Diễn biến Trận Bạch Đằng 1288 phần 1 - mưu lược quân Nguyên và nhà Trần

TRẬN BẠCH ĐẰNG PHẦN 1

Tự nhiên yêu Trang

4/14/202512 phút đọc

Trong cuộc xâm lược Đại Việt lần thứ ba, quân Nguyên-Mông đã đánh chiếm Thăng Long và bị trúng kế "vườn không nhà trống", cộng thêm việc Nhân Huệ Vương Trần Khánh Dư đã triệt đường lương thảo của địch nên đội quân này tìm cách rút lui về nước chờ thời. Trước tình thế bất lợi phải lui binh theo nhiều hướng, đội quân Mông Cổ vẫn thể hiện họ là những đối thủ đáng gờm, vẫn còn đủ lực lượng để phá vòng vây và ngăn chặn các cuộc áp sát quy mô nhỏ của quân Trần ta.

"Bẩm tướng quân, theo tin tình báo, đội quân Mông Cổ có khoảng 7 vạn quân chính quy, 2 vạn lính bộ lạc Vân Nam và Hải Nam, chưa kể 500 đến 600 chiến thuyền" một vị tướng trẻ lo lắng thưa với Hưng Đạo Vương đang đứng trầm ngâm bên bờ sông Bạch Đằng.

Trần Hưng Đạo – vị tướng đã hai lần đối mặt với làn sóng quân Mông Cổ và đã giành chiến thắng – không tỏ vẻ bất ngờ. Ông chỉ nhìn về phía trước, đôi mắt vẫn không rời dòng nước đang chảy dưới chân.

"Quân ta điều động được nhiều lắm chỉ có khoảng 5 vạn, thưa tướng quân," viên tướng tiếp tục, giọng phảng phất lo âu.

"Vậy là ta có lợi thế về số lượng rồi đấy," Trần Hưng Đạo bình thản đáp.

"Dạ? Thuộc hạ không hiểu..."

"Con sông này," Trần Hưng Đạo chỉ tay xuống dòng Bạch Đằng đang chảy mạnh, "và thủy triều của nó. Đó chính là đội quân ngầm của chúng ta. Một tòa thành vững có khả năng chống đỡ hàng vạn đại quân từ dưới đánh lên, khúc sông này cũng vậy. Đánh trận, trước khi bàn đến nhân lực, địa hình hiểm trở cũng là một yếu tố vô cùng trọng yếu"

Vị tướng trẻ nhìn xuống dòng sông, lại càng hoang mang. Chỉ là nước thôi mà, làm sao đánh bại được đoàn chiến thuyền hùng mạnh của Mông Cổ?

CỌC GỖ BÁCH CHIẾN phần 1: Đại Việt, Bạch Đằng 1288

"Đôi khi, chiến lược không phải nằm ở chỗ ta có nhiều quân hơn, mà là ở chỗ ta biết được điều mà kẻ thù không biết" Trần Hưng Đạo nói tiếp.

"Điều gì vậy, thưa tướng quân?"

"Khi triều xuống, những con tàu lớn nhất cũng chỉ là những con voi mắc cạn. Càng có sức mạnh bao nhiêu, càng dễ trũng sâu vào hố bấy nhiêu" ông mỉm cười đáp. "Hãy mang lệnh của ta: Tập trung toàn bộ lực lượng, đốn hạ gỗ lim và gỗ táu. Ta sẽ biến dòng sông này thành cái bẫy lớn nhất trong lịch sử Đại Việt."

Ô MÃ NHI VÀ NHỮNG SUY NGHĨ KHI RÚT QUÂN VỀ

Trong khi đó, trên chiến thuyền của quân Nguyên, tướng Ô Mã Nhi đang nghiên cứu bản đồ hành quân dưới ánh đèn dầu. Tình huống bây giờ là Thoát Hoan – vị tướng chỉ huy cao nhất đã rút lui bất thành khỏi kinh thành Thăng Long sau khi trúng kế “vườn không nhà trống - thanh dã”, để lại gánh nặng cho cánh quân này của Ô Mã Nhi: có đoàn thủy quân hùng mạnh nhưng phải tìm đường thoát khỏi Đại Việt.

“Đã hai lần Đại Hãn phái quân đến vùng đất này, mặc dù chưa thành công hoàn toàn, nhưng lần này lại khác. Dù là một kinh thành trống rỗng, chúng ta cũng đã chiếm thành Thăng Long trong một khoảng thời gian... Có lẽ báo cáo như vậy sẽ đỡ bị quở trách. Giờ đây, chúng ta sẽ rút về để bảo toàn lực lượng và ghi nhận rằng nhiệm vụ đã hoàn thành." Ô Mã Nhi tự an ủi mình.

"Ta phải chọn con đường nào đây?" Ô Mã Nhi trầm ngâm, ngón tay lướt trên tấm bản đồ.

