Loạn tam vương: tướng Lê Phụng Hiểu một mình địch cả làng phần 4

Tiểu sử tướng Lê Phụng Hiểu có giai thoại một mình địch cả làng hấp dẫn. Truyện dã sử loạn tam vương có bàn qua thân thế của ông trước thời vua Lý Thái Tông

Mời các bạn xem phần 3 trước khi xem phần 4 nhé: Thái tử Lý Phật Mã và Âm Mưu Quyền Lực Thời Lý phần 3

Đông Chinh Vương nhắm mắt lại, thoáng ngậm ngùi: “Thái tử là huynh trưởng, là người được chọn rồi, dẫu không cam tâm thì ta có thể làm gì được đây?"

“Được chọn sao? Chẳng qua là vì thái tử sinh ra trước ngài mà thôi. Nhưng thiên mệnh, Đông Chinh Vương à, thiên mệnh không chọn người vì họ sinh ra trước hay sau. Thiên mệnh chọn người có tài, có đức, có dũng như ngài."

Vương tử nhìn lên, cảm thấy khá nghi ngờ nhưng cũng có một chút hứng thú. Dực Thánh Vương vừa nhìn thấy sắc mặt ngài ấy biến chuyển như vậy, liền thì thầm vào tai như rót rượu độc:

“Trước đây các vương tử như ngài chỉ là bậc thang để Thái tử bước lên, nhưng nay thiên hạ đã khác. Bệ hạ không hề thiên vị, người chỉ chọn người xứng đáng. Ngài đừng quên trong tay ngài có binh quyền rất lớn chẳng kém thái tử, đó là bệ hạ đã cho ngài, để ngài làm chuyện lớn."

Đông Chinh Vương không trả lời, chỉ nhìn lên trời đêm qua khung cửa sổ mở toang. Một vì sao băng khẽ vụt qua, sáng rực rồi tắt lịm trong đêm tối. Trong lòng người trẻ tuổi ấy, ánh sáng của tham vọng vừa được thắp lên, nhưng rồi liệu nó có tắt nhanh như sao băng kia, hay sẽ âm ỉ cháy để rồi bùng lên đến mức không gì có thể dập được?

truyện dã sử Loạn Tam Vương: giai thoại tướng Lê Phụng Hiểu phần 4

CHÍ LỚN LÒNG SÂU

Năm tháng trôi qua, Thái tử Phật Mã dần dần trưởng thành. Trí tuệ của ngài ngày càng thâm sâu và mưu lược cũng càng hơn người. Từ một cậu bé non nớt ngày nào giờ đã trở thành một tân tướng quân với bản lĩnh vững vàng. Những trận đánh dẹp loạn mà phụ hoàng giao phó đại công cáo thành đã khiến tên tuổi Thái tử ngày càng vang dội.

Một hôm, Lý Thái Tổ cho triệu Thái tử vào ngự thư phòng - nơi chỉ dành cho những cuộc đối thoại thân mật giữa vua cha và người con trai trưởng đang học cách trị lý thiên hạ.

Phật Mã bước vào. Ngài là người duy nhất gặp nhà vua mà không có vẻ gì là lo âu hay sợ sệt. Nhìn thấy thiên tử, Thái tử hành lễ như thường lệ: "Nhi thần tham kiến phụ hoàng."

Lý Công Uẩn - Thái Tổ - không quay lại ngay. Người vẫn đứng trước bản đồ Đại Cồ Việt treo trên tường, tay chỉ vào những vùng đất đã bình định và những vùng còn phải lo toan. Sau cùng, người mới từ từ quay lại, ánh mắt người hiền từ nhưng không phải dễ để người khác thấu hiểu.

"Phật Mã, con nghĩ gì về chiến thắng của em trai con Đông Chinh Vương?"

Thái tử Phật Mã khẽ nhướng mày, nhưng giọng vẫn điềm đạm: "Hoàng đệ lập được công lớn, nhi thần thật mừng cho triều đình giữ yên lãnh thổ, cho phụ hoàng có thêm niềm vui."

"Nhưng con có nghĩ là ta đang trao quá nhiều quyền binh cho các em con không?"

Đây là một câu hỏi gài bẫy điển hình của đế vương. Nếu thái tử mà nói có, dù là sự thật cũng sẽ lộ ra tâm địa ghen tị. Nhưng nếu nói không, thì sẽ là tự tỏ ra ngu ngơ trước cơ mưu của triều chính.

