Vua Lý Thái Tông là ai? Vì sao đối đầu với loạn Tam Vương? phần 9

Vua Lý Thái Tông là ai? Ngài là vua thứ hai sau Lý Thái Tổ nhưng trước khi lên ngôi phải đối mặt với loạn tam vương và trải qua trận chiến với anh em ruột..

Mời các bạn xem phần 8 trước khi xem phần 9 nhé: Loạn Tam Vương Là Gì? Diễn biến nguy hiểm ra sao? phần 8

Lý Nhân Nghĩa lặng người, lần đầu tiên cảm thấy bất ngờ trước phản ứng của Thái tử Lý Phật Mã.

"Ta đang mong đợi thế sự sẽ khác, ta không muốn làm một Đường Thái Tông dù anh minh thế nào cũng không trả sạch được nợ huynh đệ ở Huyền Vũ Môn. Ta không thể và cũng không hy vọng có thể nhẫn tâm như ông ấy.”

“Thái tử không hề nhẫn tâm như Đường Thái Tông!” - Lý Nhân Nghĩa nói lớn.

Ngừng một chút, ông nói tiếp: “Ngài là được phong thái tử danh chính ngôn thuận. Ngài được định sẵn sẽ nối ngôi vua, còn những kẻ kia là đang muốn cướp đoạt quyền của ngài. Thái tử chỉ là đang tự vệ và bảo vệ những thứ vốn thuộc về mình mà thôi, không hề giống với Đường Thái Tông đã đoạt vị của thái tử Lý Kiến Thành. Một chút cũng không giống.”

“Đúng vậy thái tử” Phụng Hiểu bước đến gần thái tử, bấy giờ mới lên tiếng, “Chúng thần tình nguyện xả thân vì nghĩa. Thái tử nối ngôi chính là công lý. Những tướng quân như chúng thần nhất mực liều chết bảo vệ thái tử, trung thành với thái tử, sao người còn sợ là người không hiền?”

Thái tử Phật Mã trầm mặc một lúc, rồi không phản bác thêm nữa.

“Thần và Nhân Nghĩa đã bàn bạc với nhau tạo kế li gián và đã thành công. Hiện chúng ta chỉ phải đối mặt với quân của Vũ Đức Vương, chứ tam vương chưa có hợp binh và đánh cùng lúc. Thời điểm này chống trả là tốt nhất, ít làm thiệt hại ba quân tướng sĩ nhất, xin thái tử quyết định” - Phụng Hiểu nói.

Thái tử Lý Phật Mã nhắm mắt lại, ngài có lẽ đang nghe tiếng nói của cha mình vang vọng từ cõi xa xăm. Đến khi mở mắt ra, ánh nhìn của ông đã khác, tựa như người vừa được truyền thêm sức mạnh và thấy cần phải hành động.

"Được rồi, xuất quân đi" Thái tử chậm rãi nói, "Nhưng ta muốn tránh đổ máu nhiều nhất có thể. Hãy nhớ lấy."

Lý Nhân Nghĩa và Lê Phụng Hiểu nhìn nhau, rồi quỳ xuống hành lễ:

"Chết vì vua gặp nạn là chức phận của bọn thần. Nay được chỗ đáng chết, còn từ chối gì nữa! Chúng thần nguyện đem hết sức mình hộ giá thái tử đăng cơ"

Hai người dẫn đầu các vệ sĩ, mở cổng cung điện rồi bắt đầu lao vào trận chiến đẫm máu với Vũ Đức Vương.

TRẬN CHIẾN QUYẾT ĐỊNH

Trận chiến nổ ra như vũ bão. Quân của Thái tử, dù ít hơn, nhưng chiến đấu với tinh thần như một người chống trăm người. Lê Phụng Hiểu xông lên phía trước, tay vung thanh gươm sáng loé, khiến bao kẻ địch phải lùi lại. Ông như một con hổ hùng dũng giữa đám mây đen, chém tới đâu, quân địch ngã rạp tới đó.