Phàn Tiếp – một trong những phó tướng đáng tin cậy của ông – cúi xuống xem xét.

"Tướng quân, đường biển quá nguy hiểm. Quân Trần đã và đang phong tỏa lối ra. Điển hình là họ đã đánh bại đoàn thuyền lương của Trương Văn Hổ tiếp viện cho Thoát Hoan tại Vân Đồn."

"Vậy chỉ còn lại đường sông," Ô Mã Nhi gật đầu.

"Sông Bạch Đằng," Phàn Tiếp chỉ vào một dòng sông uốn lượn trên bản đồ. "Nó là vùng giao thoa nối liền với nội địa lãnh thổ nước ta bằng đường thủy. Nhưng..." ông ta ngần ngừ.

"Nhưng sao?"

"Nếu theo hướng này, có lẽ là quá... thuận lợi?" Phàn Tiếp thận trọng.

Ô Mã Nhi phá lên cười, tiếng cười khô khốc vang lên trong không gian hẹp của căn phòng trên thuyền.

"Thuận lợi ư? Phàn Tiếp, ngàii đang nghĩ gì vậy? Đại Việt đã kiệt quệ sau mấy năm chiến tranh. Quân của chúng vừa mới mất kinh thành, gần đây còn thua chúng ta vài phen. Ngài nghĩ chúng còn đủ lực lượng để bố trí một cuộc phục kích trên một con sông rộng như Bạch Đằng sao?"

"Nhưng thưa tướng quân, dường như đây chính là nơi mà hơn ba trăm năm trước, quân Nam Hán trước ta đã bị Ngô Quyền đánh bại bằng cọc ngầm. Liệu quân Đại Việt có..."

“Ngươi nghĩ ta không biết lịch sử? Chính vì đã biết rõ, ta vẫn chọn Bạch Đằng. Không kẻ nào ngây thơ đến mức dùng cùng một chiến thuật tại cùng một nơi sau hơn ba thế kỷ. Ta đã nghiên cứu lịch sử Đại Việt trước khi bắt đầu trận chiến, vậy nên họ sẽ không ngờ ta dám đi theo con đường đã từng thất trận này!

Ô Mã Nhi và Phàn Tiếp bàn luận về việc rút quân qua sông bạch đằng
Ô Mã Nhi và Phàn Tiếp bàn luận về việc rút quân qua sông bạch đằng

Ô Mã Nhi nhíu mày, vẻ đang suy tính: “Hơn nữa, một phần đường biển đã bị chặn rồi, dù sao quân lực Đại Việt vẫn mỏng, họ không thể phòng thủ quân ta mọi nơi mọi lúc.

Tướng quân chỉ vào các con sông khác trên bản đồ: “Nếu chọn nhánh sông khác, e cũng không có chỗ cho các chiến thuyền khổng lồ của chúng ta đi qua. Địa hình quá hẹp, di chuyển chậm sẽ khiến quân Đại Việt có thời gian đón đánh, không phải thượng sách"

"Nhưng thưa tướng quân, chỉ sợ họ lại có âm mưu khác. Đại Việt đã chứng tỏ họ không phải đối thủ dễ bị đánh bại. Ba cuộc chiến, và chúng ta vẫn chưa thể..." Phàn Tiếp thận trọng khuyên giải.

"Đủ rồi!" Ô Mã Nhi gạt phăng. "Ta không muốn nghe thêm về những thất bại. Đế chế Mông Cổ là lực lượng hùng mạnh nhất thế giới. Ta sẽ không để một quốc gia nhỏ bé cản bước tiến của mình thêm lần nào nữa."

Ông ta chỉ tay vào dòng sông Bạch Đằng trên bản đồ, "Chúng ta sẽ đi theo lối này. Thủy triều lên cao, gió thuận, chúng ta sẽ vượt qua dễ dàng trước khi quân Trần kịp phản ứng."

Phàn Tiếp cúi đầu. Ông biết không nên tranh cãi khi Ô Mã Nhi đã quyết. Nhưng trong thâm tâm, một nỗi bất an vẫn âm ỉ cháy.

MÀN TRƯỚNG QUÂN TA - ĐẠI VIỆT

Trong một căn lều đơn sơ dựng bên sông Bạch Đằng, Trần Hưng Đạo cùng Thượng hoàng Trần Thánh Tông và vua Trần Nhân Tông đang họp bàn chiến lược. Những ngọn đèn dầu le lói soi rõ bản đồ trải rộng trên chiếc bàn gỗ thô sơ.

"Quân Nguyên đang bị dồn vào thế bí," Trần Hưng Đạo trình bày. "Chúng ta đã chặn mọi đường rút lui trên bộ. Đường biển thì có thủy quân của Trần Khánh Dư đang kiểm soát."

"Vậy chúng chỉ còn con đường nào?" Thượng hoàng Trần Thánh Tông hỏi.