Thái tử mỉm cười, không chút e dè: "Tâu phụ hoàng, từ xưa đã có câu 'nhất gia chi chủ, bách gia chi ưu', là chủ của nhà đế vương, thì phải lo nỗi lo của trăm nhà. Giang sơn này còn nhiều nơi chưa yên, vẫn cần mọi người ra sức bảo vệ. Nhi thần không lo về việc các đệ đệ có nhiều binh quyền. Khi họ tiến, nhi thần cũng tiến. Chỉ cần nhi thần không lùi, thì dù các hoàng đệ có tiến mạnh mẽ đến đâu, nhi thần cũng không sợ"

Lời đáp quá đỗi thông minh khiến Thái Tổ không khỏi ngạc nhiên. Ngài tiến đến gần hơn, như thể muốn nhìn kỹ xem đây có thực sự là tấm lòng của người có thể gánh vác thiên hạ hay không.

"Vậy con không sợ, họ tranh công với con sao?"

"Tâu phụ hoàng" - Thái tử điềm tĩnh đáp - "Nhi thần không xem công trạng đánh trận của mình là của riêng. Nhi thần đánh trận là vì phụ hoàng và vì tương lai của giang sơn này. Nếu người cần, con nhất định sẵn sàng. Hơn nữa..." - chàng ngừng một nhịp - "Nhi thần đang là thái tử. Trừ phi bị phụ hoàng phế truất, chỉ cần phụ hoàng còn tin tưởng nhi thần, thì cho dù phía trước là mười vạn địch quân, nhi thần cũng không lấy làm lo lắng"

Vị vua cha đứng đó, trong lòng dâng lên niềm tự hào khó tả. Đứa con trai ngày nào giờ đã biết nhìn xa trông rộng, biết cách giữ vững mình giữa bão táp triều đình và đặc biệt là vô cùng tự tin với bản lĩnh hiện có.

"Con nói đúng lắm, Phật Mã!" - Thái Tổ vỗ vai con - "Có lẽ ta đã quá lo lắng cho con. Con đã thực sự trưởng thành rồi, có thể gánh vác thiên hạ được rồi."

Thái tử mỉm cười: “À, nhi thần muốn xin phụ hoàng một việc nữa.”

“Con nói đi” - Ông từ tốn nói.

“Nếu các hoàng đệ phải ra trận, con muốn làm điều gì đó giúp các đệ giành được nhiều thắng lợi hơn.”

Sau đó, thái tử Phật Mã đã bàn với phụ hoàng một việc và nhà vua đã vui vẻ đồng ý ngay, còn khen ngợi biểu hiện của thái tử. Nếu các vị vương gia khác mà biết chuyện, chắc sẽ phải bàn mưu ngay thôi chứ nếu không thì sẽ tức chết. Vì nếu qua lần này, họ sẽ không còn một cơ hội nào tốt hơn nữa.

BƯỚC ĐẾN CƠ ĐỒ

Ngay ngày hôm sau, thái tử đi thẳng đến phủ đệ của Lý Nhân Nghĩa để hỏi chuyện, không e dè, càng không sợ người ta đàm tiếu.

Lý Nhân Nghĩa trước kia cũng là một tướng nhân, nay chuyển sang làm văn nhân cũng là điều bình thường trong triều. Có lẽ vì xuất thân trong quân ngũ nên ông thân quen với Lê Phụng Hiểu - Vũ Vệ tướng quân của thành Thăng Long bây giờ. Ấy vậy mà Lê Phụng Hiểu lại thần tượng con người này, bởi vì bằng hữu ông ta hiểu được cái gọi là những nước cờ rối rắm trong việc quyền mưu, còn ông ta thì học mãi chẳng hiểu được gì thêm ngoài hai chữ trung dũng.

Thái tử tìm đến viên ngoại lang lúc này quả thật bất ngờ, khiến ông ta hơi kinh sợ. Sau những lễ nghi thông thường, thái tử đi thẳng vào việc chính.

"Lý đại nhân, ta muốn hỏi ngài về tướng quân Lê Phụng Hiểu."

Vị quan dày dạn kinh nghiệm chính trường bỗng giật mình cảnh giác ngay lập tức. "Tâu Thái tử, vì sao người lại hỏi về Phụng Hiểu?"

"Ta nghe nói ông ấy là một trong những tướng giỏi nhất của triều đình, võ nghệ cao cường. Ta muốn thỉnh giáo ngài ấy, nhưng vì không biết nhiều về Phụng Hiểu, nếu có đến cũng hơi đường đột, nên ta đành hỏi ngài trước."

