Chuyện Tình Éo Le Thời Trần: Nguyễn Thị La và Hành Trình Báo Thù Phần 1

NGUYỄN THỊ LA P1.

Tự nhiên yêu Trang

4/24/202515 phút đọc

Vào thời vua Trần Anh Tông trị vì (1293-1314), khi triều đình đang hưởng thái bình thịnh trị sau ba cuộc kháng chiến chống Nguyên Mông đại thắng, thì tại một góc nhỏ của xã Dưỡng Phú thuộc phủ Xích Đằng lại diễn ra một chuyện tình éo le.

Đó là chuyện về cô gái Nguyễn Thị La xinh đẹp như hoa mùa xuân, làu thông kinh sử, lại thông hiểu y thuật. Nhưng nàng bị chàng trai con nhà giàu Đinh Hoàng theo đuổi, bám riết không buông.

Đinh Hoàng là con trai trưởng dòng họ Đinh ở Dưỡng Phú, vốn là mẫu công tử nhà giàu điển hình: túi tiền thì thừa nhưng trí tuệ thì thiếu, đầu óc quanh năm chỉ nghĩ đến việc khoe của. Trong khi những cô gái khác tranh nhau cười duyên trước mặt hắn, Nguyễn Thị La lại là người duy nhất nhìn hắn với ánh mắt như nhìn... một con lợn sữa: trông ngon mắt trên bàn tiệc ấy chứ không hợp để kết duyên ^-^

Một lần nọ, giữa chốn đông người, Đinh Hoàng khoe rằng mình vừa mua được một chiếc áo đắt tiền và hỏi ý kiến của Nguyễn Thị La. Nàng chỉ nhẹ nhàng đáp:

"Chà, đúng là chất liệu tốt đấy. Thiếp nghe nói ví như ngọc cũng cần được mang bởi người xứng đáng. Tiếc rằng nhiều khi áo đẹp lại phải khoác lên một tấm thân không xứng."

Những người có mặt ở đó phải ráng mà nhịn cười, còn Đinh Hoàng thì đỏ mặt vì tức giận nhưng không biết đối đáp ra sao.

HÀNH TRÌNH CỦA CÔ GÁI QUÊ Ở DƯỠNG PHÚ TRONG TÌNH YÊU VÀ HẬN THÙ PHẦN 1

Nguyễn Thị La từ chối Đinh Hoàng
Nguyễn Thị La từ chối Đinh Hoàng

Đó chỉ là một giai thoại vui người ta đồn đại về hai nhân vật này. Có người còn cho rằng chắc tại vì nhà Đinh Hoàng giàu lên từ của cải bất nghĩa, nàng biết nên tỏ thái độ không ưng.

Vậy mà, Đinh Hoàng không bỏ cuộc mà vẫn tiếp tục ve vãn Nguyễn Thị La. Nhưng nàng đã khéo léo từ chối khi được bà mai hỏi khéo về chuyện hôn nhân với công tử họ Đinh:

"Thiếp nghe nói nhà họ Đinh có nhiều của cải, địa vị cao sang... Nhưng tiếc thay, thiếp chính là người kén cá chọn canh . Nếu phải chọn, thiếp thà làm cỏ dại trong vườn Thượng Uyển còn hơn làm bông hoa trong nhà kẻ bất tài vô đức."

Lời từ chối đó lan truyền khắp làng, khiến Đinh Hoàng trở thành trò cười lớn nhất thiên hạ. Hắn thậm chí còn nghe loáng thoáng các bà các chị trong làng đặt cho mình biệt danh "Đinh Không Hoàng" - ý chỉ kẻ có họ Đinh nhưng chẳng có "hoàng" (hôn lễ huy hoàng)

Ai mà ngờ được, lời nói vô tình ấy lại trở thành một mối thù chất cao như núi ảnh hưởng đến số phận của nàng về sau.

TỪ YÊU HÓA HẬN

Đinh Hoàng tức giận vì bị từ chối công khai. Nhưng thay vì tự nhận khuyết điểm để hoàn thiện bản thân, hắn lại âm thầm nuôi hận trong lòng. Giữa đêm, hắn sai gia nhân đến nhà Nguyễn Thị La ném đá đến nỗi cửa nhà vỡ toang và lớn tiếng đe doạ.

"Nếu không cưới ta, thì đừng mong cưới được ai khác!" - Hắn nghiến răng thề thốt.

