Chuyện Tư Tình Trong Cung Cấm Của Vợ Vua Trần Anh Tông Phần 1

ĐOÀN NHỮ HÀI.

Tự nhiên yêu Trang

4/21/202515 phút đọc

Có bao giờ bạn tự hỏi, giữa ba nghìn nghề nghiệp, điều gì khó hơn việc làm vua? Thưa rằng, khó hơn cả việc làm vua, chính là việc... làm bạn với vua.

TIẾNG SÉT ÁI TÌNH VỚI...VỢ VUA

Tháng Ba năm ấy, khi hoa ngô đồng vừa chuyển sắc và gió đông vẫn lẩn quẩn như kẻ thất tình chẳng chịu đi, Đoàn Nhữ Hài - chàng trai hai mươi tuổi khôi ngô anh tuấn với cái danh chưa “tốt nghiệp” khoa cử - được nhận vào cung với chức Ngự sử Trung tán. Đây là chức vụ làm việc ở Ngự Sử Đài mà bao lão sinh đã mòn người trên ghế mà học, nhuộm trắng mái đầu vẫn chưa với tới, thế mà cậu ta bước vào như đi chợ.

Nguyên do là trước đó không lâu, vua Trần Anh Tông một hôm quá chén, Thượng hoàng Trần Nhân Tông về kinh cũng không nghênh tiếp nên khiến phụ hoàng rất đỗi tức giận. Buổi chiều vua tỉnh, vì rất ân hận về thói say xỉn của mình đã làm cha phiền lòng nên người nhờ Nhữ hài viết một bản tấu chương thật hay tạ tội. Sau đó, chàng ta đã viết một bài văn mượt đến mức Thượng hoàng vừa đọc xong cũng muốn tha cho đứa con bất hiếu tạm thời của ngài.

“Nếu có một nghề lên lương nhanh nhất trong thiên hạ, thì đó không phải là lái buôn hay đạo tặc, mà chính là làm bạn với thiên tử" Nhữ Hài thường đùa với những người bạn văn chương của mình như thế, ấy mà cũng làm họ ghen tím mặt.

Thế là từ đây, sự nghiệp của chàng như diều gặp gió, như nước thủy triều, như mới gặp thời, hứa hẹn một tiền đồ tiếng tăm lừng lẫy ở trong... đại lao.

Dân gian vẫn lưu truyền câu "miệng còn hôi sữa" để chỉ những chàng trai còn trẻ như măng. Nhưng với Nhữ Hài, vì bị người ta ghen ghét tuổi trẻ kém tài mà ngồi chức lớn nên bị đồng liêu có tuổi gọi là "miệng còn hôi sữa, nhưng tài phét lác đã thượng thừa".

Với chức trách Ngự sử Trung tán, chàng ra vào cung cấm như chốn nhà riêng. Nếu cái lưỡi không xương nhiều đường lắt léo của chàng là chiếc thang đưa chàng lên cao, thì đôi mắt sáng như sao của chàng lại là cái bẫy khiến chàng sa chân vào bể tình - thứ vũng nước sâu mà trong cung cấm, chỉ cần nhúng nhẹ vào thôi là cũng đủ để... bay đầu.

Nàng Giao Châu, mới mười sáu cái xuân xanh, là một cung phi mà vua Anh Tông mới nạp vào cung được khoảng sáu tháng. Nhan sắc của nàng không đến nỗi làm sụp đổ thành trì hay chìm tàu đắm ghe, nhưng có một nét u buồn như trăng khuyết, khiến ai nhìn vào cũng muốn... dỗ dành, thật là xao xuyến không thôi. Nhưng đáng buồn thay, dù đã nửa năm trong cung, nàng chưa một lần được vua triệu đến long sàng.

Đối với một vị vua có hậu cung đông đúc như lễ hội Xuân, việc Anh Tông "quên" một vài cung phi cũng chẳng có gì lạ. Ngay cả Văn Đức phu nhân - người từng được sắc phong làm Thái tử phi khi nhà vua còn là Đông cung thái tử - còn bị phế đi cho đỡ "chật chỗ", huống chi là một phi tần không mấy nổi bật như Giao Châu.

Số phận run rủi thế nào, những hành lang dài nơi cung cấm không ngờ lại tạo nên những cuộc gặp gỡ định mệnh. Nhữ Hài vốn là người hay lang thang trong cung để tìm cảm hứng cho những bài văn trau chuốt, thì số phận đã đưa đẩy chàng gặp nàng Giao Châu trong một ngày mưa phùn.

MỐI TÌNH OAN NGHIỆT GIỮA ĐOÀN NHỮ HÀI VÀ GIAO CHÂU

Đoàn Nhữ Hài gặp vợ vua Trần Anh Tông
Đoàn Nhữ Hài gặp vợ vua Trần Anh Tông

Sau những câu hành lễ sáo rỗng ban đầu, hai người định lướt đi, nhưng rồi như có một sức hút vô hình - hoặc có thể là sức hút của nhan sắc hữu hình - chàng ngẩng đầu lên gặp nàng và bốn mắt chạm nhau.