Thái tử Lý Phật Mã và cuộc Tranh đấu với anh em phần 9

Lê Phụng Hiểu và Vũ Đức Vương giữa trận chiến
Lê Phụng Hiểu và Vũ Đức Vương giữa trận chiến

Máu nhuộm đỏ thềm điện, những tiếng hò hét hay rên xiết hoà vào nhau thành một bản nhạc tang thương của cuộc nội chiến. Mỗi nhát kiếm, mỗi mũi tên không chỉ kết liễu mạng sống của một người lính, mà còn cắt đứt một sợi dây thân tình giữa những người đã từng thân nhau.

Lúc này Dực Thánh Vương mới từ từ xông vào giúp sức Vũ Đức Vương, nhưng không đánh tới tấp như người ta tưởng tượng.

Nhận thấy tình huống nguy cấp, Lê Phụng Hiểu liền rút gươm chạy thẳng đến cửa Quảng Phúc, nơi Vũ Đức Vương đang điều binh. Ông hô to, giọng vang như sấm:

"Bọn Vũ Đức Vương ngắp nghé ngôi báu, không coi vua nối vào đâu, trên quên ơn Tiên đế, dưới trái nghĩa tôi con, vì thế thần là Phụng Hiểu xin đem thanh gươm này để dâng!"

Đến lúc này, thái tử Lý Phật Mã như có linh cảm điều gì không lành nên vội mở cửa ra xem. Và ngài đã tận mắt chứng kiến tất cả những cảnh kịch tính nhất cũng như đau thương nhất của Loạn Tam Vương Chi Biến.

Tại cửa Quảng Phúc, Vũ Đức Vương đang ngồi trên lưng ngựa, vẻ mặt bỗng trở nên kinh ngạc khi thấy Lê Phụng Hiểu - người vốn đã cùng Lý Nhân Nghĩa hứa sẽ theo mình - giờ lại trở thành kẻ thù không đội trời chung. Vũ Đức Vương đang định quay ngựa lại giao chiến thì bỗng nhiên, một mũi tên từ xa vụt đến cắm phập vào ngựa của ông ta. Con vật đau đớn hí lên rồi nhanh chóng quỵ xuống, hất văng Vũ Đức Vương xuống đất.

Lê Phụng Hiểu chém Vũ Đức Vương giữa trận chiến
Lê Phụng Hiểu chém Vũ Đức Vương giữa trận chiến

Lê Phụng Hiểu nhanh chóng lao tới. Thanh kiếm trong tay ông vung lên, ánh sáng lạnh lẽo lóe lên một lần duy nhất trong không trung, rồi hạ xuống như tia chớp.

Vũ Đức Vương trong giây phút cuối cùng, bất giác quay người lại. Ánh mắt ông ta chợt mở to đầy kinh ngạc khi nhìn thấy hình dáng quen thuộc trong bóng tối mờ ảo: Dực Thánh Vương đang ngồi trên ngựa, nhìn về phía mình với ánh mắt trầm buồn khó tả. Bên cạnh ông ta, một tên lính đang giương cung, chính là kẻ mới bắn ra mũi tên vừa rồi.

Thái tử cũng trông thấy khoảnh khắc đó, theo quán tính liền đưa mắt nhìn về Dực Thánh Vương.

"Tại sao...?" Vũ Đức Vương chỉ kịp thốt lên một tiếng cuối cùng trước khi thanh kiếm của Lê Phụng Hiểu hạ xuống, cắt đứt mạng sống của ông ta.

KẾT CUỘC BIẾN LOẠN

Khi cái chết của Vũ Đức Vương lan truyền khắp chiến trường, quân lính của ông ta như rắn mất đầu, bỏ chạy tán loạn. Dực Thánh Vương nhìn thấy cảnh tượng trước mắt, rồi bỗng chốc đưa mắt nhìn về phía điện Càn Nguyên, nơi thái tử Lý Phật Mã đứng đó, dáng vẻ oai nghiêm nhưng không còn gì có thể buồn hơn.