Nguyễn Thị La không phải loại người dễ sợ hãi. Nàng cho trồng nhiều cây gai trước cửa nhà và gửi đến Đinh Hoàng một thông điệp ngắn gọn:

"Nhà này nhiều gai. Những kẻ biết điều sẽ tránh xa, kẻ ngu ngốc sẽ bị đâm đau."

Lời nhắn khiến Đinh Hoàng càng thêm căm phẫn. Hắn lên kế hoạch dùng vũ lực lần nữa để ép buộc nàng, nhưng đến nhà thì...không thấy người đâu.

Hoá ra, vì bị gia đình này gây khó dễ, nàng và gia quyến đã bỏ về quê ngoại sinh sống và ở nhờ nhà của ông cậu tại phủ Lý Nhân. Cha mẹ nàng mất sớm, lúc đó nàng cùng hai người anh tiếp tục hành nghề bốc thuốc chữa bệnh, giúp đỡ dân làng. Dân chúng nơi đó xem nàng như người trí nhân trí đức, vừa thông tuệ lại vừa đức hạnh, nên rất quý mà gọi nàng bằng cái tên Tiên Nương (ví Nguyễn Thị La như tiên giáng trần cứu dân độ thế).

Những tưởng như thế là cuộc sống yên bình, nhưng không ngờ trong suốt những năm nàng mất tích ấy, có một người vẫn luôn truy lùng nàng gắt gao. Hắn giờ đây đã tập hợp được bè đảng đến cả ngàn người, trở thành một đám thảo khấu nức tiếng khắp vùng. Sau đó, hắn nghe phong phanh nơi đâu lại biết được nơi nàng trú ngụ.

Trong một đêm mưa, sau khi uống quá nhiều rượu, hắn lại dẫn đồng bọn đến nhà Nguyễn Thị La. Hai anh trai của nàng ra ngăn cản và đã bị giết hại một cách dã man. May mắn thay, Nguyễn Thị La lúc đó không có nhà nên đã thoát nạn.

Khi biết tin dữ, Nguyễn Thị La đau đớn tột cùng, nhưng cố kìm nén giọt nước mắt. Nàng quỳ trước linh vị của hai anh mà thề rằng:

"Các huynh hãy yên nghỉ, muội sẽ tìm cách để trả thù này. Nếu không, muội không đáng mang họ Nguyễn!"

Để tránh sự truy đuổi của Đinh Hoàng, nàng phải bỏ trốn lần nữa đến tận kinh thành Thăng Long và mở một quán bán trầu nước nhỏ ở phường Cửa Tây. Trong những đêm vắng, nàng thường nhìn về hướng quê nhà mình, lòng dâng lên hận thù và đầy quyết tâm.

"Chờ đấy, Đinh Hoàng. Một ngày không xa, ta nhất định sẽ khiến ngươi phải trả giá!"

MỐI DUYÊN TÂM LINH

Tại Thăng Long, Vua Trần Anh Tông thường hay vi hành về đêm để tìm hiểu đời sống của thần dân. Mặc dù Thượng hoàng Trần Nhân Tông không thích việc con trai mình hay đi thế này, nhưng người cũng chỉ lắc đầu cho qua. Một ngày nọ, nhà vua ngự giá ra chơi gác Hương Lầu ở cửa Tây, và trong lúc mơ màng thiếp đi, bỗng thấy một tiên nữ cưỡi rồng từ trên trời xuống, trao cho vua một dải lụa hồng đề thơ:

"Trời định nàng tiên xuống cõi trần,
Vua hiền cho được sánh hôn nhân.
Cửa Tây như thấy hàng bán nước,
Dưỡng Phú quê nhà, họ Nguyễn tên."

Tỉnh giấc, vua rất tò mò về giấc mộng kỳ lạ mà chưa thế giải mộng ngay. Đêm đến, khi cố tình ra cửa Tây vi hành gần đó, ngài bắt gặp quán trầu nước với người chủ quán xinh đẹp. Trò chuyện cùng nàng, vua phát hiện cô gái không chỉ diễm lệ mà còn thông minh, ứng đối nhanh nhẹn.

Nguyễn Thị La gặp vua trần anh tông
Nguyễn Thị La gặp vua trần anh tông

"Này cô nương, quán trầu của cô thật đơn sơ, nhưng lại thu hút nhiều khách qua đường. Bí quyết nằm ở đâu vậy?" - Vua hỏi, giả vờ là một vị khách.

