Công lao của vua Lý Thái Tông sau loạn Tam Vương là gì: phần 11
Công lao của vua Lý Thái Tông sau loạn Tam Vương: có tha thứ cho các vương tạo phản? Vì sao ông được xem là người mở đầu cho thời kỳ hưng thịnh nhất nhà Lý?
Mời các bạn xem phần 10 trước khi xem phần 11 nhé: Vua Lý Thái Tông là người như thế nào, đức độ ra sao? phần 10
VÁN CỜ LẬT NGỪA
Trong cung điện, Lý Thái Tông đang ngồi bàn chuyện quốc sự với Lý Nhân Nghĩa và Lê Phụng Hiểu. Hai người này vốn từng cùng nhau trải qua bao sóng gió trong loạn Tam Vương, giờ là những trụ cột của triều đình mới và cũng là tâm phúc của bậc đế vương.
"Bệ hạ có biết không" Lý Nhân Nghĩa cất tiếng sau khi uống cạn chén trà, "thần từng bị Dực Thánh Vương dùng người nhà là em trai thần để uy hiếp, bắt thần phản bệ hạ."
Lý Thái Tông nhướng mày: "Nhân Nghĩa, khanh chưa từng kể với trẫm điều này."
"Vì mọi chuyện đã qua." Lý Nhân Nghĩa mỉm cười khiêm tốn. "Nhưng thần muốn bệ hạ hiểu rõ mọi góc khuất của cuộc phản loạn vừa qua."
Ông kể tiếp: "Thần giả vờ nghe theo, rồi dùng kế phản gián. Dựa vào lời nói của Dực Thánh Vương, thần mới dò một hồi thì tìm ra chủ mưu thực sự là Vũ Đức Vương, ông ấy đã lôi kéo hai vị vương gia kia vào cuộc. Thần còn kích động Vũ Đức Vương phá vỡ hẹn ước cùng tiến vào với Dực Thánh Vương hạ sát bệ hạ."
"Vì sao lại làm vậy?" Lý Thái Tông tò mò hỏi.
"Để chia rẽ họ." Lý Nhân Nghĩa đáp. "Chủ yếu là tránh cho quân ta phải đối mặt với nhiều kẻ địch cùng lúc. Nhân lúc Vũ Đức Vương xông vào trước chưa kịp hợp binh với các vương khác, nếu ta có thể đánh bại cánh quân này thì sẽ tỏ rõ uy thế, khiến hai người kia sợ hãi rút binh."
Lê Phụng Hiểu - người vốn ít nói - bất ngờ lên tiếng: "Thần cũng có điều muốn thưa với bệ hạ. Thần vốn là người trung nghĩa, có dịp tiếp xúc với bệ hạ thì thấy bệ hạ rất quân tử, rất tốt."
Ông ngừng lại, dường như đang tìm từ thích hợp: "Vậy mà thần bị Lý Nhân Nghĩa lôi đi phục tùng Vũ Đức Vương. Lúc đó thần tức tối mắng ông ấy một trận.”
Lý Nhân Nghĩa bất giác mỉm cười.
“Về sau mới biết là Nhân Nghĩa dùng kế phản gián, nên thần cũng muốn giúp sức một tay." - Phụng Hiểu đáp.
Lý Thái Tông và bước ngoặt sau loạn Tam Vương phần 11


Rồi ông thở dài: "Thần chẳng thích đóng vai kẻ gian, nhưng vì quen với việc trên chiến trường 'binh bất yếm trá', với cũng muốn tranh thủ phần thắng cho bệ hạ nên mới làm theo."
Lý Thái Tông gật gù, ánh mắt thoáng buồn: “Vậy à, hóa ra lại có những thứ như vậy ở phía sau.”
“Đúng vậy. Đó cũng là lí do vì sao lúc hai bên giao chiến, thần lại thù Vũ Đức Vương đến vậy, chỉ một lòng muốn trừ gian diệt ác bảo vệ bệ hạ.”
Lý Thái Tông gật đầu: "Trẫm hiểu và cảm kích công lao của các khanh. Mọi người đã vì trẫm mà vất vả rồi." Nhà vua nhìn ra ngoài cửa sổ, nơi mặt trời đang dần lặn xuống. "Nhưng trong lòng trẫm vẫn thấy buồn về việc huynh đệ tương tàn."