"Sông Bạch Đằng," Trần Hưng Đạo chỉ tay lên bản đồ. "Và đó chính là nơi chúng ta sẽ đón chúng."

"Theo khanh nói, giống như Ngô Quyền đã làm với quân Nam Hán năm xưa?" Vua Trần Nhân Tông mỉm cười.

"Đúng vậy, thưa quan gia”. (nhà Trần gọi vua là Quan Gia)

Trần Hưng Đạo cúi xuống giải thích chi tiết kế hoạch của mình. Ông vẽ ra vị trí đóng cọc trên sông, những điểm phục kích, cách dụ địch vào trận địa. Hưng Đạo Vương dẫn lại sách xưa, rằng vua Ngô Quyền đã đóng cọc trên sông Bạch Đằng mà đánh bại được quân Nam Hán, ngày nay cũng có thể làm lại kế ấy.

trần hưng đạo và hai vua nhà trần bàn chiến lược trận bạch đằng
trần hưng đạo và hai vua nhà trần bàn chiến lược trận bạch đằng

"Nhưng nếu Ô Mã Nhi không mắc bẫy thì sao?" một vị tướng lo lắng hỏi.

"Ông ta sẽ mắc bẫy," Hưng Đạo Vương khẳng định. "Ta đã nghiên cứu kỹ tính cách của Người Nguyên. Trước khi đến đây, họ luôn mong đánh nhanh thắng nhanh, bây giờ dù có rút lui, cũng muốn làm sao rút về thần tốc. Họ chưa từng muốn tính kế lâu dài, đánh một trận dù chậm mà chắc. Đó vừa là điểm mạnh, cũng vừa là điểm yếu chí mạng của họ.”

Vị tướng đi lên vài bước, dáng vẻ thận trọng.

“Với Ô Mã Nhi nói riêng, ông ta kiêu ngạo, nóng vội và thường đánh giá thấp đối thủ. Hơn nữa, sau thất bại ở Thăng Long, Ô Mã Nhi đang rất nóng lòng muốn lập công để chuộc lỗi với Hốt Tất Liệt"

"Vậy ta sẽ lợi dụng tâm lý này của ông ta?" vua Trần Nhân Tông hỏi.

"Đúng vậy, thưa quan gia. Và còn một điều nữa" Trần Hưng Đạo mỉm cười. "Ô Mã Nhi là người sa mạc, ông ta không hiểu biết nhiều về thủy triều. Đối với người Mông Cổ, chiến trường ưa thích của họ là thảo nguyên rộng lớn, không phải những dòng sông uốn lượn trắc trở."

"Nhưng nước triều lên xuống đâu phải điều bí mật gì?" một vị tướng khác thắc mắc.

"Không phải bí mật, nhưng là điều dễ bị bỏ qua," Trần Hưng Đạo giải thích. "Khi chiến đấu trên sông, người ta thường chỉ tập trung vào kẻ thù trước mặt, ít ai nghĩ đến điều gì đang ẩn mình dưới mặt nước. Đặc biệt là khi đang rút lui trong mơ hồ."

“Liệu có khả năng Ô Mã Nhi sẽ đề phòng dưới sông Bạch Đằng có cọc ngầm?” một người khác chất vấn.

“Hắn nghĩ rằng ta không dám dùng lại kế hoạch của Ngô Quyền tại chính nơi đã từng thành công. Hắn sẽ nghĩ điều đó là điều hiển nhiên quá, đơn giản quá... và vì thế, hắn sẽ đi vào bẫy của ta. Tất nhiên chúng ta cũng cần dùng thêm kế sách dụ địch" - Hưng Đạo Vương bình tĩnh trả lời.

Thượng hoàng Trần Thánh Tông gật đầu tán thành: "Kế này hay lắm. Nhưng ta cần phải chuẩn bị thật kỹ và tuyệt đối giữ bí mật. Một sai lầm nhỏ cũng có thể dẫn đến thảm họa."

"Thần đã nghĩ đến điều đó," Trần Hưng Đạo cúi đầu. "Thần đã cho người theo dõi chặt chẽ động thái của quân Nguyên. Khi chúng bắt đầu di chuyển, chúng ta sẽ biết ngay."

Vua Trần Nhân Tông đứng dậy, ánh mắt kiên định: "Vậy thì bắt đầu đi. Đây sẽ là trận chiến quyết định vận mệnh của Đại Việt ta."

Mời bạn xem tiếp phần 2: Đại thắng quân Nguyên Mông lần 3

Nguồn tham khảo: Trận Bạch Đằng 1288

(Đoạn đối thoại trong bài do mình tưởng tượng thôi nhé ^-^)

Comments

Nơi Trang cập nhật các thông tin giải trí thú vị hài hước về kinh tế xanh, các giải pháp vì môi trường và sự phát triển bền vững ở Việt Nam và trên khắp thế giới

truyện về môi trường