Chiến Lược Không Đánh Mà Thắng - Đoàn Nhữ Hài phần 1
ĐOÀN NHỮ HÀI P1.
“Không chiến mà thắng, không đánh trận mà vẫn khuất phục được địch, thậm chí không tốn một binh một tốt” Bạn đã từng nghe đến chiến tích trên của nhà Trần chưa?
Đoàn Nhữ Hài đứng trước bản đồ trải rộng trong phòng Khu Mật Viện triều Trần, ánh nến hắt lên khuôn mặt trầm tư. Ngón tay ông chậm rãi di chuyển từ kinh thành Thăng Long xuống vùng đất Chiêm Thành xa xôi. Giữa khoảng cách ấy là núi rừng hiểm trở, là biển cả mênh mông và hàng vạn sinh linh có thể bỏ mạng trong một cuộc chiến tranh sắp đến.
"Thưa quan gia, việc đánh Chiêm không khó. Nhưng khi đánh xong, giữ được lòng người mới là khó."
(nhà Trần gọi vua là Quan gia)
Vua Trần Anh Tông ngồi im lặng, chén trà trong tay đã nguội lạnh. Vấn đề từ Chiêm Thành trong lòng người đã đâm chồi lên như một cái gai nhức nhối. Kể từ khi Chế Chí (vua Chiêm Thành) lên ngôi thì nước láng giềng phương Nam này không ngừng gây hấn. Đó là chưa kể các toán quân nhỏ do vua Chiêm bảo trợ đã liên tục cướp bóc, quấy phá vùng biên giới, tìm cách lấy lại hai châu Ô, Lý đã cắt nhượng.
Hai châu Ô và Lý vốn là sính lễ mà vua Chế Mân của Chiêm Thành (triều trước) dâng cho Đại Việt khi cưới Huyền Trân công chúa, em gái vua Trần Anh Tông. Chỉ một năm sau lễ thành hôn, vua Chế Mân qua đời. Huyền Trân được rước về nước, còn hai châu thì... đã là quà cưới gửi tặng nhà gái. Giờ đây, Chiêm Thành chỉ đơn giản là muốn đòi lại sính lễ.
Nhưng “đòi quà” bằng cách cướp bóc gây loạn, thì rõ ràng trên không thuận trời dưới không thuận người. Đại Việt làm sao có thể đứng yên?
"Thế khanh nghĩ sao, Nhữ Hài?" Nhà vua trầm giọng hỏi.
Chiến lược dùng nội gián của Đoàn Nhữ Hài (phần 1)


Đoàn Nhữ Hài mỉm cười khẽ. Trên gương mặt ông hiện rõ nét tinh anh hiếm có của một người đã nhìn thấu bản chất vấn đề: "Quan gia có biết cách bắt được con mồi mà không cần đuổi theo nó vào rừng không?"
Vua Trần tò mò nhìn vị quan tài ba của mình.
"Đó là đặt bẫy, thả mồi và... kiên nhẫn chờ đợi." Đoàn Nhữ Hài nói với vẻ mặt vô cùng bí ẩn.
KẾ HOẠCH BỐN TẦNG
Năm 1311, khi trại chủ Câu Chiêm của Chiêm Thành sang triều cống, Đoàn Nhữ Hài đã khởi động kế hoạch tinh vi của mình. Trong khi các quan đại thần khác chỉ muốn xua đuổi “man di”, Đoàn Nhữ Hài lại tiếp đón vị sứ giả này như thượng khách.
Căn phòng tiệc tại Thăng Long được thắp sáng bởi ánh nến lung linh, mùi rượu thoảng bay. Đoàn Nhữ Hài trong bộ triều phục giản dị nhưng toát lên khí chất sắc sảo, ngồi đối diện trại chủ Câu Chiêm. Ông rót trà vào chén ngọc của vị sứ giả Chiêm Thành, nụ cười nhẹ nhàng nhưng ánh mắt sắc như lưỡi dao.
Nhữ Hài: (giọng thân mật, pha chút tò mò) Trại chủ, ta nghe nói dân chúng Chiêm Thành đang khổ sở dưới triều đại mới. Có thật vậy không, hay chỉ là lời đồn từ những kẻ lắm mồm?
Trại chủ Câu Chiêm: Ngài có lẽ không nên quan tâm chuyện nội tình Chiêm Thành thì hơn.
Nhữ Hài chỉ mỉm cười, rồi uống luôn chum trà của mình, vẻ rất thản nhiên.