"Đó là điều không ai mong muốn, thưa bệ hạ." Lý Nhân Nghĩa nói nhỏ. "Nhưng đôi khi để bảo vệ một điều lớn lao hơn, chúng ta đành phải chấp nhận mất mát. Mong bệ hạ hãy nghĩ thoáng cho lòng thanh thản"
Lý Thái Tông im lặng trong buổi chiều đã dần tắt nắng. Ngài vẫn còn tự hỏi, liệu giữa trời đất mênh mông này, không biết hai vị vương gia đã chạy trốn kia đang đi đâu và sẽ về đâu.
TIN DỮ HAY LÀNH
Vài ngày sau, một thái giám hối hả chạy vào điện Càn Nguyên, quỳ mọp xuống trước vua Lý Thái Tông: "Tâu bệ hạ, có... có người mang đến một bức họa, nói phải trao tận tay bệ hạ!"
Lý Thái Tông nhận lấy cuộn lụa, từ từ mở ra. Đó là một bức tranh vẽ cảnh một con ngựa quỵ xuống vì trúng tên, một vương gia đang ngã khỏi yên ngựa, và một tướng quân vung gươm lao đến. Dù được vẽ bằng nét đơn giản, nhưng không khó để nhận ra đó là cảnh Lê Phụng Hiểu giết Vũ Đức Vương.
Phía dưới bức tranh có dòng chữ nhỏ: "Sinh tử là định mệnh, nhưng cách ta chọn giữa sống và chết, mới là sự khác biệt giữa người biết dừng và kẻ lún sâu."
Lý Thái Tông kinh ngạc không tin vào tai mình, rồi vội vã cất giữ bức tranh. Ông bước xuống ngai vàng, ra lệnh: "Chuẩn bị long giá! Trẫm muốn đến đại điện ngay lập tức."
Khi bước vào đại điện, một cảnh tượng không ngờ hiện ra trước mắt nhà vua: Dực Thánh Vương và Đông Chinh Vương, hai người đã trốn chạy sau loạn Tam Vương, giờ đang quỳ giữa điện, đầu cúi thấp, trong tay không mang vũ khí.
"Chúng thần biết tội, việc thần làm đã khiến bệ hạ đau thương, huynh đệ tương tàn. Thần xin chịu mọi hình phạt của người." Dực Thánh Vương cất tiếng, giọng không run rẩy dù biết rằng cái chết có thể đến bất cứ lúc nào.
Đông Chinh Vương ngẩng lên, mắt đỏ hoe: "Chúng thần đã sai khi nghe theo lời xúi giục của lòng tham, làm trái với đạo trời. Xin bệ hạ xét xử."


Cả điện im phăng phắc. Mọi ánh mắt đều đổ dồn về phía vua Lý Thái Tông. Sẽ có án tử hình? Hay lưu đày? Hay là...
Lý Thái Tông bước đến gần hai người, ngắm nhìn những gương mặt từng là người thân của mình. Trong khoảnh khắc đó, ông không còn thấy họ là những kẻ thù không đội trời chung, mà là những người anh em cùng ông chơi đùa thuở ấu thơ, cùng lớn lên dưới mái ngói cung vàng điện ngọc.
“Huynh đệ một nhà, dù có lầm lỡ, vẫn là cốt nhục.”
Nhà vua thoáng chốc nghĩ ngợi một lát, rồi quay người vào trong không nói thêm gì.
"Mộng đế vương, ai tỉnh ai say?
Chiến thắng thuộc về kẻ biết dừng tay."
BÀN VỀ ĐƯỢC MẤT
Bầu không khí trong điện Càn Nguyên căng thẳng đến mức khiến mọi người vô cùng ngộp thở. Tiếng xôn xao chạy dọc theo khắp những hành lang cột sơn son vàng rực, không góc nào trong triều là không bàn về việc bệ hạ sẽ xử trí hai thân vương đã quay về chịu tội trong Loạn Tam Vương ra sao.
Bệ hạ hiện giờ ngồi ở thư phòng, cảm thấy đầu óc đau nhức vì Lý Nhân Nghĩa lại đến làm phiền. Thiên tử muốn tha, thần tử lại muốn phạt, không ai nhường ai thành ra việc đương bàn đến bây giờ vẫn chưa ngã ngũ.
"Bệ hạ" Lý Nhân Nghĩa vẫn cố thuyết phục như ngày nào, "Hai vương gia này đã tạo phản, nay tuy biết quay đầu, nhưng tội ác đã rành rành. Xin bệ hạ mau hạ lệnh xử trảm để răn đe thiên hạ!"
