Vợ của Trần Anh Tông: huyền thoại tình yêu Bà Chúa Muối phần 2
BÀ CHÚA MUỐI 2.
Mời mọi người đọc phần 1 trước khi đọc phần 2 này nhé: Sự tích Bà Chúa Muối: Huyền Thoại Ánh Trăng Làng Muối phần 1
Đóa Sen Giữa Chốn Hậu Cung
Nhập cung được mấy tháng, Nguyệt Ảnh - giờ đã là Đệ Tam phi của vua Trần Anh Tông - vẫn chưa quen với cuộc sống nơi cung cấm. Hậu cung của vua cũng khá là đông đúc, gồm có Văn Đức Phu Nhân, Bảo Từ Thuận Thánh Hoàng Hậu, Đệ nhị cung phi Nguyễn Thị La...chứ không phải có mỗi mình nàng. Nhưng trên hết là phép tắc ở hậu cung vô cùng nghiêm ngặt, rồi còn những ánh mắt ganh ghét của các phi tần khác và sự xa cách với thiên nhiên càng khiến nàng cảm thấy ngột ngạt như cá mắc cạn.
Một buổi chiều, khi Nguyệt Ảnh đã mang thai con của vua, đang ngồi một mình bên hồ sen trong vườn thượng uyển, một phi tần của Anh Tông bước đến. Cô ta là con nhà danh gia vọng tộc, nên đã nhìn Nguyệt Ảnh bằng ánh mắt khinh miệt từ ngày nàng nhập cung.
"Thần thiếp nghe nói Tam phi nhớ nhà lắm phải không?" - Vị phi tần cất giọng the thé - "Không biết người nhớ ruộng muối bùn lầy hay nhớ mùi nước biển tanh nồng của người?"
Nguyệt Ảnh đứng dậy đáp: "Ta quả có nhớ quê, nhưng là nhớ cha mẹ già và làng xóm thân thương, không giống như người khác, vào cung rồi thì quên hết ân nghĩa xưa cũ"
"Một đứa con gái làng chài thì biết gì về chốn cung đình?" Vị phi tần đi vòng quanh Nguyệt Ảnh, ánh mắt soi mói. "Nhìn Tam phi kìa, dù mặc lụa là gấm vóc, vẫn không giấu được mùi của biển cả, rất là tanh."
Nguyệt Ảnh vẫn giữ nét mặt bình thản: "Ta sinh ra và lớn lên ở biển, là người thế nào Quan gia biết rất rõ. Nương Nương có ý nói ta như vậy, lẽ nào là coi thường con mắt nhìn người của Quan gia sao?
Vị phi tần đó hơi tức giận, nhưng không thể hiện ra ngay.
“Tam phi có biết vì sao Quan gia đưa người vào cung không?"
Nguyệt Ảnh im lặng. Vị phi tần tiếp tục, giọng cay độc:
"Vì người chẳng qua chỉ là món đồ chơi lạ mắt. Như con búp bê đất sét mà trẻ con thích chơi rồi vứt đi. Người đừng tưởng, Quan gia thật sự xem trọng người!"
Nguyệt Ảnh - Bà Chúa Muối: Câu Chuyện Tình và Sự Hy Sinh Bên Cánh Đồng Muối pHẦN 2


Nguyệt Ảnh vẫn bình thản: "Ta chỉ là hạt muối sinh ra từ lòng biển nhưng có thể hòa vào nước, âm thầm kết tinh nên sự sống mới. Tuy không cao quý bằng người nhưng có thể kết hoa kết trái. Còn hạt ngọc kia ở trong tráp vàng, dù đẹp đến mấy, nếu chẳng thể hòa vào nước, thì sao nảy nở được mầm sống?"
Mặt vị phi tần cao sang tái đi vì giận dữ: "Ngươi... ngươi dám!"
Nguyệt Ảnh không đáp ngay, nhưng khóe miệng vẫn nở một nụ cười nhẹ - "Ta chỉ nói về muối và ngọc thôi, có phải nói về ai đâu. Sao người lại giận dữ như vậy? "
Đúng lúc đó, vua Trần Anh Tông xuất hiện. Vị phi tần vội vã đổi thái độ, cười nói ngọt ngào:
"Quan gia, thiếp đang trò chuyện với Tam phi đây. Cô ấy thông minh thật, biết cả cách làm muối lẫn làm thơ."
