Hội thề đền đồng cổ thời Lý Thánh Tông: bắt nguồn từ đâu phần 12
Hội thề đền đồng cổ thời Lý Thánh Tông; nguyên nhân khởi nguồn từ Loạn Tam Vương thời Lý, nhắc nhở về chữ trung chữ hiếu, phòng tránh phản loạn cho đời sau.
Mời các bạn xem phần 11 trước khi xem phần 12 nhé: Công lao của vua Lý Thái Tông sau loạn Tam Vương là gì: phần 11
LỜI THỀ ĐỒNG CỔ
Mùa thu năm đó, tại đền Đồng Cổ (nay ở làng Yên Thái, Hà Nội), có một nghi lễ chưa từng có trong lịch sử triều Lý được tiến hành. Các quan văn võ trong triều đều có mặt đông đủ, áo mũ chỉnh tề, gương mặt nghiêm trang. Ở giữa đền, một cái vạc đồng lớn đã được đặt lên mang theo khói hương nghi ngút.
Lý Thái Tông đứng ở trên cao, mắt nhìn xuống đám đông quan lại. Trong số đó là Dực Thánh Vương và Đông Chinh Vương đứng phía sau, gương mặt có chút trầm buồn.
"Hôm nay" Thái Tông cất tiếng, "Trẫm lập lệ này: Hàng năm, các quan phải đến đền Đồng Cổ này để làm lễ thề: Làm con phải hiếu, làm tôi phải trung, ai bất hiếu bất trung, xin quỷ thần làm tội. Ai trốn không đến thề, sẽ bị phạt 50 trượng."
Và từ đó, lễ thề ở làng Đồng Cổ cứ theo lệ mà tiến hành đến các đời sau, chưa năm nào bỏ sót. Đứng ở ngoài xa còn nghe văng vẳng tiếng lời thề nguyện.
Làm con phải hiếu, làm tôi phải trung, ai bất hiếu bất trung, xin quỷ thần làm tội.
Hội thề đền đồng cổ diễn ra thế nào phần 12


Năm tháng trôi qua, hai vị đại thần cao tuổi nhất triều trong lúc tán gẫu, đã thử giải thích ý nghĩa của buổi lễ.
"Trong thiên hạ này" vị đại thần thứ nhất nói, "Không gì có thể ngăn được lòng tham của con người. Có lẽ bệ hạ đã thấu hiểu điều đó."
"Đúng vậy" vị đại thần thứ hai tiếp lời, "chỉ khi con người hiểu rằng trên đầu ba tấc có thần linh, mọi việc đều có nhân quả thì họ mới không dám làm điều xằng bậy vì sợ trả nghiệp."
"Hoàng thiên tại thượng không cản được con người" vị đại thần thứ nhất thở dài nói tiếp "mà trời đất chỉ thưởng phạt và xét tội con người mà thôi. Dù là người cao quý thế nào đến khi phạm tội cũng không thoát khỏi sự phán sử của trời cao."
Phải chăng sức mạnh vũ lực chỉ có thể khuất phục được thân xác con người, còn cảm hóa linh hồn chúng sinh, e rằng chỉ có oai lực của thần linh mới có thể làm được.
NGHỊCH LÝ THƯỞNG CÔNG
Sau khi đất nước đã ổn định trở lại, vua Lý Thái Tông cho triệu tập triều đình để thăng chức tước cho các quan lại có công.
Viên nội thị bắt đầu xướng tên, từng vị quan bước lên nhận thưởng. Từ quan văn đến võ tướng, từ kẻ lập công lớn đến người có công lao nhỏ, tất cả đều được gọi tên theo thứ tự công trạng.
Lý Nhân Nghĩa đứng lặng trong góc điện, mắt dõi theo từng người được gọi tên. Một, hai, ba... mười sáu người đã được phong thưởng, vẫn chưa đến lượt ông. Khi người thứ mười sáu được xướng danh, vẫn không phải ông thì nét mặt của vị lão thần này có hơi biến sắc. Chỉ khi đến vị trí thứ mười bảy - vị trí gần cuối cùng trong danh sách công thần có mười tám người - tên của Lý Nhân Nghĩa mới được gọi.
"Lý Nhân Nghĩa, thăng Hữu phúc tâm!"