Sự im lặng bao trùm cả không gian. Không hề có một tiếng động cắt ngang giữa những lời của Nhân Nghĩa.
“Dực Thánh Vương và Đông Chinh Vương cậy mình là hoàng thân quốc thích, cậy nắm binh quyền trong tay mà dám manh tâm chống lại thiên mệnh, cướp ngôi của bệ hạ. Nếu không có sự anh minh của người và không có Lê tướng quân dũng mãnh ra tay chặn đứng mầm họa, thì giờ này giang sơn đã đổi chủ, xã tắc đã rơi vào tay phản tặc! Khi đó dù người có quỳ xuống xin họ như hôm nay, liệu họ có dễ dàng tha cho người không?"
"Lý Nhân Nghĩa, đủ rồi đó!" Thái Tông cất tiếng, giọng lạnh lùng.
“Thần vẫn thấy mình chưa nói đủ. Nói chi đâu xa, người phương Bắc có Việt vương Câu Tiễn cũng từng bị Ngô vương Phù Sai bắt làm tù binh. Khi Phù Sai thả ông ta về, Câu Tiễn đã báo thù ra sao? Triều đình ta há lại không biết đạo lý 'thả hổ về rừng' hay sao?"
Bàn tay nhà vua nắm chặt lại, chuẩn bị một đợt phản kích không kém phần dữ dội.
Lý Nhân Nghĩa tiến lên thêm một bước, mắt nhìn thẳng vào vị vua trẻ: "Tâu bệ hạ. Dưới gầm trời này, ai dám bảo đảm lòng người không đổi thay? Kẻ hôm nay cúi đầu xin tha, ngày mai có thể lại nuôi mộng tạo phản. Nuôi ong tay áo, thả hổ về rừng là những điều nguy hiểm mà cổ nhân hết sức cảnh báo cho người đời sau."
Thái Tông đứng lên, ánh mắt hơi tức giận.
"Nhân Nghĩa, khanh nói chúng ta nên giết hết những kẻ phản nghịch à? Vậy có phải tất cả hoàng thân quốc thích của trẫm cũng nên chém hết luôn không? Thế thì triều đường còn lại ai?" Thái Tông bước xuống một bậc thềm, tiến gần hơn về phía ông. "Người ta thường nói, 'giết một người để cứu vạn người'. Nhưng liệu giết hai người này có thực sự cứu được vạn người không? Hay chỉ là ta đang mượn cớ để trả thù riêng?"
Đại thần Lý Nhân Nghĩa thở dài: "Tâu bệ hạ, dẫu biết rằng hiện giờ xử tử hai thân vương không đem lại điều gì lớn, nhưng đây vẫn là vì kỷ cương của triều đình. Nếu tha cho tất cả kẻ phản nghịch, ai sẽ còn nể sợ phép nước?"
Thái Tông đứng im lặng, đôi mắt nhìn ra xa xăm, như đang nhìn thấy điều gì đó mà không ai khác nhìn thấy.
"Nhân Nghĩa," giọng Thái Tông bỗng trở nên nhẹ nhàng hơn, "ông có biết Dực Thánh Vương đã bắn ngựa của Vũ Đức Vương để Lê Phụng Hiểu nhanh có thể chóng chấm dứt biến loạn không?"
Lý Nhân Nghĩa gật đầu.
"Dực Thánh Vương hà tất làm vậy? Nếu người ông ta nhắm bắn là Phụng Hiểu chứ không phải Vũ Đức Vương, có lẽ thế sự đã khác rồi." Thái Tông cố giấu một giọt nước mắt đang chảy ra. "Giữa lúc sinh tử, ông ấy đã quay đầu, có nghĩa là trong tim hoàng thúc của ta, vẫn còn một tia sáng của lương tri. Phật chẳng thường dạy ‘Buông bỏ đồ đao, lập địa thành Phật’, trong dân gian ta cũng có câu ‘Đánh kẻ chạy đi, chứ nào ai đánh người chạy lại.’"
Lý Nhân Nghĩa nói: :Thần hiểu tấm lòng của bệ hạ, nhưng thần...”
“Nhân Nghĩa này, ta biết khanh còn tức giận vì chuyện họ đã dùng em trai khanh để u hiếp ép khanh? Dù sao khanh cũng đã phản họ, nên sợ họ quay về triều đường trả thù, nên mới muốn mượn phép nước để giết họ, vừa là để hả dạ, vừa là để phòng chuyện về sau."
