Sự tích Bà Chúa Muối: Huyền Thoại Ánh Trăng Làng Muối phần 1

BÀ CHÚA MUỐI 1.

Tự nhiên yêu Trang

5/3/202518 phút đọc

Giấc Mộng Trăng Vàng

Làng Quang Lang mùa ấy có tiếng sóng biển vỗ rì rào như khúc ru không bao giờ dứt. Nơi đó là quê hương của bà Tạ Thị Kiều - người đàn bà hiếm muộn đã ngoài tứ tuần - đêm nào cũng nhìn trăng mà khóc. Chồng bà là ông Nguyễn Văn Minh, đã bốn đời làm muối nhưng đến nay vẫn chưa có người nối dõi.

"Ông và tôi đã cống hiến biết bao cho nghề làm muối gia truyền, vậy mà số phận lại đắng cay thế này, lẽ nào ông trời không cho vợ chồng mình một đứa con nối nghiệp hay sao?" - Bà Kiều thì thầm với chồng trong đêm trăng tròn tháng Bảy.

Rồi bà Kiều quay sang chồng, nắm chặt tay ông: "Tôi đã cầu khấn đủ các vị thần linh, từ Đông Hải Long Vương đến Thành Hoàng bản địa. Tôi đã thắp đủ nén nhang thơm trên mọi ban thờ. Nhưng có lẽ, sau bao nhiêu năm thất vọng, tôi chẳng tin nữa" bà Kiều nói, nước mắt lăn dài.

"Bà yên tâm, ông trời hay mấy ông khác không cho nhưng biết đâu ông trăng sẽ cho" ông Minh đáp, giọng trầm buồn, mắt nhìn về phía biển xa.

Ông chỉ nói vậy để an ủi bà. Trong lòng ông vẫn luôn tồn tại một nỗi buồn sâu thẳm. Bốn đời làm muối, gia tộc ông chưa từng thiếu thốn vật chất, nhưng lại nghèo tiếng cười trẻ thơ.

Đêm đó, khi làn gió đông nhẹ thổi qua mái tranh nhỏ, bà Kiều nằm mơ thấy mình đang ngồi bên bờ ruộng. Trăng tròn vành vạnh phản chiếu trên những ô muối, như hàng ngàn tấm gương nhỏ lấp lánh. Trong giấc mơ, bà thấy ánh trăng hóa thành một giọt nước tinh khôi rơi vào miệng mình. Bà nuốt lấy nó, cảm giác mát lạ kỳ, vừa mặn như muối, vừa ngọt như mật.

Nguyệt Ảnh - Cô Gái Làng Muối Lên Ngôi Hậu Cung phần 1

Mẹ Nguyệt Ảnh Tạ Thị Kiều Đêm Trăng Rằm
Mẹ Nguyệt Ảnh Tạ Thị Kiều Đêm Trăng Rằm

Sáng hôm sau, bà Kiều kể lại giấc mơ cho chồng nghe. Ông Minh mỉm cười bí hiểm:

"Nếu đúng như cổ thư đã viết, vợ ơi, đó là điềm lành đó! Ông nội tôi từng kể, ai mà có giấc mơ như thế sẽ sinh ra quý tử" Ông Minh hí hửng nói.

"Ông đừng mơ mộng nữa," bà Kiều nói, cố giấu niềm hy vọng đang dâng lên trong lòng. "Chúng ta đã già rồi, còn đâu thời xuân sắc mà sinh quý tử."

Vậy mà, chỉ vài tuần sau, bà Kiều phát hiện mình mang thai. Cả làng Quang Lang xôn xao vì tin tức này. Ai nấy đều cho rằng đó là phép màu của tạo hóa, là hồng ân của biển cả đã ban tặng cho gia đình bốn đời cần mẫn với nghề muối.

"Đứa bé này sẽ thay đổi số phận của dòng họ ta!" ông Minh nói, vỗ nhẹ vào bụng vợ. "Nhưng mà tôi vẫn sợ," bà Kiều thì thầm. "Tôi sợ đây chỉ là giấc mơ, rồi một ngày kia tỉnh dậy tất cả đều tan biến ông có biết không?"