Vua nhìn Nguyệt Ảnh, ánh mắt tràn đầy yêu thương: "Trẫm biết. Vì thế trẫm mới đưa nàng ấy về cung. Một viên trân châu quý giữa chốn bụi trần, phải không Nguyệt Ảnh?"
Nguyệt Ảnh cúi đầu, má ửng hồng: "Quan gia đã quá lời rồi, thần thiếp chỉ là một dân nữ, không hề có địa vị cao sang như những phi tần khác của người ở trong hậu cung"
Vua cười: "Ta thích nàng vì tài hoa của nàng. Hơn nữa, ta không chê xuất thân của nàng thì kẻ nào dám chê chứ?"
Vị phi tần cắn môi buồn bã, vội cáo từ rồi lui về. Lúc này, vua Trần Anh Tông mới ngồi xuống bên Nguyệt Ảnh, nắm lấy tay nàng:
"Trẫm biết nàng khó khăn lắm. Nhưng hãy cố gắng nhé, vì trẫm, và vì hài nhi của chúng ta nữa. Trẫm sẽ bảo vệ nàng tới cùng"
Nguyệt Ảnh nhìn vào mắt vua, khẽ gật đầu: "Thần thiếp sẽ luôn ở bên Quan gia, như muối bên biển, như trăng bên trời."
Tin Đệ Tam phi Nguyệt Ảnh có thai lan truyền khắp cung cấm như một cơn gió mạnh, thổi đi muôn nơi. Vua Trần Anh Tông lúc nào cũng mừng rỡ, lâu lâu lại ban thưởng cho tất cả cung nữ và thái giám ở cung của Đệ Tam Phi. Ngài đến tận nơi ở của Nguyệt Ảnh hằng đêm để thăm hỏi.
"Nàng thấy trong người thế nào?" - Vua hỏi, giọng đầy lo lắng.
Nguyệt Ảnh xoa nhẹ bụng mình, mỉm cười: "Tâu Quan gia, thần thiếp khỏe lắm. Dường như hài nhi cũng biết mình là con của bậc đế vương, nên rất là ngoan."
Vua Trần Anh Tông mỉm cười: "Trẫm đã cho người về làng Quang Lang, báo tin cho song thân của ái phi"
"Cha mẹ thần thiếp sao rồi thưa Quan gia?" - Mắt Nguyệt Ảnh rưng rưng.
"Họ khỏe mạnh lắm. Trẫm đã miễn thuế muối cho cả làng Quang Lang ba năm để mừng tin long thai. Cha nàng rất tự hào, còn nói rằng, đại khái là con gái tôi đã làm được điều mà bốn đời làm muối của gia đình chúng tôi không làm được – giúp làng nghề muối có điều kiện phát triển hơn nữa”
Nguyệt Ảnh cảm động đáp: "Quan gia đã ưu ái thần thiếp và gia đình quá."
Vua nắm chặt tay nàng: "Không phải ưu ái đâu. Đó là vì trẫm yêu nàng, và trẫm tin nàng sẽ sinh cho trẫm một hoàng tử tài giỏi và thông minh như ái phi của trẫm vậy đó." Nguyệt Ảnh nghe xong những lời chân thành của vua, nàng mỉm cười hạnh phúc.
Nhưng niềm hân hoan đó không kéo dài lâu. Mấy tháng trôi qua, bụng nàng ngày càng lớn, nhưng đã qua chín tháng mười ngày mà vẫn chưa thấy dấu hiệu sinh nở. Các ngự y lần lượt được triệu vào cung để khám cho Đệ Tam phi, nhưng không ai hiểu được tại sao.
Trong cung, lời đồn thổi ác ý bắt đầu lan truyền:
"Tam phi không phải người trần, nên thai nhi cũng không phải người thường!"
"Có khi nàng ta mang thai yêu quái, không đẻ được đâu!"
"Nghe nói nàng ta sinh ra từ ánh trăng, chắc là hồ ly tinh đầu thai!"
Vua Trần Anh Tông không tin những lời đồn đại đó, nhưng các quan đại thần và bên phía hậu cung liên tục tâu:
"Tâu Quan gia, việc này bất thường quá. E rằng không phải điềm lành cho hoàng gia."
