang từ từ bò vào cung điện, phía sau còn có mấy con nữa, chúng đông lắm..."

Lý Nhân Nghĩa cảm thấy tim mình như bị bóp nghẹt vì đây không chỉ là giấc mơ bình thường - đây là điềm báo cho giang sơn và số phận của Lý triều sắp nhuốm màu u ám.

"Khanh nói thật cho ta biết" Thái Tổ gằn giọng nói " Dực Thánh Vương có thể... phản ta không?"

lý thái tổ nói chuyện với Lý nhân nghĩa
lý thái tổ nói chuyện với Lý nhân nghĩa

Lý Nhân Nghĩa nhìn thẳng vào mắt vị vua già. Một thoáng do dự trôi qua nhưng rồi ông vội nói, giọng chắc nịch: "Bẩm bệ hạ, thần xin khẳng định Dực Thánh Vương không có ý đồ phản nghịch. Người vẫn một lòng trung thành với bệ hạ."

“Nhưng liệu có khả năng, em của ta sẽ không phục thái tử sau này. Chuyện Công Khanh (Dương Tam Kha) cướp ngôi của con Ngô Quyền vẫn còn đó. Lịch sử có thể ... lặp lại” Thái tổ vẫn còn lo lắng nói.

Nhân Nghĩa hơi nhíu mày suy nghĩ, từ tối đến giờ ông đã phải đối phó với Dực Thánh Vương, lúc này thì đến hoàng đế bệ hạ. Công việc của ông thật sự là hao tổn tinh thần lắm, chắc là hơn mười người cộng lại.

“Thần nghĩ có những chuyện đã rõ tận tường, người có nghi ngày nghi đêm thì cũng vậy thôi” Nhân Nghĩa cố gắng lảng tránh một câu thật lòng.

“Ý khanh là sao” Thái Tổ hơi khó hiểu, bèn hỏi lại.

Nhân Nghĩa cung kính đáp: “Thần cho rằng thay vì suy đoán tâm tư mọi người, bệ hạ hãy dưỡng bệnh cho thật tốt. Chỉ cần bệ hạ khỏe lại, bất cứ ai cũng không dám dòm ngó ngai vị, bất cứ kẻ nào cũng không thể động đậy.”

Thái Tổ trầm ngâm một lát, bắt đầu cảm thấy kể cả Nhân Nghĩa cũng không còn là Nhân Nghĩa của lúc xưa.

"Nhân Nghĩa, ngươi nghĩ trong các con ta, ai xứng đáng kế vị nhất?"

Nhân Nghĩa thoáng biến sắc: "Bệ hạ muốn thử thần? Nếu thần nói Thái tử, bệ hạ sẽ nghĩ thần theo phe chính thống. Nếu thần nói Đông Chinh Vương hay Khai Quốc Vương, bệ hạ sẽ nghĩ thần có ý đồ phế trưởng lập thứ. Vậy thôi người chém đầu thần cho rồi, để thần khỏi phải lăn tăn trả lời bệ hạ"

Thái Tổ cười lớn:

"Khanh đúng là...! Vậy nếu không nói tên, khanh hãy nói phẩm chất của người xứng đáng kế vị ta cũng được."

"Người xứng đáng kế vị bệ hạ" - Nhân Nghĩa nghiêm trang - "Phải hội đủ bốn điều: Thứ nhất, có tài năng cầm quân để bảo vệ biên cương. Thứ hai, có trí tuệ để không bị các đại thần lũng đoạn. Thứ ba, có lòng nhân để dân chúng kính yêu. Và thứ tư, quan trọng nhất..."

"Thứ tư là gì?" Thái Tổ hỏi.

"Là phải biết kiềm chế tham vọng của chính mình và những người xung quanh" - Nhân Nghĩa nhìn thẳng vào mắt Thái Tổ - "Phải biết rằng vương quyền, dù lớn đến đâu vẫn chỉ là tạm thời. Có lên ắt có xuống, có thịnh ắt có suy. Người biết điều đó sẽ không bị quyền lực làm cho mờ mắt."

Câu nói như liều thuốc an thần chuốc vào tai Thái Tổ khiến ông thở phào, ánh mắt dịu lại: "Nếu khanh nói được vậy thì ta cũng tin tưởng khanh sẽ chọn đúng hướng. Cũng hy vọng Dực Thánh Vương sẽ như lời khanh nói. Có lẽ ta đã quá lo lắng..."

Thái Tổ quá mệt lại nằm xuống giường. Lý Nhân Nghĩa đứng đó, bây giờ mới dám dùng vạt áo lau mồ hôi và thở phào một tiếng. Bầu không khí căng thẳng cũng đã dịu lại đôi chút.

