Trần Nhật Duật thu phục chúa đạo Đà Giang Giác Mật phần 2
TRẦN NHẬT DUẬT 2.
Mời mọi người đọc phần 1 trước khi đọc phần 2 này nhé: Trần Nhật Duật Là Ai? Vị Vương Gia Dùng Nhân Tâm Thắng Nội Loạn phần 1
Một thân chiêu hàng - Đoạn trường sinh tử
Mặt trời chưa lên cao đã nhuộm đỏ cả thung lũng Đà Giang. Đoàn người từ Thăng Long dừng chân trên một đỉnh đồi, trông xuống trại quân của Trịnh Giác Mật rải rác bên một dòng sông uốn khúc quanh co. Lúc đó, Trần Nhật Duật đứng yên, mắt nheo lại dưới ánh nắng để quan sát cảnh tượng trước mặt.
Phía sau ông, các tướng lĩnh và cận vệ đang bàn tán xôn xao. Bức thư từ Trịnh Giác Mật đã đến tay họ đêm qua với yêu cầu thật khó tin: Chiêu Văn Vương phải một mình một ngựa đến trại nếu muốn Giác Mật đầu hàng.
"Vương gia," - viên tướng già cất tiếng - "Đây rõ ràng là một cái bẫy. Giác Mật chỉ muốn bắt Ngài làm con tin. Xin Ngài đừng mạo hiểm."
Trần Nhật Duật không đáp, vẫn đăm đăm nhìn xuống thung lũng. Gió thổi làm tà áo bào xanh nhạt của ông phất phơ, như cánh bướm đang chực bay đi.
"Vương gia," - một tướng khác nói, giọng đầy lo lắng - "Nếu có chuyện gì xảy ra với Ngài, biên cương sẽ nguy hiểm, triều đình sẽ mất một trụ cột, còn chúng thần... sẽ có tội với Quan gia."
Nhật Duật quay lại với nụ cười nhẹ trên môi: "Mọi người sợ điều gì?"
"Sợ Ngài... lâm nguy."
"Ta không sợ" – Chiêu Văn nói nhẹ như gió.
"Nhưng nếu đó là mưu kế để bắt ngài thì sao?" - các tướng vẫn lo.
"Ta cũng đã có cách ứng phó rồi, mọi người yên tâm" Ngài bình tĩnh đáp.
Các tướng lĩnh sau đó vẫn chưa chịu yên lòng: "Vương gia, ít nhất hãy cho chúng thần hộ tống!"
Nhật Duật lắc đầu, rồi chỉ tay về phía trại quân Đà Giang: "Mọi người nhìn đi. Từ đây đến trại Giác Mật, mỗi ngọn đồi, mỗi bụi cây, đều có thể có người của ông ta đang theo dõi. Nếu ta đem theo cả đội quân, chẳng phải là khiến cho ông ta càng đề phòng sao? Nghĩ mà xem, làm sao thuyết phục được người ta khi ngay từ đầu đã khiến cho họ nghi kỵ?"
"Vậy... ít nhất hãy cho chúng thần mai phục gần đó. Nếu có biến, chúng thần sẽ lập tức tiếp ứng."
Chiêu Văn Vương lại mỉm cười, lần này là nụ cười đầy vẻ thấu hiểu với tâm trạng của những người đang hộ tống ông: "Các người nghĩ ta không biết quanh đây đã có bao nhiêu người của Giác Mật đang theo dõi sao? Nếu họ thấy ta bố trí mai phục, mọi thiện chí hòa giải sẽ tan thành mây khói."
Rồi ông nhẹ nhàng tiếp lời: "Nếu hắn giở trò với ta thì triều đình sẽ phái vương khác đến. Nhưng người khác không phải là vương gia thông thường, mà có thể là một tướng quân"
Câu nói của Nhật Duật vừa thốt ra nhẹ tựa lông hồng, nhưng sâu như biển xa thăm thẳm. Các tướng lĩnh nhìn nhau, cuối không ai nói thêm lời nào. Chiêu Văn đã quyết, không ai lay chuyển được.