"Long thai không sinh ra được, có thể là điềm báo tai ương cho triều đại."
"Xin bệ hạ hãy để Tam phi về quê dưỡng thai, chờ khi sinh nở xong rồi hẵng đón vào cung."
Ban đầu, vua Trần Anh Tông không chịu. Nhưng khi thấy sức khỏe của Nguyệt Ảnh ngày càng yếu đi và áp lực từ triều thần ngày càng lớn, cuối cùng ông đành phải đồng ý. Một buổi sáng mùa xuân, vua Trần Anh Tông đến thăm Nguyệt Ảnh, gương mặt đầy đau khổ:
"Ái phi, trẫm đã quyết định..."
Nguyệt Ảnh nhìn vua, khẽ gật đầu: "Thần thiếp hiểu. Quan gia muốn thần thiếp về quê."
Vua ngạc nhiên: "Sao nàng biết?"
"Thần thiếp nghe thấy những lời bàn tán trong cung. Và thần thiếp nghĩ, có lẽ về quê thật sự sẽ tốt hơn. Ở đó có không khí trong lành của biển, có cha mẹ thần thiếp và..." - nàng ngừng lại, ánh mắt buồn bã - "...và có lẽ sẽ bớt cho họ ánh nhìn thù địch."
Vua Trần Anh Tông đến bên giường của Nguyệt Ảnh, nắm chặt tay nàng:
"Ái phi, trẫm sẽ không bỏ rơi nàng, trẫm hứa sẽ đến thăm nàng thường xuyên. Và khi nàng sinh con xong, trẫm sẽ đón nàng và con trở về ngay."
Nguyệt Ảnh mỉm cười: "Thần thiếp tin Quan gia"
Nàng lặng lẽ rời cung ngay sau đó, nhưng trong ánh mắt nàng có điều gì đó trầm buồn như đã nhìn thấy trước tương lai.
Trở Về Làng Muối
Khi kiệu của Đệ Tam phi trở về làng Quang Lang, cả làng ùa ra đón. Phụ mẫu của Nguyệt Ảnh giờ đã già, run rẩy ôm lấy con gái yêu quý của mình. Họ dẫn nàng về ngôi nhà xưa, giờ đã được sửa sang khang trang hơn nhờ ân huệ của triều đình.
Mỗi ngày, Nguyệt Ảnh đều ngồi bên cửa sổ, nhìn ra cánh đồng muối trắng xóa. Nàng kể cho cha mẹ nghe về cuộc sống trong cung, về tình yêu của nhà vua dành cho mình và về đứa con trong bụng chưa thể chào đời.
"Mẫu thân nghĩ vì sao con không thể sinh đứa trẻ này ra?" - Một ngày, Nguyệt Ảnh hỏi mẹ, giọng lo lắng.
Bà Kiều vuốt tóc con gái: "Không đâu con. Có lẽ đứa trẻ này đặc biệt, nên cần thời gian để sẵn sàng chào đời. Con sinh ra từ ánh trăng, con của con có thể cũng đặc biệt vậy."
Nguyệt Ảnh thở dài: "Nhưng con sợ... con sợ không thể giữ được đứa bé này. Con cảm thấy sức lực ngày càng yếu đi."
Ông Minh nắm tay con gái: "Con gái, hãy mạnh mẽ lên. Người làm muối chúng ta có thể chịu đựng sự khắc nghiệt của cả đất trời, sá gì một chút thời gian sinh hạ một hài nhi chứ?
Được cha mẹ động viên như vậy, Đệ Tam Phi cũng thấy an ủi phần nào. Nhưng trong thâm tâm nàng, sự lo lắng giờ đây đã trở thành nỗi niềm khắc khoải, giống như là một dấu hiệu cho thấy trước số phận về sau của mình.
Có lẽ về quê dưỡng thai cũng không phải là một phương thưc tốt khi sức khỏe nàng vẫn không được ổn. Tin tức đến tai vua Trần Anh Tông, khiến nhà vua lo lắng không yên. Ông thường xuyên cử ngự y đến thăm và chăm sóc cho Tam phi, nhưng dường như không có phương thuốc nào có thể giúp được nàng.