"Không đâu," ông Minh ôm vợ vào lòng. "Dù thế nào đi nữa tôi với bà cũng thực sự có con rồi, mình cùng nhau nuôi con lớn khôn thôi, không cần phải lo gì khác."

Chín tháng mười ngày trôi qua, vào một đêm trăng rằm rực rỡ, tiếng khóc đầu đời của một bé gái vang lên trong căn nhà nhỏ của vợ chồng ông. Khuôn mặt em bé sáng ngời như vành trăng, đôi mắt sáng lấp lánh ánh lên những nét thơ ngây tinh nghịch.

"Chúng ta có con vào một đêm trăng, sinh con ra cũng vào ngày trăng rằm, hay đặt tên con là...Nguyệt Ảnh," - ông Minh nói, giọng đầy xúc động - "Nữ nhi à, con là bóng trăng của làng Quang Lang, là ánh sáng của đời ta." Bà Kiều đứng kế bên cũng gật nhẹ đầu với niềm vui khôn xiết pha lẫn giọt nước mắt của hạnh phúc.

Ít ai ngờ rằng, cái tên đơn giản là thế một ngày nào đó sẽ được cả triều đình và thiên hạ biết đến.

Cô Gái Của Ruộng Muối

“Con thấy muối làng ta vô cùng quan trọng và quý giá, mẹ ạ” - Nguyệt Ảnh, nay đã là một thiếu nữ mười tám tuổi, nói với mẹ trong lúc hai mẹ con gánh nước biển về ruộng muối - “Nếu mà thiếu muối, thức ăn trước nhất sẽ bốc mùi, sau đó là thiếu thốn lương khô cho quân đi đánh trận, cuối cùng là ngư dân thì chẳng giữ được độ tươi cho cá. Một ngày mà thiếu muối thôi thì thật sự sẽ khiến trăm họ run rẩy”

Bà Kiều mỉm cười với con gái: "Con nói cứ như một quan đại thần vậy! Nhưng con không biết đâu, làm muối vất vả lắm. Nhìn tay mẹ này."

Bà đưa đôi tay chai sạn và nứt nẻ vì muối ăn vào da thịt cho con gái xem. Nguyệt Ảnh cầm tay mẹ, nhẹ nhàng nâng niu đôi bàn tay thân thương ấy:

"Con biết, thưa mẹ. Con thà làm muối cả đời còn hơn làm một tiểu thư khuê các không biết đến giá trị của hạt muối."

"Con gái à," bà Kiều xúc động nói, "Cuộc đời người phụ nữ như ngọn đèn trước gió, dễ tắt lắm. Mẹ chỉ mong con tìm được hạnh phúc, dù là con sau này con chọn nghề khác"

"Mẹ nói gì vậy?" Nguyệt Ảnh ngạc nhiên. "Con sẽ mãi mãi ở đây phụ cha mẹ làm muối mà!"

Bà mỉm cười vuốt tóc con gái. Chờ đợi biết bao lâu mới sinh được một mụn con, bà dĩ nhiên không muốn nhìn thấy con phải vất vả như mình. Ngày đó, Nguyệt Ảnh đã trở thành một cô gái xinh đẹp hiếm có trong vùng. Không chỉ có nhan sắc tựa tiên nữ, nàng còn thông minh và ham học. Ban ngày nàng giúp cha mẹ trên ruộng muối, ban đêm nàng thắp đèn đọc sách, viết thơ. Bởi vậy nên cha mẹ nàng mới cảm thấy nàng còn có thể làm điều gì đó lớn lao hơn cho làng so với việc chỉ làm ruộng muối.

Nguyệt Ảnh Bên Ruộng Muối
Nguyệt Ảnh Bên Ruộng Muối

Nhưng có một điều kì lạ là gần như mỗi khi Nguyệt Ảnh ra ruộng muối làm việc, trời đang nắng bỗng mây kéo đến, kết thành chiếc lọng khổng lồ che kín cả cánh đồng. Không có nắng, muối không thể kết tinh. Thế là người dân trong làng bắt đầu xì xào:

"Con bé Nguyệt Ảnh có duyên với mây và trăng thật, nhưng chẳng có duyên gì với muối cả!"