"Lui quân," Dực Thánh Vương ra lệnh, giọng trầm xuống. Có lẽ ông ta đã hiểu rằng con đường tranh đoạt ngai vàng nên được khép lại, vì cái giá phải trả đã quá đắt rồi.

Lê Phụng Hiểu với thanh kiếm trong tay dính vết máu vẫn còn nhỏ giọt, định xông lên đuổi theo Dực Thánh Vương, nhưng một tiếng quát vang lên từ phía thái tử đã vang đến:

"Phụng Hiểu! Dừng lại!"

Phụng Hiểu dường như không nghe thấy, cứ đâm đầu chạy đi.

“Phụng Hiểu! Ngươi lập tức dừng lại!”

Đến lúc này Phụng Hiểu mới nghe thấy, ông không truy cùng giết tận nữa mà từ từ quay trở về.

Lý Nhân Nghĩa đứng gần đó cũng bỏ kiếm xuống, tất cả quân ở phe thái tử đều dừng tay, để lại cơ hội cho hai vương trốn thoát.

“Cầm tặc cầm vương, đại kế đại thể tất cả xong rồi.” Lý Nhân Nghĩa thở dài một tiếng, lòng nghĩ thầm như vậy.

Cả chiến trường vừa mới khói lửa binh đao kêu rền vang trời, giờ bỗng nhiên im lặng phăng phắc. Lý Phật Mã bước xuống bậc thềm, đi về phía thi thể của Vũ Đức Vương. Người nhìn ông ấy một lát mà những giọt nước mắt lặng lẽ rơi xuống.

"Cho dù người có lỗi lầm thế nào" thái tử lên tiếng, giọng run run vì xúc động. "Người vẫn là người thân của ta. Hãy an táng người theo nghi lễ hoàng gia." Rồi Lý Phật Mã ngước nhìn bầu trời, giọng trở nên cương nghị: "Và từ nay, không ai được nhắc đến chuyện này nữa. Tuyệt đối không được bàn tán về thân thế của Vũ Đức Vương nữa."

Hôm đó, trời tối đen như mực, đã gần sáng rồi mà không có một vầng nắng nào le lói. Chỉ thấy những đường đỏ cắt ngang bầu trời, tĩnh mịch và cô đơn.

Ở cưa Long Thành, Đông Chinh Vương khi nghe tin chiến sự đã kết thúc thất bại thảm hại và Vũ Đức Vương đã chết, cũng không còn sự lựa chọn nào khác ngoài việc chạy trốn khỏi kinh thành như Dực Thánh Vương.

Phải rất lau sau chiến trường được thu dọn xong thì nắng mới lên. Lúc này Lý Phật Mã, người sẽ sớm trở thành vua Lý Thái Tông, đang ngồi một mình trong điện Càn Nguyên. Trước mặt người là một khoảng sân trống trải, giống như chính cảm giác trong lòng người đang phải trải qua.

"Thiên tử đã thắng" người nghĩ thầm. "Nhưng có bao nhiêu người đã phải ngã xuống để đổi lấy chiến thắng này?"

Bên ngoài cửa sổ, những cánh chim lại bay về tổ trong ánh bình minh như thể chẳng có gì xảy ra. Nhưng trong lòng người sắp trở thành vua một nước, không có gì tuyệt vọng hơn nỗi đau này. Biết bao nhiêu quân vương thuận lợi đăng cơ vương vị, không phải trải qua mưa máu gió tanh, tại sao lại là Phật Mã ngài, tại sao lại là người thân ngài: Vũ Đức Vương, Dực Thánh Vương và Đông Chinh Vương làm cái chuyện này?

Có lẽ đó chính là cái giá của quyền lực. Nó được đo đếm không phải bằng những gì người ta đạt được, mà là những gì người ta buộc phải đánh mất để có được nó.

Trong một bàn cờ, vua là quân quan trọng nhất, nhưng cũng là quân cô độc nhất. Mọi quân khác có thể hy sinh để bảo vệ vua, nhưng vua không được phép hy sinh cho bất kỳ ai, vì khi vua ngã, cả bàn cờ sẽ tàn.