Một buổi chiều, khi ánh hoàng hôn phủ lên cánh đồng muối, Nguyệt Ảnh ngồi bên cửa sổ như thường lệ. Đột nhiên, nàng thấy một đám trẻ con trong làng tụ tập ở cánh đồng muối trước nhà. Chúng cầm theo những bồ cỏ, dựng lên thành hình người nộm.


Không lâu sau, những đứa trẻ mục đồng bắt đầu múa may quanh những người nộm cỏ, miệng hát những bài ca dân gian của làng muối. Tiếng hát trong trẻo vang lên giữa không gian tĩnh lặng:
"Muối trắng như ngọc, Trăng sáng như gương, Công chúa làng ta, Đẹp tựa tiên nương..."
Nguyệt Ảnh cảm động, nặng nhọc đứng dậy, bước đến cửa sổ, vẫy tay với lũ trẻ. Đây là lần đầu tiên sau nhiều ngày nàng tỏ ra hứng thú với điều gì đó. Nàng cất tiếng cổ vũ lũ trẻ, giọng yếu ớt nhưng đầy ấm áp.
Lũ trẻ vui mừng, múa may càng hăng hái hơn. Chúng nhảy múa quanh những người nộm, tạo thành một vòng tròn, tay cầm dải lụa mà người lớn trong làng cho mượn. Quang cảnh náo nhiệt và đầy màu sắc, như một lễ hội thu nhỏ giữa trời quang.
Mỗi ngày sau đó, cứ vào buổi chiều, lũ trẻ lại tụ tập trước nhà Nguyệt Ảnh và múa hát. Dần dần, không chỉ có trẻ con, mà người lớn trong làng cũng tham gia. Họ mang đến đồ ăn, hoa quả và những câu chuyện vui về làng quê để giúp Tam phi khuây khỏa.
Một ngày, khi lũ trẻ đang múa hát, một sứ giả từ kinh thành phi ngựa đến. Anh ta mang theo một phong thư từ vua Trần Anh Tông đến cho Tam Phi.
Nguyệt Ảnh run run mở phong thư, lời lẽ trong thư vô cùng chân thành và tha thiết. Nhà vua nhớ Nguyệt Ảnh từng nói, nàng là hạt muối, trẫm là biển cả. Dù xa cách thế nào, muối và biển vẫn là một, mãi không bỏ nhau. Và người đang từ kinh thành xa xôi đến để thăm hỏi nàng.
Nguyệt Ảnh ôm lá thư vào lòng, nước mắt lăn dài trên má. "Phu quân vẫn còn nhớ đến mình..." - Nguyệt Ảnh thì thầm.
Nàng nhìn ra phía xa như trông đợi vua đến. Làn da nàng trắng ngần giờ đây đã tái nhợt, đôi mắt sáng như sao giờ đã mờ đi, chỉ còn lại một chút hy vọng mong manh. Liệu nàng có thể kịp gặp lại Quan gia không? Đó là điều mà kể cả Long Vương xa xôi ngoài kia cũng không thể trả lời nàng lúc này.
Lời Từ Biệt
Một đêm, khi trăng tròn vành vạnh treo lơ lửng trên bầu trời, Nguyệt Ảnh gọi cha mẹ đến bên giường. Giọng nàng yếu ớt nhưng kiên định:
"Cha mẹ, con biết thời gian của con không còn nhiều nữa. Con có điều muốn nói..."
"Con đừng nói vậy!" - Bà Kiều khóc thành tiếng - "Con sẽ khỏe lại, con và đứa bé sẽ bình an."
Nguyệt Ảnh mỉm cười nhẹ nhàng: "Mẹ ơi, số mệnh đã định rồi. Con sinh ra từ ánh trăng và con sẽ trở về với trăng sao. Nhưng trước khi đi, con muốn nói với cha mẹ về một giấc mơ con đã thấy."
Ông Minh nắm chặt tay con gái, nước mắt lăn dài: "Con thấy gì, con gái?"
"Con thấy làng mình trong tương lai... Một ngày nào đó, biển sẽ dâng lên, phá hủy ruộng muối của chúng ta. Nhưng rồi từ biển cả, một nguồn muối mới sẽ xuất hiện, phong phú hơn, dồi dào hơn. Làng mình sẽ không còn nghèo khó, dân làng sẽ không còn phải chịu cảnh lam lũ..."