Nhữ Hài: Ta chỉ nghĩ, một đất nước tốt đẹp như Chiêm Thành, sao gần đây lại nổi loạn cướp bóc quá độ, ít thấy ai hiền lành tử tế như ngài.
Trại chủ chỉ thoáng một nụ cười, gần như là mỉa mai. Trong thâm tâm ông, lẽ nào nổi dậy làm loạn đòi đất thì bị gọi là “cướp bóc quá độ”, còn qua triều Trần cống lễ vật thì được xem như “hiền lành tử tế”?


Nhữ Hài nghiêng người qua, giọng trầm xuống như thì thầm: Lấy lại đất đai? Hai mảnh đất đó với dân chúng nơi ấy, cái nào quan trọng hơn? Liệu có nghĩa gì khi thu về hai châu Ô và Lý mà dân chúng chết đói, lính tráng kiệt sức, còn kho lương thì cạn kiệt?
Nhữ Hài đứng lên đi vài bước, vẻ mặt trầm tư.
“Nếu Chiêm Thành các người có thể đề xuất một vài biện pháp giúp dân hai vùng đất đó sống sung túc hơn, mùa màng bội thu, giáo dục phát triển thì cứ nói ra, Đại Việt biết đâu sẽ xem xét.” ông nói từng lời, cực kì thận trọng.
Trại chủ Câu Chiêm đảo mắt, không nói nên lời.
Thấy ông ta như vậy, Nhữ Hài chỉ đành tiếp lời: “Nếu chỉ có đòi đất không thì, Đại Việt không thể chấp nhận. Ngài đừng quên tình hình trước khi Đại Việt tiếp nhận hai châu Ô, Lý. Không có được yên bình như thế này đâu. Quan gia đã sai ta đến phủ dụ dân chúng, tốn bao nhiêu công sức để an lòng dân, đến bây giờ đã tốt hơn trước.”
Lúc này đây, ánh mắt trại chủ Câu Chiêm đã nhìn ra xa xôi. Dù vẫn muốn theo ý nhà vua nước mình là giành đất lại, nhưng ngài không khỏi khâm phục những cải cách tốt đẹp của Đoàn Nhữ Hài đã mang lại cho nơi chốn đó. Từ việc bổ nhiệm quan tước, phân phát ruộng đất và xá thuế nhiều năm cho người bản địa, vị quan này đã từng bước thu phục nhân tâm. Tất cả những công cán đó đương nhiên không thể phủ nhận.
Suy cho cùng, Đại Việt đã dày công khai khẩn, chăm sóc vùng đất hoang sơ thuở trước, khiến nơi ấy trở nên trù phú yên bình, xem dân như con, lo từng miếng ăn giấc ngủ. Nay "cha mẹ ruột" bỗng quay về đòi lại, thử hỏi người nghĩa phụ nghĩa mẫu đã một tay nuôi dưỡng bao năm trời, há lại có thể ung dung trao trả như chưa từng đổ giọt mồ hôi sao?
“Ngài xem, Chiêm Thành cứ xách động mãi mà vẫn không thể tạo nên một cuộc nổi dậy thật sự, đó là ý dân đã định, chứ nào phải triều đình không chịu trả?” Nhữ Hài tinh tế đưa đẩy cuộc trò chuyện.
Trại chủ cứ ngồi đó lặng lẽ suy nghĩ. Tất nhiên là ông không thể nói những lời thật về vua nước mình với quan nước khác như là Nhữ Hài, nhưng ông vẫn không quên được những gì xảy ra trước mắt. Chế Chí là một vị vua trẻ, độc đoán và hơi thiếu chiến lược lâu dài. Giấc mộng lấy lại đất đai kia đã khiến ông ta bỏ quên dân sinh: thuế má nặng nề, lính tráng bị bắt đi huấn luyện triền miên, dân chúng đói khổ... Những lời than oán tuôn trào ấy làm sao có thể át hết đi được.
Đáng buồn thay! Một vị vua giỏi phải biết rằng sức mạnh thực sự nằm ở lòng dân, không phải ở mảnh đất. Nếu dùng vũ lực để lấy thiên hạ, e là thiên hạ nếu có cũng chỉ là đất vuông ngàn dặm mà vắng bóng người, liệu có bền lâu?
Trại chủ Câu Chiêm: Vậy rốt cuộc ngài muốn gì?