"Ngày nào nó ra đồng là ngày đó mất mùa. Không khéo cả làng đói mất!"

Một buổi chiều, khi Nguyệt Ảnh đang ngồi bên bờ biển một mình, một bà lão trong làng đến gần và ngồi xuống bên cạnh.

"Cháu à," bà lão nói, giọng khàn khàn. "Dân làng đang bàn tán về cháu đấy. Họ nói cháu mang điềm gở cho làng."

Nguyệt Ảnh quay sang, đôi mắt ngấn lệ: "Con biết, thưa bà. Con không cố ý làm hại ai cả. Con chỉ muốn giúp cha mẹ, nhưng... không hiểu sao cứ mỗi lần con ra đồng, trời lại đổ mây."

Bà cụ vỗ vai Nguyệt Ảnh. "Số mệnh đã định trước rồi. Có lẽ cháu không sinh ra để làm muối. Cháu sinh ra từ ánh trăng, sao có thể hòa hợp với ánh mặt trời được? Âm dương đối lập, định luật tự nhiên mà thôi."

"Vậy con phải làm gì? Con không muốn làm gánh nặng cho cha mẹ, cho cả làng."

"Cháu biết đọc, biết viết, lại có duyên với ngôn từ. Sao không dùng tài năng đó để giúp làng ta?"

Sau đó, ông trưởng làng Quang Lang, một cụ già râu bạc phơ, đã họp dân làng lại để bàn bạc và nói:

"Nguyệt Ảnh là phúc tinh của làng ta, nhưng có lẽ số phận cô ấy không gắn với ruộng muối. Ta thấy cô Ảnh có tài văn chương, lại khôn ngoan, sao chúng ta không giúp cô đi buôn muối cho làng ta?."

"Nhưng thưa cụ," một người dân lên tiếng, "Cô ấy chỉ là một cô gái trẻ. Việc buôn bán cần sự tinh ranh và khôn ngoan. Liệu cô ấy có làm được không?"

"Cô ấy là người hiếm hoi trong làng ta biết chữ nghĩa, vậy chẳng đủ thông minh sao?" ông trưởng làng đáp. "Chúng ta làm muối lâu năm rồi vẫn cần một đầu ra ổn định chứ, muốn vậy thì phải biết chữ để thương lượng giá, có phải không? Vậy nên tôi tin rằng Nguyệt Ảnh sẽ mang lại thịnh vượng cho làng ta theo cách này"

Và thế là cả làng góp công góp của, đã đóng được cho Nguyệt Ảnh một chiếc thuyền nhỏ. Từ đó, thay vì làm muối, nàng chở muối của làng đi bán ở các chợ xa, đem về lợi nhuận gấp đôi gấp ba so với trước.

Tuy là lênh đênh trên biển khơi, nàng lại cảm thấy đây mới là sứ mệnh của mình. Mỗi khi nàng chèo thuyền trên sông, nhìn thấy hạt muối trắng tinh của dân làng lại cảm thấy tự hào vô cùng. Muối của quê huơng nàng không chỉ mặn vị, mà còn tinh khiết trắng ngần và không pha lẫn tạp chất. Có lẽ nàng được sinh ra là để mang sản vật này của làng quê đi khắp nơi giới thiệu, để mọi người biết đến nhiều hơn giá trị thật sự của muối và biển giữa thế gian bao la này.

Khoảnh Khắc Định Mệnh

Một hôm, khi Nguyệt Ảnh đang ngồi trên thuyền bên bờ sông gần kinh thành Thăng Long, nàng nghe thấy tiếng hò reo từ xa vọng đến. Hóa ra là vua Trần Anh Tông đang đi kinh lý, thuyền ngự đi ngang qua. Đám quan quân đi theo khát nước, thấy thuyền của Nguyệt Ảnh đậu gần đó, liền cho người đến xin nước uống. Ai ngờ đâu tên lính nhìn thấy Nguyệt Ảnh, hắn đứng sững lại, miệng há hốc.

Trước mặt hắn là một thiếu nữ với vẻ đẹp chim sa cá lặn, làn da trắng như ngọc, đôi mắt long lanh như sao đêm, mái tóc đen dài buông xõa như dòng thác uốn lượn ven sông. Nhìn nàng có cốt cách quyền quý cao sang, không giống như thiếu nữ dân dã bình thường.