Những tiếng xì xào lan khắp điện. Với công lao to lớn của Nhân Nghĩa, người đã trấn giữ kinh thành trong lúc nhà vua thân chinh đi đánh dẹp Khai Quốc Vương, lại góp ý kiến chủ chốt trong việc bình Loạn Tam Vương, sao lại chỉ được xếp ở vị trí gần cuối như vậy?
Lý Nhân Nghĩa bước lên, cúi đầu nhận chỉ và không nói gì, nhưng người ta vẫn thấy trong ánh mắt ông không giấu được sự thất vọng và bất bình.
Một tháng sau buổi lễ, trong một buổi yến tiệc riêng tư, Lê Phụng Hiểu đã nhắc đến chuyện này với Lý Thái Tông.
"Muôn tâu bệ hạ, thần có điều thắc mắc, không biết có nên thưa không."
"Khanh cứ nói," Thái Tông gật đầu, đang tự tay pha trà. Điệu bộ thân thiện của nhà vua khiến Phụng Hiểu thêm phần táo bạo:
"Bệ hạ, thần vẫn băn khoăn về việc Nhân Nghĩa không được phong thưởng xứng đáng. Ông ấy có công rất lớn, trấn giữ kinh sư lúc bệ hạ đi đánh Khai Quốc Vương, lại luôn góp ý trung thực trong loạn tam vương. Vì sao Nhân Nghĩa lại được phong ở vị trí cuối cùng? Chẳng lẽ bệ hạ không hài lòng với ông ta?"
Thái Tông nhấp một ngụm rượu, ánh mắt trầm tư: "Khanh nói đúng, ông ấy quả có công lớn. Nhưng khanh có biết tại sao ta không thể tin tưởng ông ấy hoàn toàn không?"
Lê Phụng Hiểu lắc đầu, chờ đợi.
"Vì ông ấy... vô tình quá! Đòi trẫm ra tay với tam vương lúc họ phản thì thôi đi, lúc hai vương trở về thì cứ đòi xử tội mãi không thôi. Điều đó chứng tỏ, Nhân Nghĩa chỉ biết đến pháp luật và kỷ cương triều đình, mà quên mất tình người. Người như vậy nếu giữ chức vụ quan trọng chỉ sợ đồng liêu chúng dân nói là khắc bạc, thế thì trái với tôn chỉ về cách trị quốc của trẫm, mà đối với bản thân ông ta cũng là điều không tốt"


"Thần không hiểu lắm về cách trị quốc của bệ hạ, chỉ là thấy bất bình nên mới lên tiếng hỏi mà thôi" - Lê Phụng Hiểu thở dài.
Lý Thái Tông cười nhẹ “Trẫm biết thế nên không trách khanh.”
Lê Phụng Hiểu hỏi tiếp "Nếu bệ hạ nghĩ đến tình thân thủ túc như vậy, vậy mà chính thần đã ra tay giết Vũ Đức Vương. Bệ hạ có thấy, không tin tưởng thần không?"
Một nụ cười thoáng hiện trên môi Thái Tông.
"Khanh biết không, Lý Nhân Nghĩa tên là Nhân Nghĩa nhưng không được nhân nghĩa cho lắm. Còn Phụng Hiểu khanh... khanh như con phụng hoàng hiểu được công đạo trong thiên hạ và dám xả thân vì nghĩa!"
Nhà vua đặt chén trà xuống, đứng dậy, vỗ vai Phụng Hiểu với cử chỉ thân tình:
“Trẫm có mấy huynh đệ ruột thịt, nhưng đều không trung nghĩa, nếu không thì khó mà tin tưởng được, nhưng trẫm lại được trời ban cho một huynh đệ khác họ khiến trẫm vô cùng khâm phục, chính là khanh đó Phụng Hiểu”
Lê Phụng Hiểu cúi đầu: "Thần không dám nhận lời khen quá đáng."
"Không, không quá đáng đâu" Thái Tông cười. "Có lẽ ta xuất thân từ quân ngũ, nên cảm thấy thân thiết với tướng quân hơn. Ta thích người trung can nghĩa đảm, khảng khái chính trực, không thích cái gọi là mưu mô quyền biến của một số người."
Cả hai bỗng bật cười vang. Tiếng cười giòn giã của một minh quân và trung thần như xua tan không khí nặng nề đã bao trùm triều đình suốt thời gian qua.