Chiêu Văn Vương đã viết sẵn thư phúc đáp Giác Mật và lần này bằng tiếng của người vùng Đà Giang - viết bằn ngôn ngữ bản địa của họ gửi cho chính họ. Ông cho người đưa thư phản hồi là mình sẽ đáp ứng yêu cầu của bên đưa ra. Tất nhiên là, người thông thạo ngoại ngữ như ông nên biết phải viết những gì để dàn xếp mối hiểm nguy này.
“Chiêu Văn Vương ta đồng ý với yêu cầu ngài đưa ra, tuyệt đối không dẫn quân đến. Nghe nói rượu của vùng Đà Giang này rất là ngon. Khi trở về ta nhất định mời rượu của ngài cho hoàng tộc ta thưởng thức. Triều đình, thực sự là vừa cần mỹ tửu, vừa cần một huynh đệ như thế” Một vài ý trong bức thư của Nhật Duật gửi Giác Mật được người đời sau khi kể lại thêm thắt như vậy.
Sau đó, Nhật Duật chọn năm, sáu tiểu đồng theo hầu, toàn là những người trẻ trung, không mang vũ khí, chỉ có những túi da đựng đồ lễ và vài món quà. Ông mặc áo đơn màu xanh nhạt, không áo giáp, không đao kiếm và chỉ cài một cây trâm ngọc trên mái tóc buộc cao.
"Vương gia cần chuẩn bị gì thêm không?" – viên tướng già hỏi, giọng đã chấp nhận sự thật này.
"Không," - Nhật Duật đáp - "Ta chỉ cần chuẩn bị một tấm lòng thành, vậy là đủ rồi."
Rồi ông cùng mấy tiểu đồng lên ngựa, từ từ tiến xuống thung lũng trong ánh chiều tà. Đoàn người nhỏ từ từ khuất dần như thể những chiếc lá trên tấm thảm xanh của núi rừng Đà Giang.
Tin báo Chiêu Văn Vương đã đến làm mọi người xôn xao. Càng bất ngờ hơn, ông chỉ mang theo vài tiểu đồng, không có vũ khí, không quân hộ tống giống như trong thư.
Chiêu Văn Vương Trần Nhật Duật Và Cuộc Đối Đầu Định Mệnh Ở Thung Lũng Đà Giang phần 2


Trong trại của Trịnh Giác Mật, không khí căng thẳng đến nghẹt thở. Ông ta đã đọc xong thư của Nhật Duật, bỗng nhiên có chút do dự: “Người này biết rượu của ta, biết tiếng của ta, lại còn có lòng muốn kết minh, nay còn chịu đến một mình, chỉ e là không đơn giản, nhưng có lẽ người xấu cũng không thể giả vờ được vậy” Giác Mật nghĩ thầm, dần dần cởi bỏ được lớp hoài nghi đối với Nhật Duật nói riêng và với triều đình nói chung.
"Chúa công" - viên tướng trẻ thì thầm với Giác Mật - "Có phải ông ta quá tự tin hay đang coi thường chúng ta?"
Giác Mật không đáp, đôi mắt sắc lạnh nhìn ra xa xăm. Vị chúa đất Đà Giang ra lệnh: "Dàn quân thành ba lớp vòng vây quanh trại. Tất cả đều cầm binh khí. Ta muốn xem phản ứng của vị vương gia này."
Lệnh vừa ban ra, đã có người báo: "Chiêu Văn Vương đã đến trước trại."
Giác Mật gật đầu: "Mời vào"
Cảnh tượng diễn ra sau đó là điều mà mọi người có mặt tại Đà Giang hôm đó không bao giờ quên được. Quân lính người Man áo giáp kín đáo, đứng vây kín thành ba lớp vòng tròn, gươm giáo sáng loáng dưới ánh mặt trời. Mọi con mắt đều đổ dồn về phía cổng trại, nơi Chiêu Văn Vương đang từ từ tiến vào.