Tên lính xin được nước xong, vội vã chạy về báo với các quan trong đoàn tùy tùng của vua:

"Có tiên nữ! Có tiên nữ trên thuyền kia!"

Vua Trần Anh Tông lúc đó đang là chàng thanh niên trẻ trung tuấn tú. Nghe tin có "tiên nữ" trên thuyền, nhà vua tò mò, sai người dẫn đến xem thử.

Khi thuyền ngự cập vào thuyền của Nguyệt Ảnh, lần đầu tiên trong đời, vị vua trẻ cảm thấy tim mình đập loạn nhịp. Trước mặt chàng là một thiếu nữ với vẻ đẹp mang màu sắc dịu dàng của tiên giới. Nhưng điều làm nhà vua kinh ngạc nhất không chỉ là vẻ đẹp của nàng, mà còn là ánh mắt thông minh và phong thái điềm tĩnh hiếm có.

"Nàng là ai?" - Vua Trần Anh Tông hỏi, giọng run run.

Nguyệt Ảnh quỳ xuống, cúi đầu: "Tâu Quan gia, dân nữ là Nguyễn Thị Nguyệt Ảnh, người làng Quang Lang, đang đi buôn muối."

"Muối?" - Vua ngạc nhiên - "Sao một thiếu nữ như nàng lại đi buôn muối?"

Nguyệt Ảnh Gặp Vua Trần Anh Tông
Nguyệt Ảnh Gặp Vua Trần Anh Tông

Nguyệt Ảnh ngẩng đầu lên, ánh mắt trong veo nhìn thẳng vào mắt vua, khiến trái tim nhà vua như tan chảy:

"Tâu Quan gia, muối là báu vật vô cùng quan trọng của đất nước. Dân nữ sinh ra ở làng muối, hiểu rõ giá trị của sản vật này. Nghề làm muối nuôi sống hàng vạn dân ven biển, nhưng lại là nghề vất vả nhất, nhưng lại vô cùng ít người quan tâm. Về lâu về dài nếu cứ như vậy thì triều đình sẽ chịu thiệt nhất"

Vua Trần Anh Tông ngồi xuống chiếc ghế trên thuyền của Nguyệt Ảnh, ra hiệu cho nàng tiếp tục:

"Nàng nói xem, vì sao thiếu muối thì triều đình lại thiệt nhất?"

“Thưa Quan gia,” nàng chắp tay, giọng nhu hòa mà rành rọt, “Muối chẳng phải chỉ là gia vị tầm thường. Đó còn là nguyên liệu giúp giữ cho thực phẩm qua nhiều ngày tháng mà không bị hư. Quân lính ra trận, cần muối để ướp thịt phơi khô, làm lương khô để mà mang theo. Một khi thiếu muối trong quân lương thì lính hay mệt mỏi, binh không đi xa, quân chẳng bền gan.”

Nàng dừng lại, ánh mắt nghiêm cẩn, rồi tiếp lời:
“Xin Quan gia nghĩ lại mà xem. Nếu giặc phương Bắc cắt đứt nguồn muối, chẳng khác nào triệt đi đường lương thảo của quân ta. Khi ấy chưa đánh đã suy. Dẫu trong nước hiện nay yên ổn, song các nước láng giềng vẫn còn quấy rối. Chiêm Thành dù đã có được công chúa Huyền Trân hòa thân mà cũng chẳng yên tiếng ngựa. Việc quân không thể không lo. Mà đánh trận, thứ nhất là binh, thứ nhì là lương. Mất muối đi rồi cũng giống như việc mất đi sức lực, như chưa khai đao mà đã thấy nguy cơ bốn bề.”

Quan gia say sưa nghe Nguyệt Ảnh nói. Cô gái miền thôn quê này tuy xuất thân dân dã nhưng đã nói trúng vào đề tài yêu thích của các bậc đế vương: cầm quân và trị nước. Bảo sao nhà vua không xiêu lòng trước người con gái sắc nước hương trời, mà còn có tài năng trác việt như vậy.