CHUYỆN THÁC ĐAO ĐIỀN
Mười sáu năm sau, Lê Phụng Hiểu được vua Lý Thái Tông giao nhiều trọng trách chinh phạt và quả nhiên lập được nhiều chiến công lớn. Sau chiến thắng vang dội trước Chiêm Thành năm 1044, Thái Tông muốn ban thưởng lớn cho Lê Phụng Hiểu nên đã hỏi ông.
"Phụng Hiểu" Thái Tông nói trong buổi thiết triều, "khanh hãy nói, khanh muốn được thưởng điều gì? Chức quan? Bổng lộc? Hay vàng bạc châu báu?"
Cả triều đình im lặng, chờ đợi câu trả lời của vị tướng quân lừng danh.
Lê Phụng Hiểu bước ra: "Tâu bệ hạ, thần không cần chức quan cao hơn, không cần vàng bạc châu báu. Thần chỉ xin một điều."
"Khanh cứ nói."
"Thần xin được trèo lên núi Băng Sơn quê thần và ném thanh đao lớn của thần ra xa. Nếu đao rơi đến chỗ nào trong đất công, thần xin bệ hạ ban cho làm sản nghiệp đến đó."
Tiếng xì xào nổi lên khắp triều đình vì đây thực sự là một lời thỉnh cầu kỳ lạ.
Thái Tông nhìn Lê Phụng Hiểu, ánh mắt lộ vẻ ngạc nhiên rồi chuyển sang tò mò: "Được! Trẫm chấp thuận!"
Một tháng sau, tại núi Băng Sơn ở Thanh Hóa, một đám đông đã tụ tập. Lê Phụng Hiểu trong bộ giáp chiến đã cũ, cầm một thanh đao lớn đứng trên đỉnh núi. Gần đó là Lý Thái Tông và các đại thần đứng chờ đợi.
"Bệ hạ" một vị quan hỏi, "Thần không hiểu. Phụng Hiểu có thể xin bất cứ thứ gì, tại sao lại chọn cách này?"
Thái Tông mỉm cười: "Bởi vì đó là Phụng Hiểu. Ông ấy không muốn được ban thưởng vì ân huệ của triều đình. Ông ấy muốn chứng minh rằng mình xứng đáng với những gì mình nhận được."
Trên đỉnh núi, Lê Phụng Hiểu hít một hơi sâu. Ông vung tay, thanh đao lớn bay vút lên không trung lấp lánh dưới ánh mặt trời, rồi rơi xuống xa tít. Đám đông hò reo vang dội. Sau đó người ta đo khoảng cách và thông báo là Phụng Hiểu đã ném đao được ra xa hơn 10 dặm. Ai nấy đều thán phục trước sức khỏe vô địch của ông.


Vua Thái Tông biết được liền vỗ tay chúc mừng: "Từ nay, những ruộng đất trong tầm ném đó đều thuộc về Lê Phụng Hiểu, và được miễn thuế phải nộp trên vùng đất này!"
Đám đông lại reo hò phấn khích. Và từ đó, một lệ mới ra đời trong triều Lý chính là phong tục ném đao thưởng đất để thưởng công cho các đại thần. Người dân Thanh Hóa gọi ruộng thưởng công là ruộng thác đao cũng kể từ sự tích trên.
Phụng hiểu không xin quan lộc mà lại xin một mảnh đất nhỏ, có lẽ đã thấu hiểu rằng: Chức tước là của triều đình có thể ban ra, cũng có thể lấy lại, còn đất đai thì phụ thuộc vào người trồng trọt. Khi đã có đất, con cháu ông dù có không làm quan, vẫn có thể yên ổn làm dân. Phụng Hiểu biết đâu chừng không mưu cầu vinh hoa phú quý cho bản thân, mà chỉ lo cho con cháu đời sau.
Đến tận ngày nay, hậu thế vẫn nhớ về một tướng quân Lê Phụng Hiểu trung thành vì nước, dốc lòng tận tụy đã dẹp loạn tam vương và phò tá thành công vua Lý Thái Tông lên ngôi, góp phần xây dựng một Lý Triều phát triển thịnh vượng, dân chúng no ấm đến trăm năm sau.
BÌNH LOẠN TAM VƯƠNG - BÁCH NIÊN THỊNH THẾ
Loạn Tam Vương là biến cố quan trọng trong thời kỳ đầu triều Lý, khi Lý Thái Tông phải đối diện với cuộc tranh giành quyền lực từ các huynh đệ của mình. Sự kiện này không chỉ thử thách bản lĩnh chính trị của vị hoàng đế trẻ mà còn là phép thử cho sự ổn định của triều đại vừa mới được thiết lập. Qua cách xử lý khôn ngoan, dứt khoát nhưng cũng đầy tấm lòng nhân hậu, Lý Thái Tông đã chứng tỏ tầm nhìn và bản lĩnh của một minh quân thực sự giúp soi sáng Lý triều và lưu danh sử sách.