Nhưng điều mà cả hai không biết, đó là ngoài cửa sổ, có một cái bóng âm thầm lặng lẽ lắng nghe từng lời. Nó bây giờ đã trườn đi như một con rắn thật sự, mang theo những thông tin quý giá chìm vào đêm tối của hoàng hôn.

THUYẾT PHỤC PHỤNG HIỂU

Trời vừa hửng sáng, Lý Nhân Nghĩa đã có mặt tại phủ của Lê Phụng Hiểu. Vũ vệ tướng quân đang luyện kiếm trong sân, mỗi đường kiếm vung ra mạnh mẽ như chém một lúc mấy trăm tên địch. Khí chất của ông vẫn mạnh mẽ như hồi là một chàng trai trung nghĩa bảo vệ làng Cổ Bi năm đó. Ông đã luyện xong, mồ hôi lấm tấm trên trán nhưng hơi thở vẫn đều đặn như không hề mệt nhọc.

"Tướng quân dậy sớm luyện võ, quả không hổ danh là Vũ Vệ tướng quân, trụ cột của triều đình." Nhân Nghĩa lên tiếng, giọng ôn hòa.

Phụng Hiểu dừng lại, cắm kiếm xuống đất: "Nhân Nghĩa đấy à, ngài đến đây có chuyện gì quan trọng?"

"Thật không giấu được tướng quân." Nhân Nghĩa cười nhẹ, bước đến gần hơn và hạ giọng: "Tôi có chuyện muốn bàn với ngài, liên quan đến... tương lai của triều đình."

Phụng Hiểu nhíu mày: "Tương lai nào?"

Lý Nhân Nghĩa hạ giọng thấp đến nỗi chẳng ai nghe được điều gì, chỉ biết rằng sau khi nghe xong thì Phụng Hiểu rất đỗi tức giận. Gương mặt Phụng Hiểu nhanh chóng biến sắc, rồi ông lôi thanh kiếm lên khỏi mặt đất, ánh thép lạnh lẽo phản chiếu ánh sáng mặt trời soi thẳng vào Nhân Nghĩa: "Nhân Nghĩa, ông đang nói chuyện phản nghịch với tôi?"

Nhân Nghĩa thở dài: "Tôi biết tướng quân sẽ nói vậy. Nhưng ít nhất, ngài có thể đến tham dự không? Chỉ cần có mặt ngồi nghe thôi, không cần phải tham gia."

"Để làm gì?"

Lý Nhân Nghĩa im lặng không đáp, một hồi sau mới nói: "Chỉ cần tướng quân đến thì sẽ biết"

Vũ vệ tướng quân vẫn còn kì kèo một hồi, nhưng không biết đã bị Lý Nhân Nghĩa cho ăn bùa mê thuốc lú loại gì, cuối cùng cũng phải đồng ý đi theo.

TRĂN TRỐI MUỘN MÀNG

Mặt trời đã xế bóng khi thái tử Phật Mã được gọi vào long sàng. Tim ngài đập mạnh khi thấy cha - vua Lý Thái Tổ - đang tỉnh táo hơn hẳn những ngày qua. Đôi mắt già nua nhưng sáng rực của ông đang nhìn con trai vô cùng trìu mến.

"Con đến rồi..." Thái Tổ thì thầm, giọng yếu ớt nhưng ấm áp.

"Phụ hoàng!" Phật Mã quỳ xuống bên giường, nắm lấy tay cha. "Con thấy người tỉnh táo hơn, có phải người đã đỡ nhiều rồi không?"

Thái Tổ mỉm cười buồn bã: "Ta có lẽ chỉ tỉnh táo trước khi đi xa thôi, con trai."

"Phụ hoàng đừng nói vậy!" - Thái tử buồn bã nói

Thái Tổ chậm rãi lắc đầu: "Ta cần nói với con điều này... Ta không thể yên lòng mà nhắm mắt nếu chưa nói hết."

Mời bạn xem tiếp phần 7: Câu Chuyện về Vua Lý Thái Tổ: những ngày cuối đời ai oán phần 7

Nguồn tham khảo: Bàn về sự kiện “loạn tam vương” - TTDN, Loạn Tam Vương

(Mọi chi tiết trong bài đều do mình tưởng tượng thôi nhé ^-^)

Comments

Nơi Trang cập nhật các thông tin giải trí thú vị hài hước về kinh tế xanh, các giải pháp vì môi trường và sự phát triển bền vững ở Việt Nam và trên khắp thế giới