Nhữ Hài: Điều triều đình ta muốn đã quá rõ ràng, một cuộc chiến chấm dứt ân oán. Huyền Trân công chúa nước ta đã từng sang nước ngài để liên hôn. Nếu hòa bình không thể làm hai nước sống hòa thuận được, thì chiến tranh đi.


Lúc này, sứ thần Chiêm Thành mới giật mình đứng lên, hơi căng thẳng nhíu mày suy nghĩ.
Nếu tiến đánh ngay lúc này e là Chiêm Thành khó chống đỡ được. Thiên hạ giờ đây triều đình nhà Trần dưới thời vua Trần Anh Tông đã là cực thịnh. Mọi mặt về quân sự, kinh tế, giáo dục đều được chú trọng như thời thịnh thế. Còn Chiêm Thành, tất nhiên không phải đối thủ của Đại Việt trong thời kì này.
Nhữ Hài: Tuy ta là thần tử của triều đình, nhưng cũng có thời gian khá lâu tiếp xúc với người dân Chiêm Thành. Họ rất tốt bụng, thật thà và dễ mến. Ở lâu cũng có tình cảm, giờ đây ta cũng muốn cứu Chiêm Thành khỏi họa diệt vong.
Câu Chiêm: Ngài có cách gì?
Nhữ Hài: Cách gì à? Phải phụ thuộc vào ngài, chứ không phải vào ta!
Ông vừa nói vừa nghiêng đầu, tỏ vẻ nguy hiểm.
Câu Chiêm: thôi được, ta có thể làm gì?
Nhữ Hài: nếu ngài có thể khuyên vua nước ngài chịu quy thuận, ta cũng có thể liều chết can ngăn vua của ta ngưng không xuất binh.
Trại Chủ quay người đi: Vua nước ta không dễ nghe lời như thế đâu.
Nhữ Hài: nếu ông ấy khuất phục sẽ được phong tước, sống an nhàn tại Thăng Long, chẳng phải lo toan gì sau này. Đại Việt cũng không tiến đánh Chiêm Thành.
Câu Chiêm: Làm sao tôi tin được ngài sẽ không lật lọng kia chứ?
Nhữ Hài: (cười lớn, nhưng ánh mắt sắc lạnh) Trại chủ, nếu Đại Việt thực muốn cắt đứt mối quan hệ với Chiêm Thành, hôm nay ngài đã chẳng ngồi đây uống rượu với ta. (giọng trầm xuống, đầy uy quyền) Nếu vua nước ngài quy thuận, không chỉ ông ta được bảo toàn, mà hoàng đệ Chế Đà A Bà Niêm sẽ được giao cai quản Chiêm Thành. Dân chúng các người sẽ tránh được họa binh đao, Chiêm Thành vẫn giữ được quyền tự chủ. Ngài muốn dân chúng sống, hay muốn họ hy sinh vì giấc mộng hão huyền của một vị vua?
Câu Chiêm: Nhưng nếu vua tôi không chịu hàng, thì tôi cũng hết cách.
Nhữ Hải mỉm cười tinh quái: Thần tử thông minh sẽ biết chọn chủ nhân. Giữa vua của ngài và hoàng đệ của ông ấy, ai là người trong tương lai có thể trọng dụng ngài hơn? Một người đã có tất cả, hay là một kẻ mới chưa rành việc? Còn ngài nữa, ngài sẽ yên tâm hơn khi làm việc với người nhân hậu lương thiện, hay một quân chủ chỉ biết đi gây hấn trong khi quốc lực thì chưa ổn?
Trại chủ nhìn lên, ánh mắt dao động thật sự.
Nhữ Hài: Đại Việt đã mở sẵn con đường thăng tiến cho ngài. Vậy nên, khi quân Đại Việt đến trại Câu Chiêm, ngài nên biết sẽ phải làm gì. Hãy cứu dân chúng của ngài, và cứu cả chính ngài nữa.
Ông nói dứt câu, bèn mau chóng quay lại bàn, nhấc chén trà lên, mỉm cười. Hạt giống giờ đây đã được gieo, chỉ chờ thời cơ nảy mầm.
Mời bạn xem phần 2: Cuộc Chiến Chiêm Thành và Nhà Trần - Đoàn Nhữ Hài (phần 2)
Nguồn tham khảo: Trần Anh Tông và cuộc chiến Chiêm Thành 1312
(Các đoạn đối thoại đều do mình tưởng tượng thôi nhé ^-^)
Comments