"Con nói gì vậy, Nguyệt Ảnh?" - Ông Minh bối rối.
"Cha ơi, khi con không còn nữa, hãy xây cho con một ngôi đền nhỏ bên cánh đồng muối. Không cần lớn, không cần tráng lệ. Chỉ cần một nơi để con có thể nhìn xuống và phù hộ cho làng mình, cho những người làm muối."
Ông Minh gật đầu, không nói nên lời.
"Và..." - Nguyệt Ảnh nhìn ra cửa sổ, nơi vầng trăng đang tỏa sáng - "...hãy nói với Quan gia rằng, con yêu người thật lòng. Con xin lỗi vì không thể ở bên người trọn đời. Nhưng tình yêu của con, như muối trong biển, sẽ mãi mãi hòa quyện với người."
Đúng lúc đó, từ xa vọng lại tiếng trẻ con hát, trong đêm khuya thanh vắng, trong những giấc mộng đã quá xa vời.
"Muối trắng như ngọc, Trăng sáng như gương, Công chúa làng ta, Đẹp tựa tiên nương..."
Nguyệt Ảnh mỉm cười, một nụ cười nhẹ như gió thoảng. Nàng thì thầm: "Con thích tiếng hát của chúng... Vui quá..."


Và rồi, như một ngọn đèn dầu đã tắt, ánh sáng trong mắt Nguyệt Ảnh từ từ tắt lịm. Tam phi Nguyễn Thị Nguyệt Ảnh, người con gái của làng muối Quang Lang, đã nhẹ nhàng trút hơi thở cuối cùng vào ngày 14 tháng 4 năm Mậu Tuất (1358). Long thai trong bụng nàng cũng theo mẫu thân ra đi, không kịp chào đón cõi dương gian này.
Tin Tam phi qua đời được truyền đi bằng một phi mã cấp tốc. Vua Anh Tông đã đến được làng của nàng, nhưng tất cả nỗ lực cũng chỉ nghe thấy tin báo u buồn. Ngài đã không đến kịp trước lúc ái phi rời xa dương thế.
"Tâu Quan gia" - người báo tin quỳ xuống, nước mắt giàn giụa - "Tam phi đã... đã quy tiên vào đêm rằm vừa qua. Long thai cũng không giữ được."
Vua Trần Anh Tông đứng sững như trời trồng. Gương mặt ông tái nhợt, đôi tay run rẩy. Trong một khoảnh khắc, dường như trời muốn sụp đổ và đất gần như nứt ra.
Nhà vua gục người xuống, đau đớn như thể chính trái tim mình đang bị xé nát. Hoàng hậu Bảo Từ đứng bên cạnh, lặng lẽ nhìn chồng, trong lòng vô cùng thương xót.
"Quan gia..." - Hoàng hậu đưa tay đỡ lấy vua - "Xin Quan gia bình tĩnh."
Vua Trần Anh Tông gạt tay Hoàng hậu Bảo Từ ra, gương mặt đẫm lệ: "Trẫm phải đến đó. Trẫm phải nhìn mặt nàng lần cuối!"
Ước nguyện đã thành, Quan gia đã nhìn thấy nàng lần cuối trước khi đóng nắp quan tài lại, nhưng lần này là âm dương cách biệt, không nói nên lời. Có người truyền rằng, nhà vua là thiên tử, là con trời, còn nàng là đứa trẻ sinh ra dưới ánh trăng. Trời đất có đạo của trời đất, âm dương không thể hòa hợp, liệu đó có phải số mệnh báo trước của lần gặp gỡ ngắn ngủi này mà cũng là thay cho lời li biệt?
Không ai biết nguyên nhân thật sự, chỉ biết nàng đã ra đi thanh thản như vậy, không chút ưu phiền.
"Truyền lệnh của trẫm," - vua Trần Anh Tông nói với sứ giả, giọng nặng trĩu đau thương - "Xây cho Tam phi một ngôi đền thờ trang nghiêm bên cánh đồng muối, nơi nàng có thể nhìn ra biển cả. Trẫm phong nàng là 'Từ Ý Thái Hòa Đệ Tam cung phi', là vị phúc thần bảo hộ cho nghề muối và người dân vùng biển nơi đây."
