Trần Nhật Duật Là Ai? Vị Vương Gia Dùng Nhân Tâm Thắng Nội Loạn phần 1
TRẦN NHẬT DUẬT 1.
Nếu chiến công chỉ tính bằng máu quân thù, thì nhân vật dưới đây chưa chắc là một tướng giỏi. Nếu lấy số đầu giặc làm thước đo của mưu lược, thì ông há chẳng qua chỉ là một kẻ vô mưu. Nhưng có những trận thắng không cần gươm giáo, chẳng nhuốm máu đào, mà lòng người khuất phục, cõi bờ bền vững. Những chiến thắng ấy, chỉ có thể được cân đo bằng sức mạnh của nhân tâm và ý chí kiên định của lòng người.
Mối họa nội phản
Mùa đông năm Canh Thìn (1280), gió Bắc thốc từng đợt qua mái ngói cung điện Thiên An như thể báo hiệu điềm gở. Trời rét căm căm, nhưng nhìn vào phía trong điện mới thấy rằng gương mặt các đại thần ngồi quanh long án lại càng lạnh hơn. Vua Trần Nhân Tông nhìn quanh triều thần một lượt, bỗng thấy sắc mặt ai nấy đều ám đầy lo lắng.
"Quan gia" - Chiêu Minh Vương Trần Quang Khải, vị tướng già dày dạn trận mạc lên tiếng để phá vỡ sự im lặng - "Tin tức từ phương Bắc tới không phải tin tốt lành. Tướng Toa Đô đang điều binh, Hốt Tất Liệt đang chuẩn bị mưu đồ tiến đánh nước ta. Giặc ngoại xâm đang cận kề mà giờ lại thêm họa này..."
Vua Nhân Tông gật đầu, đôi mày rậm chau lại. Trên bàn là tấm lụa ghi mật báo từ vùng Tây Bắc của Đại Việt: "Trịnh Giác Mật, chúa đạo Đà Giang, cự tuyệt triều đình, dấy binh làm phản."
"Nội loạn chưa yên, ngoại xâm đã đến," - một vị quan thở dài - "Chẳng khác gì cùng lúc vừa bị rắn cắn gót chân, vừa có cọp rình trước mặt."
"Thần nghĩ ta phải dẹp ngay nội loạn này" - Một vị tướng lỗi lạc nhất triều đình lên tiếng - "Binh mã ít nhiều cũng phải vạn người, bao vây Đà Giang, bắt sống tên phản nghịch Trịnh Giác Mật. Chỉ có cách đó mới dập tắt ngọn lửa trước khi nó trở thành một đám cháy lớn."
"Ý của khanh thì..." - Vua lắc đầu - "Nếu điều vạn quân, chẳng khác nào khoét sâu vào vết thương chiến tranh của đất nước. Đà Giang hiểm trở, người Tây Bắc lại có lòng trung với Giác Mật. Triều đình và phía Tây Bắc chẳng phải là dân một nước người chung một nhà hay sao? Chỉ sợ hao binh tổn tướng, còn thêm việc lạm sát bách tính”
Nhà vua đi lên vài bước: “Họa ngoài chưa đến mà lại hấp tấp dùng binh với người của mình, chỉ e quân Nguyên sẽ mừng thầm khi thấy bên ta tự làm suy yếu chính mình."
Trần Nhật Duật: Người Dùng Mưu Trí và Lòng Thành Chiêu Hàng Đà Giang


Trăm quan im lặng. Lời vua có lý, nhưng không dẹp phía bên Giác Mật, biên cương Tây Bắc sẽ không yên. Hậu quả dẫn tới là triều đình không thể chuyên tâm lo việc chống giặc ngoại xâm. Nhưng nếu chia quân ra ngăn chặn thù trong, thì sẽ không đủ quân lực để chiến đấu với kẻ thù nguy hiểm nhất là giặc ngoài. Huống hồ chi quân lực triều đình vẫn còn khá mỏng so với quân giặc. Đúng là một tình thế khó mà xoay sở, tiến thoái lưỡng nan.
Một lão thần đứng dậy: "Hay là ta kết hòa với Trịnh Giác Mật?"
"Kết hòa?" – có tiếng cười khẩy vang lên – "Đó chẳng phải là nuôi ong tay áo hay sao? Hắn ta vốn phải quy thuận triều đình, dựa vào đâu được thế ngang hàng khiến triều đình phải hòa hoãn với hắn? Hơn nữa, giả sử hắn chịu tạm hòa, ai dám đảm bảo kẻ phản loạn hôm nay không phản ta lần nữa ngày mai?"