Lý Nhân Nghĩa lặng người, mồ hôi lấm tấm trên trán. Những lời nhà vua nói như đánh thẳng vào tâm lý của ông, khiến ông không thể nói gì thêm.
"Tâm tư của khanh trẫm đều hiểu. Khanh thương đệ đệ của mình, nhưng trẫm cũng thương huynh đệ họ hàng của trẫm. Trẫm đã mất một Vũ Đức Vương rồi, vậy nên khanh đừng ép trẫm phải làm vậy nữa."
“Thần chỉ lo tính tình bệ hạ như vậy, mai này lỡ có chuyện gì, đất nước lại một lần nữa khói lửa binh đao”
Lý Thái Tông quay người lại, nhìn ông. "Về việc này trẫm đã suy nghĩ kĩ, họ có thể phản được là vì lý do gì? Vì họ có quá nhiều binh quyền trong tay. Giờ thì trẫm thu hết binh quyền lại trực tiếp cai quản, đích thân thống lĩnh quân đội cả nước. Chặt đi vây cánh của họ, vậy còn ai có thể hại khanh, ai còn có thể phản được?"
Nhà vua chậm rãi tiến lại gần Lý Nhân Nghĩa, giọng trầm xuống: "Chỉ có vị vua không biết cầm quân đánh trận mới phải lo sợ và giết người khác, thậm chí sát hại cả huynh đệ ruột thịt. Còn trẫm, trẫm dẫn quân được, cầm binh đánh trận được. Trẫm không cần phải giết họ để cảm thấy an toàn."
Lý Nhân Nghĩa cuối cùng cũng gật đầu, lui lại một bước: "Thần hiểu rồi, bệ hạ... anh minh"
NỢ MÁU NỢ TÌNH
Chiều muộn, trong một căn phòng nhỏ ở Thái Miếu, Thái Tông một mình bước vào. Trong đó chỉ có hai người vương gia đang ngồi chờ với vẻ mặt căng thẳng.
Khi thấy Thái Tông bước vào, Dực Thánh Vương và Đông Chinh Vương đồng loạt quỳ xuống hành lễ. Mồ hôi lạnh chảy dọc sống lưng họ vì họ nghĩ rằng đây là lúc phải nghe tuyên án xửa trảm.
"Hai người ngồi xuống đi." Thái Tông nói, giọng điềm đạm đến lạ thường.
Cả hai ngạc nhiên nhìn nhau, rồi từ từ ngồi xuống. Dực Thánh Vương lên tiếng trước: “Người đến là để...”


"Để ban chết sao?" Lý Thái Tông thở dài. "Hai vương gia, một người là hoàng thúc của trẫm, người kia là hoàng đệ của trẫm, thân thiết từ nhỏ đến lớn. Vì sao ta phải giết các người chứ? Người chết rồi thì thiên hạ này vẫn vậy, cho dù chết thêm nhiều người nữa, cũng không thể quay ngược thời gian hay đổi được khoảng thời gian vui vẻ lúc nhỏ."
Cả ba người im lặng, không hề hẹn trước mà đều nhớ lại về viễn cảnh của nhiều năm trước. Lúc đó bọn trẻ còn nhỏ vui đùa với nhau, Dực Thánh Vương tuy là hoàng thúc cũng cùng họ chơi bời ở bên hồ sen. Thuở ấy còn có Thái Tổ hay mỉm cười khi thấy họ một nhà hòa thuận, gia đình vui vẻ. Cho đến khi Phật Mã được phong Khai Thiên Vương, rồi thành thái tử, tất cả dần dần đã khác xưa.
"Nhưng những ngày ấy đã qua rồi. Từ khi tiên đế ban chiếu lập trẫm làm thái tử, các người không còn nhìn trẫm bằng ánh mắt thân tình nữa. Trẫm đã trở thành cái gai trong mắt các người, là vật cản trên con đường quyền lực của các người."
Dực Thánh Vương trầm tư hồi lâu, lúc này mới lên tiếng: “Thần biết bây giờ nói gì thì cũng quá muộn. Nhưng thần thật sự mệt rồi, chỉ mong được về chốn cũ để yên nghỉ”
"Trẫm không muốn hoàng thúc yên nghỉ ở dưới cửu tuyền. Người ta sống trên đời, bất kể làm gì cũng không qua được tội và phước. Các người có thể làm điều tàn ác, không chớp mắt mà cũng không sợ quả báo, nhưng trẫm rất sợ. Người đang làm, trời đang xem và nghiệp báo không chừa một ai”
Thái Tông đến bên cửa sổ, nhìn ra bên ngoài nơi một ngôi chùa nhỏ hiện lên trong sắc hoàng hôn. "Vũ Đức Vương đã khuất, việc đó không thể vãn hồi. Vậy nên, trẫm không muốn thêm nghiệp sát sinh nữa."