Và thế là, một ngôi đền trang nghiêm được xây dựng tại làng Quang Lang, nơi Tam phi Nguyễn Thị Nguyệt Ảnh an nghỉ. Người dân trong vùng gọi nàng là "Bà Chúa Muối" - vị nữ thần bảo trợ cho nghề làm muối và ngư dân đánh cá đến tận sau này.
Hàng năm, vào ngày 14 tháng 4 âm lịch - ngày giỗ của Tam phi, dân làng tổ chức lễ hội lớn để tưởng nhớ nàng. Họ dựng những người nộm bằng cỏ, múa hát quanh đó, giống như những đứa trẻ mục đồng năm xưa đã làm để mua vui cho Tam phi trong những ngày cuối đời.
Vua Trần Anh Tông, dù đau buồn, vẫn phải tiếp tục trách nhiệm với triều đình và đất nước. Nhưng người ta nói rằng, mỗi đêm trăng rằm, nhà vua lại đứng một mình trên lầu cao, nhìn về hướng làng Quang Lang xa xôi, nơi có người con gái làng muối mà ông từng yêu thương sâu đậm.
Có chuyện dân gian kể lại rằng, nhiều năm sau khi Tam phi qua đời, một trận lũ lớn ập đến, nhấn chìm cả làng Quang Lang. Ruộng muối bị hủy hoại, nhà cửa tan hoang. Nhưng kỳ lạ thay, ngôi đền thờ Bà Chúa Muối vẫn đứng vững, không hề hấn gì.
Và sau trận lũ, khi nước rút đi, người dân phát hiện ra những mạch nước ngầm mặn chảy qua làng, giàu khoáng chất hơn nhiều so với nước biển thông thường. Họ dùng nguồn nước này để làm muối, và thu hoạch được gấp ba gấp bốn so với trước.
Người dân tin rằng, đó là phép màu của Bà Chúa Muối, là lời tiên tri của nàng đã ứng nghiệm.
Từ đó, danh tiếng của Bà Chúa Muối ngày càng lan rộng. Không chỉ người làm muối mà cả ngư dân, thương nhân, và thậm chí cả những quan lại triều đình cũng tìm đến đền thờ của nàng để cầu xin phù hộ.
Ngày nay, Lễ hội Bà Chúa Muối còn được gọi là Lễ hội ông Đùng bà Đà, mang đậm bản sắc văn hóa dân gian của vùng biển. Trong ngày lễ, người dân thực hiện nghi thức rước kiệu Bà Chúa từ đền ra ruộng muối, cầu cho mưa thuận gió hòa, muối được trúng mùa, ngư dân đánh bắt được an toàn.
Bà Chúa Muối - Nguyễn Thị Nguyệt Ảnh, cô gái sinh ra từ ánh trăng, lớn lên bên ruộng muối, dù đã không thể sinh con cho vua, không thể trọn đời hạnh phúc trong cung điện, nhưng đã trở thành ánh trăng giữa cõi trần và là vị phúc thần bảo hộ cho biết bao đời người sau này.
Và mỗi khi trăng rằm tỏa sáng trên cánh đồng muối trắng xóa, người dân vẫn nhớ về bóng dáng của một thiếu nữ xinh đẹp, với mái tóc đen dài, đang nhẹ nhàng bước đi, như thể đang tìm kiếm điều gì đó. Có lẽ như nàng đang tìm kiếm tình yêu vĩnh cửu mà nàng và vua Trần Anh Tông chưa kịp nối dài trong kiếp này.
Nguồn tham khảo: Giai thoại Bà Chúa Muối
(Mọi chi tiết và đối thoại trong bài này đều do mình tưởng tưởng thôi nhé ^-^)
Khuyến cáo: mọi người nên tìm hiểu kỹ thêm về sản phẩm trước khi đặt mua nhé. Bên mình đã cố gắng chọn lọc các sản phẩm chất lượng nhưng cũng không thể đảm bảo được hết và cũng tùy thuộc nhà sản xuất nữa, mong mọi người thông cảm. Nếu chưa tin tưởng thì cũng đừng quyết định mua quá sớm nhé!
Comments
Nơi Trang cập nhật các thông tin giải trí thú vị hài hước về kinh tế xanh, các giải pháp vì môi trường và sự phát triển bền vững ở Việt Nam và trên khắp thế giới