"Thưa công tử, buôn bán cũng như trị nước, quan trọng là sự chân thành. Trầu ngon nước mát thì khách tự tìm đến, giống như vua hiền thì dân tự quy phục. Người bán hàng như thiếp không dám lừa khách, cũng như bậc quân vương không nên dối dân." - Nguyễn Thị La đáp.

Vua Trần Anh Tông giật mình trước câu trả lời đầy ý tứ đó.

"Lời nói của cô nương khá là sâu sắc. Vậy nếu một ngày, có kẻ xấu đến quấy phá quán của cô, cô sẽ làm gì?"

Nguyễn Thị La nhìn thẳng vào mắt vị khách lạ, ánh mắt chợt loé lên một tia sắc lạnh:

"Thưa công tử, trầu có vị đắng nhưng nhai lâu sẽ quen thuộc. Còn những kẻ xấu... ban đầu có thể đắc ý, nhưng cuối cùng sẽ nếm mùi đắng của báo ứng. Thiếp tin vào công lý của trời đất, và nhất là thanh kiếm công minh của triều đình."

Vua Trần Anh Tông thấy đôi mắt nàng long lanh như có ngọn lửa ẩn giấu, càng thêm tò mò. Sau khi hỏi thăm, biết nàng đúng là Nguyễn Thị La người Dưỡng Phú như trong mộng, nhà vua liền cho rước nàng vào cung, phong làm Đệ nhị Cung phi.

Trước quyết định bất ngờ này của vua, rất nhiều người bàn tán. Họ không thể ngờ vua sẵn sàng phế đi cành vàng lá ngọc như Văn Đức Phu Nhân (cháu gái trưởng của Hưng Đạo Vương) để lập em gái bà thành Bảo Từ Hoàng hậu. Giờ đây lại còn sắc phong một nữ thường dân lai lịch không rõ làm phi chỉ qua một giấc mộng. Người chơi theo “hệ tâm linh” như thế, các quan trong triều làm sao đoán thánh ý được.

PHI TẦN ĐẶC BIỆT - THIÊN HẠ VÔ SONG

Sau khi nhập cung, khác với các phi tần khác chỉ biết điểm trang, đấu đá trong hậu cung, Nguyễn Thị La lại có sở thích kỳ lạ: đọc binh thư, nghiên cứu thao lược và luyện võ, cứ như vậy hằng mấy năm trời.

Trong một buổi yến tiệc, khi các cung tần khác đua nhau khoe tài thêu thùa hay ca hát, Hoàng hậu Bảo Từ nhẹ nhàng nói với nàng:

"Nghe nói Đệ nhị Cung phi thích đọc binh thư hơn ngâm thơ, thích cưỡi ngựa hơn thêu hoa. Nếu sinh ra là nam nhi, hẳn đã làm tướng soái rồi!"

Cung phi Nguyễn Thị La không hề nao núng, liền đáp:

"Thưa Hoàng hậu. Thần thiếp không dám so với các vị tướng lĩnh, chỉ mong khi đất nước cần, dù là nữ nhi cũng có thể góp một phần sức lực."

Một phi tần khác khúc khích cười:

"Chẳng lẽ Đệ nhị Cung phi định mặc giáp ra trận? Cẩn thận kẻo con ngựa không chịu để nữ nhân cưỡi đấy!"

Nguyễn Thị La chỉ mỉm cười nhẹ nhàng:

“Vậy là nương nương không biết đến chiến tích oai hùng của Bà Trưng, Bà Triệu nước ta rồi, có phải không?

Vị phi tần ấy xấu hổ, quay đi chỗ khác. Ở góc gần đó, vua Anh Tông khẽ mỉm cười. Có lẽ vì bản tính mạnh mẽ này mà vua rất thích Nguyễn Thị La chăng?

Nguyễn Thị La xin vua trần anh tông đi đánh trận
Nguyễn Thị La xin vua trần anh tông đi đánh trận

Nguyễn Thị La nhân tình thế đó, đứng dậy tâu với vua rằng:

“Quan gia, thần thiếp nghe nói có tên giặc họ Đinh đang ngày càng lớn mạnh, cướp bóc ở biên ải. Thần thiếp xin được cầm quân ra trận dẹp yên loạn này.

Một phút yên lặng, tất cả mọi người đều sửng sốt. Một phi tần xin đi đánh giặc? Chuyện chưa từng có trong lịch sử! Vua Trần Anh Tông nhíu mày:

"Ái phi à, giặc giã đâu phải trò đùa. Ta biết nàng trời sinh mạnh mẽ, nhưng dù sao chiến trường rất nguy hiểm, sao có thể để nàng ra đó được?"