Triều đình tranh luận sôi nổi. Người bàn phải đem quân đi ngay, kẻ lại lo không đủ lương thảo. Người nói phải nghiêm trị để làm gương, kẻ khác vội khuyên nên dùng mưu trí. Tiếng tranh cãi như sóng vỗ bờ lúc to lúc nhỏ, cứ đều đều mà không chịu dứt.
Bỗng nhiên, Thái thượng hoàng Thánh Tông sau một lúc trầm ngâm đã lên tiếng:
"Ta có ý này. Ta muốn Đà Giang thực sự quy phục mà không cần dùng vũ lực. Tây Bắc không nên được bình định bằng binh đao, mà bằng sự rộng lượng của triều đình ta"
Các quan nhìn nhau, không ai thực sự hiểu ý Thượng hoàng. Chỉ có Chiêu Minh Vương Quang Khải khẽ mỉm cười, dường như đoán được thánh ý.
“Người có tài ngoại giao trác việt này, có thể thay triều đình phủ dụ chiêu hàng thì chắc không ai ngoài hoàng đệ Nhật Duật rồi”
"Đúng vậy. Chiêu Văn Vương Trần Nhật Duật sẽ đảm nhiệm việc này." Thượng hoàng rất kiên quyết.
Sự bàng hoàng thoáng chốc phủ lên khắp triều đình. Ai cũng biết Chiêu Văn Vương là bậc văn thần đa tài đa nghệ, thông thạo nhiều thứ tiếng, am hiểu lễ nghĩa các nước, nhưng liệu một người văn nhã như thế có thể đối phó được với kẻ phản nghịch vốn đầy hung hãn?
"Quan gia" – Một vị đại thần cẩn trọng lên tiếng – "Chiêu Văn Vương tuy học rộng tài cao nhưng chưa làm tướng bao giờ. Mà việc này lại là việc quân, e rằng... e rằng..."
"E rằng gì?" – vua hỏi vặn.
"E rằng... chỉ bằng văn chương, liệu có thể khiến kẻ cầm đao kiếm biết đường buông tay được chăng? Liệu ngài ấy có dám một mình vào hang cọp?"
Thượng hoàng trầm ngâm một lát: “Nếu trận này cần phải đánh, thì ta sẽ còn đắn đo một chút để Nhật Duật đi. Nhưng còn để dụ hàng, dùng đến mưu lược thì đó là sở trường của ngài ấy rồi. Nếu khanh không đồng ý, vậy hay là khanh đi giúp ta lần này đi”
Người đó lắc đầu không dám tấu nữa. Thượng hoàng sẵn sàng để một thân vương và cũng là hoàng đệ người ra trước trận tiền như vậy, các quan lại khác thở phào còn không kịp, nào dám ho he.
Ở phía xa xa, Vua Nhân Tông mỉm cười nhẹ vì hiểu được ý của phụ hoàng, ánh mắt ông lấp lánh niềm tin kỳ lạ: "Người thạo tiếng Man, hiểu lòng người Man, lại quý trọng sinh linh chẳng phải là Nhật Duật thì còn ai? Vả lại, có khi nào chúng ta thấy Chiêu Văn Vương biểu lộ sự sợ hãi trước bất kỳ thử thách nào đâu?"
Trần Nhật Duật vốn đang ngồi lặng lẽ từ đầu buổi chầu, giờ mới từ tốn đứng dậy, hành lễ trước vua: "Thần xin lãnh mệnh."


Ngài nói chỉ bốn chữ, không hùng hồn, không khoa trương, nhưng lại đầy sức nặng. Triều thần nhìn ngài sửng sốt. Một chàng thanh niên mới có hai mươi mấy tuổi, dáng vẻ nho nhã hơn là võ biền, đang khoác lên mình một trọng trách mà ngay cả những vị tướng gan dạ cũng phải kiêng dè.
"Chiêu Văn Vương định dùng kế sách gì?" – Hưng Đạo Vương tò mò hỏi.
Chiêu Văn mỉm cười rồi đáp: "Kế sách tốt nhất là không có kế sách nào cả. Thần sẽ đến đó...và chỉ mang theo tấm lòng thành. Với sự am hiểu về tập tục và ngôn ngữ của họ, thần tin chắc sẽ chiêu hàng được Đà Giang!"