Không một tiếng động, không một lời nói,chỉ có tiếng gió reo qua khe núi và tiếng vải áo phần phật. Trần Nhật Duật bước đi ung dung giữa hàng trăm lưỡi giáo đang chĩa về phía mình, nét mặt bình thản như đang dạo bước trong vườn thượng uyển. Năm tiểu đồng theo sau, ngược lại thì mặt tái mét nhưng vẫn cố giữ bước theo chân chủ.
Khi đã vào đến giữa trại, đối diện với Trịnh Giác Mật ngồi trên một chiếc ghế cao, Nhật Duật mỉm cười rồi cất tiếng nói bằng tiếng Man:
"Chúa đất Đà Giang, ngài là người anh hùng của vùng núi Tây Bắc, Chiêu Văn Vương ta hôm nay mang theo lời hỏi thăm từ Hoàng đế Đại Việt đến với ngài"
Một thoáng ngạc nhiên lướt qua khuôn mặt Giác Mật. Tiếng Man của Chiêu Văn không chỉ trôi chảy mà còn mang đúng âm điệu của người bản địa, như thể ông là dân đã sống cả đời ở Đà Giang chứ không phải là khách.
"Vương gia nói tiếng của chúng ta thành thạo quá." – Giác Mật đáp lại, cũng bằng tiếng Man, giọng còn đầy vẻ nghi ngờ.
"Đất nước ta có hàng trăm dân tộc, mỗi nơi đều là anh em với triều đình. Ta học tiếng của người anh em để hiểu họ hơn, có gì lạ đâu?" – Nhật Duật vẫn mỉm cười.
Giác Mật chăm chú nhìn người đối diện. Ông ta đã chuẩn bị tinh thần đối mặt với một vị vương gia kiêu căng hoặc một vị tướng hung hãn, nhưng trước mặt ông lại là một người đàn ông điềm tĩnh với ánh mắt sáng và nụ cười hiền hòa đến lạ lùng.
"Vương gia không sợ sao?" – Giác Mật hỏi thẳng – "Quanh ngài là hàng trăm binh sĩ của ta, chỉ cần ta khẽ gật đầu..."
"Nếu chúa đất muốn hại ta, việc gì phải đợi đến tận bây giờ, cho người giữa đường truy bắt cũng được vậy?" - Nhật Duật đáp, giọng nhẹ nhàng như mây - "Vả lại, ta tin vào chữ tín của người anh hùng Đà Giang như ngài."
Một thoáng im lặng. Rồi Giác Mật đột ngột đổi giọng:
"Vậy điều gì khiến một vương gia nhà Trần, sống giữa cung vàng điện ngọc vui hưởng khoái lạc lại chịu mạo hiểm đến đây gặp kẻ được gọi là 'phản tặc' như ta?"
"Vì ta không thấy trước mặt mình là 'phản tặc', triều đình cũng không thấy thế. Ngài chính là một người anh hùng đang lo cho người trong tộc của mình." - Nhật Duật đáp - "Người anh em, ta đến đây không phải để đe dọa hay áp đặt, mà là để hiểu: Đà Giang thực sự cần gì từ triều đình?"
Câu hỏi đơn giản nhưng lại làm Giác Mật sững người. Chưa ai từ triều đình đặt câu hỏi đó với ông ta. Tất cả bọn họ trước đây chỉ biết ra lệnh, đe dọa, hoặc dụ dỗ chứ chưa từng có kiểu như là đối thoại hòa bình.
Quân lính xung quanh từ từ hạ vũ khí, bị cuốn hút bởi cuộc đối thoại kỳ lạ của hai người. Giác Mật ra hiệu mời Chiêu Văn Vương ngồi đối diện mình, rồi sai người mang rượu ra. Đó là loại rượu đặc biệt của người Man, được uống bằng cách hút qua mũi thay vì uống bằng miệng.
"Vương gia có dám nếm thử không?" – Giác Mật hỏi, như thể thử thách.