Nguyễn Thị La quỳ xuống, nghiêm nghị thưa:

"Bẩm Quan gia, việc nữ nhi ra trận không phải từ trước tới nay không có tiền lệ. Thiếp tuy là thân nhi nữ nhưng tự nhận thấy mình có chút mưu trí và biết võ nghệ. Vả lại, kẻ cầm đầu giặc loạn chính là người từng muốn ép thiếp làm vợ và sát hại hai người anh của thiếp.

“Còn có chuyện này sao?” Vua ngạc nhiên hỏi.

“Tên Đinh Hoàng đó có nợ máu với thiếp. Hắn coi thường phụ nữ, coi thường dân chúng, coi khinh phép nước nhưng lại rất gian xảo. Triều đình chẳng phải phái nhiều tướng tới nhưng cũng chưa dập tắt được sao?

Mắt nàng sáng lên, nhìn thẳng vào vua.

“Nếu người để một nữ nhân như thiếp đi, có thể khiến tên xem thường đàn bà như hắn, mất cảnh giác"

Một viên đại thần già cất tiếng phản đối:

"Tâu Quan gia, đây là việc hệ trọng của triều đình, sao có thể giao cho một phụ nữ trong cung? Huống chi, Cung phi là người trong hậu cung, theo luật lệ không nên ra ngoài...”

Bảo Từ hoàng hậu trao đổi một ánh nhìn lo lắng về phía Quan gia, nhưng người bây giờ người cứng như đá, không biết nên ứng xử ra sao. Hoàng hậu liền nhanh chóng giải vây.

“Muội muội, ta biết muội có thù với Đinh Hoàng, rất muốn trả thù, nhưng muội hiện giờ là phi tần của Quan gia. Quan gia sao nỡ để muội đi được, với lại, muội có kế hoạch gì ứng phó với hắn?”

"Bẩm hoàng hậu, nếu giặc hung hăng tiến công như lửa cháy, ta nên tránh đối đầu trực diện, rút lui để chúng đuối sức rồi tập kích. Nếu giặc tràn đến ồ ạt như nước lũ, ta nên chia cắt, đánh vào chỗ yếu để làm chậm đà tiến của chúng. Nếu thiếp được ra chiến trường, nhất định quan sát tình thế trước, nghiên cứu kĩ lưỡng rồi mới ứng phó" Nguyễn Thị La đáp.

Nhà vua từ hoá đá bỗng từ từ thư giãn như trút nhẹ gánh nặng trong lòng. Nghĩ lại nàng y thuật cao minh, chắc chắc biết tự bảo vệ mình và còn biết trị thương cho các quân sĩ. Hơn nữa, đó là mối thù không đội trời chung giữa nàng và hắn. Có lẽ chăng, muốn tháo chuông phải tìm được người buộc chuông?

“Thiếp quyết sẽ không để quân triều đình hao binh tổn tướng mà không giành được thắng lợi. Hơn nữa, e rằng người hiểu hắn nhất trên đời và có thể đánh bại hắn chỉ có thiếp mà thôi”

Mọi người đều ngạc nhiên trước sự quyết tâm cao độ của nàng. Về phía nhà Vua, ngài vốn là người cởi mở, lại thấy nàng nói có lý, bèn đồng ý cho nàng dẫn quân đi đánh dẹp. Ngài dặn dò:

"Nếu nàng quyết tâm, Trẫm sẽ cấp cho 12.500 quân. Nhưng nàng phải nhớ, trên chiến trường không có cảm tính, chỉ có thắng bại. Nếu gặp nguy hiểm, hãy rút quân ngay!"

Nguyễn Thị La mỉm cười đáp:

"Xin Quan gia yên tâm. Thần thiếp nhất định mang chiến thắng về cho người.

Mời bạn xem tiếp phần 2: Nữ Tướng Thời Trần Nguyễn Thị La: Hành Trình Báo Thù và Vinh Quang phần 2

(Các đoạn đối thoại đều do mình tưởng tượng thôi nhé ^-^)

Comments

Nơi Trang cập nhật các thông tin giải trí thú vị hài hước về kinh tế xanh, các giải pháp vì môi trường và sự phát triển bền vững ở Việt Nam và trên khắp thế giới

truyện về môi trường