Lý Nhân Nghĩa lặng người. Trong triều, mọi người đều biết rằng vương thất không nên kết thân quá mật thiết với võ tướng, đó là cách để tránh việc hoàng tộc cấu kết với quân đội để tạo phản. Lẽ nào thái tử trí tuệ thâm sâu lại không hiểu điều đó?

"Thái tử..." - ông ngập ngừng - "...điều này e rằng không hợp quy củ."

Thái tử Lý Phật Mã mỉm cười, đôi mắt sáng lên niềm kiêu hãnh: "Nhân Nghĩa à, ta đã tấu trình với phụ hoàng việc này rồi và phụ hoàng cũng đồng ý rồi. Ta không làm điều gì khuất tất. Người cầu học vì quốc gia thì không có lỗi, sao phải sợ tai tiếng?"

Lý Nhân Nghĩa thoáng ngạc nhiên, ông tự hỏi liệu rằng vị thái tử này sẽ như các vương gia lần trước đến gặp ông, không biết lại có âm mưu gì.

"Vậy thần xin kể về Lê Phụng Hiểu..." - Nhân Nghĩa mời thái tử ngồi xuống ghế, nét mặt ông chuyển sang trang trọng - "...một người mà ngay cả kẻ thù cũng phải kính nể."

Thái tử nhanh chóng ngồi xuống ghế, nghiêm túc lắng nghe.

"Thái tử có biết trước khi làm tướng, Phụng Hiểu từng làm gì không?" - Lý Nhân Nghĩa hỏi, giọng bỗng trở nên thâm trầm như đang kể chuyện quỷ thần.

Thái tử lắc đầu, ánh mắt hiếu kỳ.

"Ông ấy chỉ là một thường dân, sinh ra ở vùng quê nghèo khó. Nhưng có một câu chuyện ít người biết về Phụng Hiểu..."

Lý Nhân Nghĩa bắt đầu kể về vụ tranh chấp đất đai giữa hai làng Cổ Bi và Đàm Xá. Làng Đàm Xá, nhờ đông người và có nhiều trai tráng khỏe mạnh, đã ngang nhiên chiếm đoạt một doi đất màu mỡ vốn thuộc về làng Cổ Bi. Dân làng Cổ Bi vì toàn người già trẻ nhỏ sức yếu nên thấy thế vô cùng khiếp sợ, định bỏ đất thủ thân. Nhưng rồi một người già trong làng đã nhớ ra Lê Phụng Hiểu - chàng thanh niên có sức mạnh phi thường và mang trong mình tấm lòng hiệp nghĩa. Phụng Hiểu không phải người làng Cổ Bi nhưng hay qua chơi, nên ông ta ấn tượng rất là sâu sắc.

"Dân làng Cổ Bi đi tìm Phụng Hiểu, dọn ra nhiều mâm cỗ lớn để thiết đãi, ban đầu họ tưởng ông sẽ hào hứng giúp ngay. Nhưng ngài biết Phụng Hiểu đã làm gì không?" - Lý Nhân Nghĩa úp úp mở mở.

Thái tử Phật Mã Học Binh Pháp Từ Lê Phụng Hiểu
Thái tử Phật Mã Học Binh Pháp Từ Lê Phụng Hiểu

Thái tử lắc đầu, mắt không rời khỏi người kể. Bỗng nhiên Lý Nhân Nghĩa bụm miệng cười.

"Ông ấy ăn! Ăn như chưa từng được ăn, ăn đến mức dân làng đứng nhìn nhau lo lắng không biết có đủ tiền mua thêm thức ăn không!" - Nhân Nghĩa vẫn còn cười - "Rồi sau khi ăn xong, ông ấy... ngủ! Ngủ ngay giữa đình làng, tiếng ngáy vang như sấm nổ giữa trưa hè."

Thái tử bật cười: "Thật kỳ lạ! Rồi sao nữa?"

"Dân làng tưởng mình đã mời nhầm người hoặc bị lừa rồi. Họ phân vân không biết có nên đánh thức ông dậy không thì đúng lúc đó, cả làng Đàm Xá kéo đến, hàng trăm trai tráng vạm vỡ, tay cầm cuốc xẻng, miệng la hét đòi chiếm nốt phần đất còn lại của làng Cổ Bi."

Lý Nhân Nghĩa ngừng lại, nhấp một ngụm trà như muốn tạo khoảng lặng đầy kịch tính.