Sau khi bình định được loạn Tam Vương, Lý Thái Tông đã thiết lập nền móng vững chắc cho triều đại nhà Lý. Ông không chỉ tập trung củng cố quốc phòng mà còn chú trọng phát triển kinh tế, văn hóa và đời sống nhân dân. Điều này được minh chứng rõ rệt qua sự kiện tháng 2 năm 1038 khi Lý Thái Tông đích thân ra cửa Bồ Hải để làm lễ cày ruộng tịch điền.
Sau khi cử hành nghi lễ tế Thần Nông, vị hoàng đế đã tự tay cầm cày xuống ruộng. Khi các quan ngăn cản, cho rằng đó là việc của nông phu, không phải việc của bậc đế vương, Lý Thái Tông đã đáp lại bằng câu nói đầy triết lý: "Trẫm không tự cày cấy thì lấy gì mà có xôi cúng, lại lấy gì cho thiên hạ noi theo?" Rồi ông đẩy cày ba lần để làm gương cho cả triều đình và nhân dân. Hành động này không chỉ thể hiện lòng tôn trọng với nghề nông mà còn là biểu tượng cho triết lý trị quốc của ông: lấy dân làm gốc, coi trọng sản xuất nông nghiệp là nền tảng phát triển của một quốc gia.
Ngoài ra, chính sách phát triển kinh tế tự chủ của Lý Thái Tông còn được thể hiện rõ nét qua sự kiện năm 1040, khi ông ra lệnh đem toàn bộ gấm vóc nhập từ nhà Tống trong cung ra may áo ban cho các quan. Đối với quan từ ngũ phẩm trở lên được ban áo bào gấm, còn từ cửu phẩm trở lên thì được ban áo bào vóc.
Không dừng lại ở đó, nhà vua còn chỉ đạo cho cung nữ học cách dệt gấm vóc để tự sản xuất, giảm sự phụ thuộc vào hàng hóa Trung Quốc. Kể từ đó, trong cung đình chỉ sử dụng hàng dệt từ nội địa, không còn dùng hàng nhập từ nước Tống nữa. Chính sách này không chỉ tiết kiệm tài nguyên quốc gia mà còn nâng cao kỹ thuật thủ công nghiệp trong nước, thúc đẩy nền kinh tế tự chủ của Đại Cồ Việt.
Nhờ tầm nhìn xa và chính sách anh minh của Lý Thái Tông, đất nước đã bước vào thời kỳ phát triển rực rỡ, tạo tiền đề cho "Bách niên Thịnh thế" kéo dài qua ba đời vua Lý Thái Tông, Lý Thánh Tông và Lý Nhân Tông. Có thể nói, sự sáng suốt của Lý Thái Tông không chỉ thể hiện ở tài thao lược quân sự, khả năng xử lý các cuộc nội loạn hay dùng triết lý Phật giáo trong việc trị quốc, mà còn ở tầm nhìn chiến lược phát triển quốc gia dài hạn và những chính sách thiết thực vì dân. Ông đã tạo ra một nền móng vững chắc cho thời nhà Lý và đưa Đại Cồ Việt bước vào một trong những kỷ nguyên thịnh vượng bậc nhất trong lịch sử phong kiến Việt Nam.
Nguồn tham khảo: Bàn về sự kiện “loạn tam vương” - TTDN, Loạn Tam Vương
(Mọi chi tiết trong bài đều do mình tưởng tượng thôi nhé ^-^)
Khuyến cáo: mọi người nên tìm hiểu kỹ thêm về sản phẩm trước khi đặt mua nhé. Bên mình đã cố gắng chọn lọc các sản phẩm chất lượng nhưng cũng không thể đảm bảo được hết và cũng tùy thuộc nhà sản xuất nữa, mong mọi người thông cảm. Nếu chưa tin tưởng thì cũng đừng quyết định mua quá sớm nhé!
Comments
Nơi Trang cập nhật các thông tin giải trí thú vị hài hước về kinh tế xanh, các giải pháp vì môi trường và sự phát triển bền vững ở Việt Nam và trên khắp thế giới