Nhật Duật mỉm cười, nhận lấy bát rượu. Không chút do dự, ông nâng bát, đưa lên mũi và hít mạnh, để chất rượu nồng chảy vào khứu giác. Đây là một phong tục kỳ lạ của người Man mà ít người ngoại tộc dám thử vì sợ sặc.
"Hảo tửu!" - Nhật Duật khen, mắt hơi cay vì độ nồng của rượu nhưng không hề tỏ vẻ khó chịu - "Chẳng trách người Đà Giang nổi tiếng với loại rượu này. Hương vị của núi rừng đúng là thuần khiết, mạnh mẽ nhưng không thiếu vị ngọt."
Giác Mật nhìn Chiêu Văn Vương với ánh mắt ngỡ ngàng. Ông ta đã hy vọng được nhìn thấy một vị vương gia kiêu kỳ phải bối rối thế nào, còn tưởng những gì ngài viết trong thư chỉ là khoác lác. Nhưng khi Nhật Duật uống rượu bằng mũi còn thuần thục hơn cả một số thủ hạ của ông ta, Giác Mật bỗng nhiên cảm thấy cần phải thay đổi một chút chiến thuật.
Tiếp theo, thức ăn được mang ra phục vụ hai người. Đó là những món đặc sản của người Man: thịt thú rừng nướng trên than, rau rừng hái tươi, và đặc biệt là món cơm lam đựng trong ống tre. Theo phong tục thì người Man ăn bốc, không dùng đũa hay thìa.
Nhật Duật không chút ngần ngại, tự nhiên bốc thức ăn bằng tay, ăn ngon lành như thể đang dự tiệc tại chính quê hương mình. Ông kể về những chuyến đi khắp các vùng đất, cách ông học được tiếng Man, tiếng Chiêm, và nhiều ngôn ngữ khác. Không có vẻ gì là một sứ giả đang thực hiện nhiệm vụ nguy hiểm, mà như một người bạn cũ đang hàn huyên tâm sự với nhau thôi.
Dần dần, không khí trong trại thay đổi. Quân lính từ thế phòng thủ đã chuyển sang tò mò rồi thích thú. Một số người thậm chí còn cười theo những câu chuyện hài hước mà Chiêu Văn kể bằng thứ tiếng mà họ hiểu được.
"Vương gia," - Giác Mật cuối cùng cũng không kìm được sự tò mò - "Tại sao ngài lại hiểu rõ phong tục của chúng tôi đến vậy? Ngay cả cách uống rượu, cách ăn... không phải người kinh thành nào cũng làm được."
"Vì ta tin rằng" - Nhật Duật đáp, giọng chân thành - "Muốn hiểu một người, trước hết phải hiểu cách họ sống. Muốn hiểu một dân tộc, phải hiểu ngôn ngữ và phong tục của họ trước đã. Khi còn nhỏ, ta có dịp gặp một cụ già người Man. Ông ấy dạy ta tiếng nói và kể cho ta nghe về núi rừng Đà Giang. Từ đó, ta luôn mong một ngày được đến đây, dù không ngờ lại trong hoàn cảnh này."
Giác Mật đến bây giờ mới nở một nụ cười nhạt: “Đúng là trong hoàn cảnh này, chúng ta chỉ có thể là thù chứ không phải bạn. Và ngài chính thức đã bị Giác Mật ta vây hãm rồi”
Nhật Duật cũng cười lại, như thể đã tính trước tình huống này: “Nếu Đà Giang thực sự bắt ta thật, thì triều đình sẽ tiến quân đến đây để làm một trận, chúa đất như ngài cũng khó mà thoát. Ta có mệnh hệ gì cũng không có thiệt hại gì nhiều đối với triều đình, chỉ tiếc cho chúa đất phải cùng ta bồi táng theo”
Giác Mật đứng lên đi vài bước, tiếp tục thử lòng: “Triều đình mà đánh ta thật thì quân Nguyên sẽ càng nhân cơ hội đó đánh chiếm Thăng Long, như vậy chỉ e hoàng thất các vị sẽ bị diệt vong”
“Hoàng tộc diệt vong, nước mất nhà tan, tiếp theo là đến lượt vùng Tây Bắc này. Vậy không biết chúa đất như ngài làm sao đánh giặc, làm sao một mình giữ yên cho vùng Đà Giang. Ngài nói ra ta xem thử xen” Nhật Duật ung dung đáp.