Đông Chinh Vương bỗng cất tiếng: "Vậy bệ hạ muốn...tha cho chúng thần?"
Lý Thái Tông cất tiếng, "Trẫm đã từng hứa với Khai Quốc Vương rằng, nếu các người chịu nhận tội đầu thú, trẫm sẽ tha thứ mà không giết."
Dực Thánh Vương ngạc nhiên ngẩng đầu: "Bệ hạ..."
"Và trẫm giữ lời hứa đó." Lý Thái Tông nói tiếp. "Các người tuy có tội với triều đình, nhưng may là đã biết hối cải. Trẫm sẽ không lấy mạng, thậm chí sẽ phục hồi tước vị như cũ, nhưng các người sẽ bị tước hết binh quyền, lui về ở phủ đệ riêng, không được dự triều chính."
Đông Chinh Vương và Dực Thánh Vương dập đầu xuống đất, nước mắt tuôn rơi: "Tạ ơn bệ hạ đại xá!"
“Không cần giả vờ đâu. Trẫm biết đâu đó trong lòng hai người vẫn còn không phục. Vậy nên hai người cần phải sống, để thấy trẫm vì thiên hạ này đóng góp thế nào. Trẫm sẽ đánh đông dẹp bắc, cải thiện đời sống chúng dân, ban hành luật lệ công bằng và làm một minh quân vô cùng lỗi lạc. Trẫm muốn các người phải nhìn cho rõ, để hiểu vì sao phụ hoàng đã chọn trẫm nối ngôi, chứ không phải các người."
Thái Tông từ từ bước ra khỏi phòng, ngài dần cảm nhận được ánh bình minh đang chiếu xuống trên khuôn mặt. Cho dù là Dực Thánh Vương, Vũ Đức Vương hay Đông Chinh Vương nếu mà cướp được ngai vàng chắc chắn sẽ không tha cho thái tử ngài. Nhưng Phật Mã lên ngôi rồi, biết hết sự tình rồi vẫn chọn lấy đức báo oán, dùng đức độ mà giáo hóa chúng dân. Nhà Lý có thể tồn tại hơn hai trăm năm, một phần rất lớn là nhờ vào ơn nghĩa của những đế vương có tấm lòng bao dung như trời bể này.
Chuyện Đường Thái Tông làm binh biến Huyền Vũ Môn thiên hạ ai ai cũng biết, vậy mà việc vua Lý Thái Tông bình định Loạn Tam Vương và cuối cùng dùng nhân nghĩa đối đãi với huynh đệ, cho phép họ quay đầu sám hối lại ít được lưu truyền. Thiết nghĩ hình mẫu của những bậc đế vương vĩ đại không nhất thiết phải là hiếu sát bạo tàn, thâm hiểm độc đoán, mà hoàn toàn có thể nêu cao nhân đức và thi hành vương đạo.
Đạo của trời đất trước nay vẫn vậy, đều là lấy nhân làm gốc, lấy tín làm đầu. Một đế vương anh minh thần võ, không chỉ cần đủ cứng rắn để giành lấy quyền lực, mà còn đủ từ tâm để giữ được lòng người. Kể cả có được may mắn làm vua thiên hạ, nhưng nếu quân vương lạm sát vô độ, gây nên oán khí, khiến cho muôn dân trăm nẻo khốn cùng thì trời không chứa, đất không dung. Đó cũng là khuyết điểm lớn nhất mà cả tam vương đều thiếu sót so với Lý Thái Tông.
Mời bạn xem tiếp phần 12: Hội thề đền đồng cổ thời Lý Thánh Tông: bắt nguồn từ đâu phần 12
Nguồn tham khảo: Bàn về sự kiện “loạn tam vương” - TTDN, Loạn Tam Vương
(Mọi chi tiết trong bài đều do mình tưởng tượng thôi nhé ^-^)
Comments
Nơi Trang cập nhật các thông tin giải trí thú vị hài hước về kinh tế xanh, các giải pháp vì môi trường và sự phát triển bền vững ở Việt Nam và trên khắp thế giới