"Nhưng chúng ta có biển bao quanh, làm sao có thể thiếu muối được?" một vị quan đứng cạnh vua lên tiếng.

Nguyệt Ảnh mỉm cười: "Thưa quan lớn, có biển không có nghĩa là có muối. Làm muối cần nhiều điều kiện: nắng, gió, thời tiết thuận lợi, và quan trọng nhất là người làm muối tận tâm. Nếu bị đánh thuế quá cao, người dân sẽ bỏ nghề. Nếu không có chủ trương bảo vệ ruộng muối, một khi thiên tai xảy ra, cả vùng sẽ mất trắng."

Vua gật gù: "Nàng đưa ra được những điều như vậy, thì chắc là có cao kiến rồi"

"Thưa Quan gia, dân nữ chỉ mong có thêm nhiều quan trông coi các vùng sản xuất muối, dân làm muối được khuyến khích để họ mở rộng làng nghề. Đồng thời, nếu có thể có nhiều kho dự trữ muối ở mỗi huyện thì quá tốt, để phòng khi có chiến tranh hoặc thiên tai vô tình ập tới."

Vua Trần Anh Tông không giấu được sự kinh ngạc: "Một cô gái buôn muối mà có tầm nhìn như vậy? Nàng học những điều này ở đâu?"

"Dân nữ chỉ là người quan sát cuộc sống thôi, Quan gia. Phụ thân dân nữ đã từng nói, muối tuy mặn nhưng làm cho thức ăn thêm ngon. Người làm việc lớn cũng cần biết nêm nếm gia vị để thực hiện những điều vĩ đại sao cho hài hòa nhất"

"Nàng nói về muối" vua nói, ánh mắt ngời sáng. "Nhưng ta nghe được rất nhiều triết lý sâu sắc đó!"

"Dân nữ không dám," Nguyệt Ảnh khiêm tốn đáp. "Đó chỉ là những suy nghĩ thô thiển từ một cô gái quê mùa như thiếp thôi."

"Vậy sao" vua Trần Anh Tông đứng dậy, tiến lại gần Nguyệt Ảnh. "Ta đã gặp nhiều phi tần, công chúa và kể cả tiểu thư hoàng tộc. Họ được học hành tử tế, được giáo huấn rất là chuẩn mực. Nhưng chưa ai trong số họ có thể nói về quê hương mình với niềm đam mê và sự thông tuệ như nàng."

Vua Trần Anh Tông bật cười: "Nàng có biết đêm qua ta nằm mơ thấy gì không?”

“Dân nữ không biết, xin Quan gia chỉ dạy thêm” Nguyệt Ảnh nói.

“Ta mơ thấy, hậu thế gọi ta là...vựa muối nhà Trần. Lúc tỉnh dậy ta không hiểu vì sao. Nhưng đến bây giờ thì ta đã hiểu”

Trong khi Nguyệt Ảnh vẫn còn ngơ ngác, thì nhà vua đã “thả” luôn một câu: “Bởi vì ta sẽ lấy nàng”

Và thế là, trên một chiếc thuyền nhỏ ở bến sông Thăng Long, định mệnh của cô gái làng muối Nguyệt Ảnh đã thay đổi mãi mãi.

Mời các bạn xem tiếp phần 2: Vợ của Trần Anh Tông: huyền thoại tình yêu Bà Chúa Muối phần 2

Nguồn tham khảo: Giai thoại Bà Chúa Muối

(Đoạn đối thoại và chi tiết trong bài đều do mình tưởng tượng thôi nhé ^-^)

Khuyến cáo: mọi người nên tìm hiểu kỹ thêm về sản phẩm trước khi đặt mua nhé. Bên mình đã cố gắng chọn lọc các sản phẩm chất lượng nhưng cũng không thể đảm bảo được hết và cũng tùy thuộc nhà sản xuất nữa, mong mọi người thông cảm. Nếu chưa tin tưởng thì cũng đừng quyết định mua quá sớm nhé!

Comments

Nơi Trang cập nhật các thông tin giải trí thú vị hài hước về kinh tế xanh, các giải pháp vì môi trường và sự phát triển bền vững ở Việt Nam và trên khắp thế giới

truyện về môi trường