Giác Mật nhịn không được, quay lại ngồi đối diện với ông: “Không có”


Nhật Duật lại cười, “hít” thêm một ly rượu nữa: “Nếu vậy đường nào cuối cùng ta cũng có ngài bồi táng theo rồi ngậm cười chín suối, còn sợ cái gì?”
Im lặng một lát, chúa đất mở lời: “Còn có một khả năng khác, e là Chiêu Văn Vương chưa nghĩ đến. Đó là triều đình sẽ không cứu ngài, để mặc ngài ở đây mà đối phó với quân Nguyên.”
Nhật Duật rót rượu cho chúa Đất, lòng không chút bối rối: “Nếu triều đình không chịu thỏa hiệp để cứu ta, ngài cũng không thể dùng ta để uy hiếp triều đình nhượng bộ, vậy ngài bắt ta có lợi ích gì?”
Chúa đất như người say rượu bỗng chốc tỉnh lại, nhìn Chiêu Văn Vương với con mắt khác.
“Ngài bắt ta không có lợi, ngài giết ta đi chống đối triều đình thì ngài chết chung. Đó là lí do ta có thể ung dung đến đây mà không sợ đội quân của ngài.”
Một thoáng im lặng.
Nhật Duật thừa thắng xông lên: “Sớm không loạn, muộn không loạn, lại chọn ngay lúc này để dấy binh, rốt cuộc người Nguyên đã cho ngài lợi lộc gì?
“Bất kể người Nguyên hứa cho chúng tôi những khoản nào, triều đình có thể cho được nhiều hơn không? Giác Mật nghiêm túc hỏi.
Nhật Duật tiến gần hơn chúa đất rồi nói: “Ta hỏi ngài, người Nguyên qua đây giao thiệp với ngài có biết tiếng của vùng ngài không?”
Giác Mật lắc đầu. “Người Nguyên có biết phong tục uống rượu của nơi ngài không?” Nhật Duật hỏi dồn.
Chúa đất lại lắc đầu. “Họ cử ai qua đây, là một sứ giả, hay một thân vương?”
Đôi mắt Giác Mật sáng lên như ngầm hiểu điều gì đó. Ông không cần trả lời vì người đối diện đã biết hết câu trả lời. Ông chỉ cần hiểu là được.
“Trước tiên ngài phải phân biệt được bên nào đáng tin hơn thì chúng ta mới bàn tiếp được” Nhật Duật bí ẩn nói.
Giác Mật cuối cùng hỏi thẳng: "Vậy ngài đến đây để thuyết phục tôi đầu hàng triều đình?"
Mời các bạn xem tiếp phần 3: Chiêu Văn Vương Trần Nhật Duật: chiến công hiển hách phần 3
Nguồn tham khảo: Chiêu Văn Vương Trần Nhật Duật
(Mọi chi tiết trong bài đều do mình tưởng tượng thôi nhé ^-^)
truyện tranh về trần nhật duật


Khuyến cáo: mọi người nên tìm hiểu kỹ thêm về sản phẩm trước khi đặt mua nhé. Bên mình đã cố gắng chọn lọc các sản phẩm chất lượng nhưng cũng không thể đảm bảo được hết và cũng tùy thuộc nhà sản xuất nữa, mong mọi người thông cảm. Nếu chưa tin tưởng thì cũng đừng quyết định mua quá sớm nhé!
Comments
Nơi Trang cập nhật các thông tin giải trí thú vị hài hước về kinh tế xanh, các giải pháp vì môi trường và sự phát triển bền vững ở Việt Nam và trên khắp thế giới