Trong ánh mắt hoài nghi cuối cùng của nhiều người thì Thượng hoàng Thánh Tông đã quyết định. Sau đó, Chiêu Văn vương Trần Nhật Duật lập tức lên đường, tiến thẳng đến Tây Bắc.
Trịnh Giác Mật bàn luận thân thế đối thủ
Trong trại quân ở Đà Giang, không khí ngột ngạt và căng thẳng tỏa ra khắp nơi, như hòa vào khói lửa chiến chinh và sự tham vọng vô biên của bên này. Trịnh Giác Mật, người đàn ông với khuôn mặt sạm nắng và đôi mắt sắc lạnh của kẻ vốn quen với quyền lực, giờ đây đang xoay xoay mảnh giấy trong tay. Đó là bức thư từ triều đình Đại Việt vừa được sứ giả mang đến.
"Vua Trần phái Chiêu Văn Vương đích thân đến gặp ta," – Giác Mật nhếch môi – "Thú vị thật."
Tướng Mán đứng bên cạnh, vẻ mặt đầy cảnh giác: "Chúa công, có thể đây là kế điệu hổ ly sơn. Nếu ngài rời khỏi đây, quân triều đình sẽ xông vào bất ngờ."
"Không hẳn vậy" - Giác Mật lắc đầu - "Ta có tai mắt ở khắp nơi. Nhà Trần chưa điều động đại quân. Họ đang bận lo đối phó người Nguyên."
"Vậy có thể là âm mưu ám sát!" - Một tướng khác xen vào - "Cho người theo hộ vệ Chiêu Văn Vương, nhưng thực ra là một sát thủ."
Giác Mật trầm ngâm một lúc. Ông ta đã làm chúa đất Đà Giang đủ lâu để không dễ tin vào bất cứ điều gì. Thế nhưng lần này, có điều gì đó trong bức thư khiến ông ta do dự.
"Chiêu Văn Vương... Trần Nhật Duật..." - Giác Mật lẩm nhẩm - "Các ngươi biết gì về người này?"
Các tướng lĩnh đưa mắt nhìn nhau. Một người già nhất, tóc đã pha sương tiến lên nói:
"Thưa chúa công, hạ thần đã từng đến Thăng Long, có nghe danh Chiêu Văn Vương. Ngài ấy là hoàng tử thứ sáu của Thái Tông, em của Thượng hoàng Thánh Tông và Tĩnh Quốc Đại Vương Trần Quốc Khang, chú ruột của đương kim Hoàng đế. Nhưng điều lạ là ngài không như những vương gia khác."
"Lạ thế nào?" - Giác Mật tỏ vẻ chăm chú.
"Ngài ấy... thạo tiếng Man, tiếng Chiêm, tiếng Nguyên và cả những phương ngữ mà không mấy ai trong triều đình biết. Nghe đâu, khi sứ thần các nước đến, chính ngài làm thông ngôn, không cần người phiên dịch."
Một tướng lĩnh trẻ xen vào, giọng khinh miệt: "Chẳng qua là một kẻ hay chữ, giỏi bắt chước ngoại ngữ mà thôi. Sao triều đình lại phái một người như vậy đến đây chứ?"
Vị quan già lúc nãy lắc đầu lên tiếng: "Không đơn giản thế đâu. Nghe nói năm xưa, khi sứ Chiêm Thành đến nước ta, không ai hiểu họ muốn nói gì. Chiêu Văn không chỉ nói chuyện với họ bằng tiếng bản xứ, mà còn hiểu rõ phong tục, cách ăn uống, cách hành lễ của nước họ. Lúc đó sứ Chiêm đã khóc, bảo rằng gặp được ngài như gặp được người đồng hương ở nơi xa lạ."
Một người tỏ vẻ khinh nhờn, to tiếng bảo: “Phong tục của chúng ta e rằng dân kinh thành phải tập luyện mười năm mới theo kịp được, hắn ta học cách mấy cũng không nổi đâu. Triều đình là kẻ địch không phải là anh em của chúng ta.”
“Phải, phải đó, chắc chắn là vậy” nhiều người đồng thanh theo.


Chỉ có chúa công là còn hoài nghi, bèn ra hiệu lệnh cho ông ta: “Ông nói tiếp đi”
Căn lều bỗng nhiên im lặng. "Ta còn nghe," – người đó tiếp tục – "Rằng trong phủ Chiêu Văn không có roi vọt để đánh gia nô. Ngài ấy nói, người ta không phải trâu ngựa, sao có thể dùng roi da mà đánh được? Và nếu đánh, bao giờ cũng vạch tội rõ ràng để người ta biết vì đâu mà chịu phạt."