TIN LÀNH HAY DỮ

Trường Yên, năm 1028.

Sau hôm xảy ra biến loạn, Khai Quốc Vương ngồi trên chiếc ghế gỗ lim và mở thư ra. Đôi mắt ông bấy giờ trở nên đỏ ngầu khi nhìn chằm chằm vào bức thư báo tin vừa được đưa tới. Bàn tay ông run rẩy nắm chặt tờ giấy đến mức nó nhàu nát lúc nào không hay.

"Vũ Đức Vương đã chết..." - Tiếng thì thầm của ông vang vọng trong gian phòng vắng lặng.

Một viên tướng bước vào, quỳ xuống: "Bẩm Vương gia, quân do thám báo về, Thái tử Lý Phật Mã đã đánh bại Dực Thánh Vương và Đông Chinh Vương. Cả hai đã tháo chạy. Vũ Đức Vương... không may đã tử trận."

khai quốc vương tạo phản
khai quốc vương tạo phản

Khai Quốc Vương bật dậy, cơn giận dữ cùng niềm đau xót hòa quyện thành một tiếng gầm thảm thiết:

"Không phải tử trận! Là bị giết! Bị giết bởi chính người anh em ruột thịt của ta! Thái tử Lý Phật Mã, người đang làm gì vậy?..."

Khai Quốc Vương đập mạnh tay xuống bàn, chiếc ấn ngọc trên bàn vì thế mà rơi xuống đất khiến nó vỡ thành hai mảnh.

Viên tướng cúi đầu: "Vậy Vương gia định..."

Khai Quốc Vương nhìn ra cửa sổ nơi phía xa là dãy núi trùng điệp hiểm trở. Những ngọn núi ấy đã bao đời che chở cho vùng đất Trường Yên này, giờ đây như là một tấm màn ngăn cách giữa vùng đất xa xôi này và nơi kinh thành đau thương kia.

"Truyền lệnh!" - Khai Quốc Vương cất tiếng, âm vang như sấm - "Đóng chặt các cửa thành, tăng cường phòng thủ, chuẩn bị luyện binh."

"Vương gia... đây chẳng phải là..." - Viên tướng ngập ngừng.

"Phản nghịch ư?" - Khai Quốc Vương cười nhạt - "Ta chỉ làm điều tiên đế đã dặn. Nếu Thái tử có thể tàn nhẫn với Vũ Đức Vương, ngày mai sẽ đến lượt ai? Dực Thánh Vương? Đông Chinh Vương? Hay là chính ta?"

Lời nói vừa dứt thì một tia nắng xuyên qua cửa sổ và rọi thẳng vào mặt Khai Quốc Vương. Trong ánh sáng chói chang ấy, gương mặt ông hiện ra rõ nét đau đớn và phẫn nộ của một người vừa mới mất đi người thân và rồi sắp mất đi người càng thân hơn.

Tại Thăng Long, Thái tử Lý Phật Mã đứng trước bàn thờ của vua cha, đôi mắt nặng trĩu tâm tư. Nén hương trên tay ngài run run, khói tỏa ra mờ ảo như là điềm dự báo không lành của đất nước lúc này.

"Phụ hoàng..." - Thái tử thì thầm - "Con đã làm theo lời người dạy: bảo vệ giang sơn trước, rồi mới đến tình ruột thịt. Nhưng sao lòng con vẫn..."

Lê Phụng Hiểu bỗng nhiên bước vào, phá tan không khí trầm mặc lúc này, ông quỳ xuống: "Tâu Thái tử, có tin từ Trường Yên. Khai Quốc Vương đã... tạo phản."

Lý Phật Mã nhắm mắt, hít một hơi sâu. Từng chữ như dao cắt vào tim: "Khai Quốc Vương... em ta..."

"Vâng, thưa Thái tử. Tin báo, Khai Quốc Vương đã đóng chặt thành, tuyên bố không chấp nhận triều đình hiện tại."