"Và rồi, trước sự ngỡ ngàng của tất cả, Phụng Hiểu... bật dậy! Nhanh như chớp, ông nhổ phăng một cây cau bên đường làm vũ khí, rồi lao thẳng vào giữa đám đông làng Đàm Xá. Một mình! Không một người giúp sức! Không một lời cảnh báo!"

Thái tử nín thở: "Ông ấy thua chứ?"

"Không!" - Nhân Nghĩa lắc đầu mạnh mẽ - "Ông ấy thắng! Hoàn toàn thắng! Phụng Hiểu đánh như hổ vồ, khiến cả làng Đàm Xá kinh hồn bạt vía. Không ai đánh trả nổi, chỉ lo tìm đường tháo chạy. Một người đánh cả một làng, chuyện tưởng như hoang đường nhưng là sự thật!"

Thái tử khẽ trầm tư, tự nhiên lại nhớ đến sự tích Thánh Gióng của đất nước, lòng có chút bồi hồi đối với vị tướng quân xuất thân từ thường dân này.

"Từ đó, làng Đàm Xá không bao giờ dám động đến một tấc đất của làng Cổ Bi nữa. Và điều đáng nói là, Phụng Hiểu không hề đòi hỏi một đồng công lao nào. Ông ấy làm vì lẽ công bằng, vì chính nghĩa, vì kẻ yếu thế - điều mà sau này cũng là lý do ông ấy theo phụ hoàng người lập nên triều Lý."

Nghe đến đây, Thái tử Phật Mã bất giác đứng dậy, cúi đầu như thể Lê Phụng Hiểu đang đứng trước mặt mình. Trong lòng chàng thực sự là sự kính trọng dành cho vị tướng quân uy danh lẫy lừng này trong triều.

"Ta phải gặp ông ấy," - Thái tử nói, giọng đầy kiên định - "không phải chỉ để thỉnh giáo võ nghệ, mà để hiểu thế nào là thực sự chiến đấu vì chính nghĩa."

THÁI TỬ LẬP CÔNG

Mùa đông năm ấy, Thái tử dành hầu hết thời gian bên Lê Phụng Hiểu - không chỉ trong những buổi luyện võ ồn ào mà là trong những đêm dài bên ngọn nến sáng, nơi vị tướng già kể lại những trận đánh, những chiến lược và cả những bài học đẫm máu mà ông đã trải qua.

Thái tử không chỉ nghe mà còn cẩn thận viết lại. Ngài chép lại từng lời phân tích, bình luận và đúc kết thành một cuốn sách binh pháp. Khi tác phẩm hoàn thành, Thái tử Phật Mã mang đến dâng lên cho Lý Thái Tổ xem trước, rồi nhà vua cho phép các tướng và vương gia trong triều được đọc.

Lần đầu tiên, người ta thấy một thái tử cầm bút thay vì cầm kiếm lại có thể tạo ra thứ có giá trị ngang với một chiến thắng quân sự.

Trong một buổi gặp riêng với phụ hoàng, Thái tử Phật Mã đã giải thích: "Nhi thần nghĩ rằng, nếu có thể dùng một quyển sách cứu được trăm mạng người hy sinh nơi tiền tuyến, càng giúp các hoàng đệ và quân ta đánh nhanh thắng nhanh, thì đó mới là kế lâu dài của triều đình ta."

Lý Thái Tổ vuốt râu, nụ cười hài lòng hiện rõ: "Ta không ngờ con lại học được nhiều điều từ Phụng Hiểu đến vậy. Viết cũng rất khá đó."

Về sau, Thái Tổ sai người in ra thành nhiều bản cuốn sách do Thái tử viết từ lời của Phụng Hiểu cho các vương tử khác đọc tham khảo trước khi xuất chinh. Tiếng tăm của thái tử ngày càng vang dội.

Nhưng điều này vô tình lại khiến những người em của Thái tử thêm phần lo lắng. Đặc biệt là Đông Chinh Vương, người đã nhận ra rằng chiến thắng quân sự của mình đang dần bị lu mờ trước ánh hào quang trí tuệ của người huynh trưởng.

Mời bạn xem tiếp phần 5: Diễn biến Loạn Tam Vương nhà Lý: bày mưu tính kế phần 5

Nguồn tham khảo: Bàn về sự kiện “loạn tam vương” - TTDN, Loạn Tam Vương

(Mọi chi tiết trong bài đều do mình tưởng tượng thôi nhé ^-^)

Comments

Nơi Trang cập nhật các thông tin giải trí thú vị hài hước về kinh tế xanh, các giải pháp vì môi trường và sự phát triển bền vững ở Việt Nam và trên khắp thế giới