Giác Mật chậm rãi vuốt râu, ánh mắt xa xăm, bất chợt xuất hiện một nụ cười nhạt hiện lên môi ông. "Không ngờ triều đình lại phái một kẻ quá nhân từ này đến đây. Mà người nhân từ thì sẽ không triệt để diệt trừ chúng ta, trái lại còn có điểm yếu mà chúng ta có thể lợi dụng được. Mọi người nghĩ xem, nếu ta bắt sống vị vương gia này, dùng làm con tin để đòi độc lập cho Đà Giang có phải rất tốt không."
"Chúa công," - người già cẩn trọng - "Có điều này, lão e rằng... vị vương ấy không dễ lừa đâu. Ngài ấy vừa là vương tử, lại thông hiểu bao dân tộc, tất biết rõ cách ứng đối."
Căn lều rơi vào trạng thái im bặt một lần nữa. Bóng đuốc trong góc xa xôi nhảy múa trên tường như muốn tạo ra những hình thù quái dị. Trịnh Giác Mật đứng dậy, bước đến bên khung cửa sổ nhỏ nhìn ra ngoài trời đêm đen. Những vì sao xa xôi lấp lánh trên bầu trời đen giờ đây như con mắt của thần linh đang theo dõi.
"Gửi thư cho Chiêu Văn Vương," - cuối cùng Giác Mật lên tiếng - "Mời ngài đến, muốn nói gì thì hãy đến đây, nhưng phải một mình một ngựa. Bảo rằng nếu ngài đến một mình, ta sẽ quy phục."
Các tướng lĩnh xôn xao. Có người lo lắng: "Chúa công, nếu vương gia không đến thì sao?"
“Thì chúng ta chuẩn bị cất quân tiến đánh triều đình đúng như kế hoạch, nếu vậy là không hoàn thành sứ mệnh, Chiêu Văn Vương không thể không đến” Chúa Đà Giang từ tốn trả lời.
“Vậy nếu Chiêu Văn Vương có đến...nhưng cho quân tiến đánh thì thế nào?” Một vị tù trưởng thận trọng lên tiếng.
"Nếu triều đình muốn hại ta, họ đã điều quân từ lâu rồi, chứ không phái một vương gia cao quý đến đây mạo hiểm," - Giác Mật lắc đầu - "Ta cũng sẽ cho quân phòng bị tình huống xấu nhất, chỉ là muốn xem thử nếu hắn không giao chiến, thì làm sao có thể thoát khỏi mưu kế của ta?”
"Và nếu ngài ấy dám đến một mình và không để ngài bắt được" - người già nói - "Thì ta sẽ làm gì?"
Giác Mật nhìn ra bóng đêm mênh mông, giọng trầm tư: “Nếu Chiêu Văn Vương thật sự đến một mình mà có thể thoát ra được, thì ta sẽ quy hàng."
Ánh mắt các tướng lĩnh ánh lên nỗi ngờ vực, nhưng không ai dám cãi lại chúa đất. Còn đối với Giác Mật, câu nói cuối cùng chẳng qua chỉ là lời nói bông đùa, nhưng sau này lại ứng nghiệm thật sự.
Bức thư được soạn ngay trong đêm và gửi đi trước bình minh, như một lá bài đã được mở ra, như một hạt mầm đã được gieo xuống. Không biết nó sẽ mang lại một vận may hay họa diệt vong cho đất Đà Giang.
Mời các bạn xem tiếp phần 2: Trần Nhật Duật thu phục chúa đạo Đà Giang Giác Mật phần 2
Nguồn tham khảo: Chiêu Văn Vương Trần Nhật Duật
(Mọi chi tiết trong bài đều do mình tưởng tượng thôi nhé ^-^)
truyện tranh về trần nhật duật


Khuyến cáo: mọi người nên tìm hiểu kỹ thêm về sản phẩm trước khi đặt mua nhé. Bên mình đã cố gắng chọn lọc các sản phẩm chất lượng nhưng cũng không thể đảm bảo được hết và cũng tùy thuộc nhà sản xuất nữa, mong mọi người thông cảm. Nếu chưa tin tưởng thì cũng đừng quyết định mua quá sớm nhé!
Comments
Nơi Trang cập nhật các thông tin giải trí thú vị hài hước về kinh tế xanh, các giải pháp vì môi trường và sự phát triển bền vững ở Việt Nam và trên khắp thế giới