Lý Phật Mã mở mắt, đặt nén hương xuống bát rồi quay sang Phụng Hiểu: "Truyền lệnh ta, Lý Nhân Nghĩa thống lĩnh một đội quân ở lại giữ kinh sư, còn lại chuẩn bị xe ngựa và quân lính, ta sẽ thân chinh đến Trường Yên."

Lê Phụng Hiểu giật mình: "Thái tử định..."

"Không phải như ngươi nghĩ đâu, Phụng Hiểu." - Thái tử nhìn thẳng vào mắt vị tướng - "Ta không đến đó để giao chiến. Ta đến để bàn phải trái với em trai ta."

ĐỐI THOẠI TÌNH NGHĨA

Đạo quân của thái tử Lý Phật Mã trùng trùng tiến về Trường Yên. Những lá cờ thêu rồng vàng của đội quân phấp phới trong gió, nhưng trên gương mặt thái tử không cảm nhận được bất cứ sự hân hoan nào, mà chỉ hằn lên nỗi trăn trở của người lần nữa sắp phải đối đầu với người trong tộc.

Lê Phụng Hiểu đi theo người suốt buổi, bỗng cất tiếng: "Bẩm thái tử, quân ta đã bao vây toàn bộ phủ thành. Chỉ cần một hiệu lệnh, chúng thần sẽ phá cổng, bắt sống Khai Quốc Vương."

Thái tử nhìn về phía thành trì của Trường Yên với ánh mắt trầm tư: "Nơi nay có núi non hiểm trở, dễ thủ khó công, nếu đánh sẽ khó thắng. Hơn nữa...hơn nữa Khai Quốc Vương không giống như tam vương họ, ngài ấy thân với ta nhất, là em ruột của ta, không phải kẻ thù ta.”

Thái tử Phật Mã lấy trong người ra một bức thư đưa cho Phụng Hiểu: “Hãy đưa thư khuyên hàng đến cho Khai Quốc Vương."

Theo lệnh thái tử, một sứ giả cưỡi ngựa trắng tiến đến cổng thành, giơ cao bức thư có đóng ấn của thái tử đến trước thành Trường Yên.

Khai Quốc Vương đứng trên lầu thành, nhìn đoàn quân của Thái tử dừng lại cách thành không xa. Đôi mắt ông nheo lại khi nhận ra hình dáng quen thuộc của người anh trai chính là Thái tử Lý Phật Mã đang đứng trước cổng thành và nhìn lên ông.

"Thái tử không tấn công sao" - Khai Quốc Vương lẩm bẩm - "Người đang muốn chứng tỏ điều gì, huynh trưởng?"

Một vị quân sư bên cạnh lên tiếng: "Bẩm Vương gia, có lẽ đây là cơ hội tốt để..."

"Để làm gì? Giết chết anh trai ta?" - Khai Quốc Vương giận dữ nói - "Ngươi nghĩ ta là loại người nào?"

"Nhưng Vương gia đã..."

"Ta chỉ muốn một câu trả lời." - Khai Quốc Vương ngắt lời - "Mở cổng thành! Ta muốn nói chuyện với Thái tử."

Sau một hồi chờ đợi, cánh cổng lớn chậm rãi mở ra. Tiếp đó sứ giả của Thái tử đã trở về với một tin mừng: Khai Quốc Vương đồng ý đối thoại, chỉ hai người, không mang theo binh khí.

Mời bạn xem tiếp phần 10: Vua Lý Thái Tông là người như thế nào, đức độ ra sao? phần 10

Nguồn tham khảo: Bàn về sự kiện “loạn tam vương” - TTDN, Loạn Tam Vương

(Mọi chi tiết trong bài đều do mình tưởng tượng thôi nhé ^-^)

Comments

Nơi Trang cập nhật các thông tin giải trí thú vị hài hước về kinh tế xanh, các giải pháp vì môi trường và sự phát triển bền vững ở Việt Nam và trên khắp thế giới