Trong thế giới của những quy tắc ngặt nghèo và lễ giáo khắt khe, chỉ cần một ánh mắt đã là quá đủ để khơi dậy nên ngọn lửa cấm đoán. Mà ngọn lửa ấy, một khi đã cháy lên, không triều đình nào, luật lệ nào có thể dập tắt.

GIẤY KHÔNG GÓI ĐƯỢC LỬA

Những cuộc gặp gỡ "tình cờ" dần trở nên thường xuyên đến mức chẳng còn gì là tình cờ nữa. Có lẽ, ở một góc khuất nào đó của tâm hồn, cả hai đều biết rằng họ đang bước đi trên lằn ranh giữa sự sống và cái chết. Nhưng trái tim thì đâu có nghe theo lý trí bao giờ? Nếu có, thì đã chẳng còn chuyện để kể.

"Văn chương của Đại nhân thật là tinh tế," Giao Châu nhận xét khi được đọc một bài thơ Nhữ Hài sáng tác. "Như mưa xuân rơi trên lá, nhẹ nhàng mà thấm đẫm."

"Nương nương quá khen, thật ra thơ của thần chỉ như gió thoảng qua cành, không lưu dấu vết. Nếu được như mưa xuân, đó là do có người đọc hiểu... đọc bằng cả trái tim."

Họ trao đổi với nhau những vần thơ, những câu đối. Ban đầu là những câu thơ văn nhã như: "Trăng sáng soi đèn, gió mát đưa thơ", nhưng dần dần, những câu thơ trở nên táo bạo hơn, ẩn chứa những tình cảm không thể chôn giấu: "Đêm khuya trăng lặn, ai còn thao thức?". Và dĩ nhiên, người thao thức không phải là nhà vua rồi.

Cái gọi là "tư thông" giữa họ, thực ra chỉ là những buổi gặp gỡ trò chuyện về văn chương, những ánh mắt đầy tình cảm, và đôi khi, là một cái chạm tay vội vàng khi trao đổi quyển sách mỏng. Nhưng trong cung cấm thưở ấy quy định trùng trùng, ngay cả việc đơn giản như thế cũng đủ để khép vào tội chết.

Và rồi, như người xưa vẫn nói, "giấy không gói được lửa". Một hôm, khi Nhữ Hài đang ngâm thơ cho Giao Châu nghe trong một góc vắng của vườn ngự uyển, một cung nữ đã vô tình bắt gặp. Và như thường lệ trong cung đình, tin đồn lan nhanh hơn cả lửa cháy rừng.

Đoàn Nhữ Hài tư tình với Giao Châu
Đoàn Nhữ Hài tư tình với Giao Châu

Chỉ trong một đêm, cả triều đình xôn xao về mối quan hệ giữa vị Ngự sử Trung tán trẻ tuổi và một cung phi của nhà vua. Ngay trong đêm đó, cả triều đình đã sôi sục như nồi cháo hầm. Tin tức nóng đến mức độ không ai có thể ngủ được. Thậm chí mấy lão thần ngày ngày căm ghét Nhữ hài cũng tranh thủ hẹn nhau ra bàn bạc trong đêm sương gió lạnh mà chủ đề vẫn không “hạ nhiệt”. Ai cũng mong trời sáng mau để họp nhau lại “ném đá” Nhữ Hài. Những kẻ “cơ hội” ấy ắt hẳn đã tưởng tượng ra cái cảnh Nhữ hài bước tới pháp trường, khóc lóc ôm hận mà xuống gặp diêm Vương, thế là cả bọn vui cười cùng nhau rất là đắc chí.

QUAN NGỰ SỬ CHUYÊN ĐI HẠCH TỘI GIỜ BỊ HẠCH TỘI

Buổi thượng triều khẩn cấp cũng đến, các vị quan kém cỏi bắt đầu lôi ra cái câu "miệng còn hôi sữa" để chỉ trích Nhữ Hài, cho rằng chàng là kẻ vô ơn, phụ lòng tin của Quan Gia.

"Thần tham tấu Đoàn Nhữ Hài, kẻ mà bệ hạ vừa ân sủng trọng dụng, đã phạm tội tày trời - tư thông với phi tần Giao châu, thật là không ra thể thống gì!" Lễ bộ Thị Lang cất cao giọng, khuôn mặt ông ta đỏ bừng như vừa uống vài cân rượu cho đủ can đảm. Uống là phải rồi, ngày thường ai mà dám động đến Nhữ Hài - sủng thần của nhà vua đâu nhỉ?

"Miệng còn hôi sữa mà dám làm chuyện đại nghịch bất đạo!" Một vị quan tam phẩm khác bắt đầu phụ họa. Ông vốn là người luôn ghen tị với tài năng chớm nở của Nhữ Hài. "Làm quan ở Ngự sử đài, có trách nhiệm can gián Quan gia mà rốt cuộc ra bản thân lại không giữ được hai tiếng trong sạch, như thế là coi thường pháp độ triều đình, không thể dung tha!"

Một vị quan khác chẳng ai biết tới nhưng cũng không thể bỏ qua “hiệu ứng đám đông” rất là náo nhiệt: "Giao Châu là người của Quan gia, mà hắn dám tơ tưởng đến, chẳng khác nào làm nhục thánh thể! Nếu không xử đến cùng, chỉ e sau này có kẻ lặp lại, thế thì mặt mũi hoàng thất biết để ở đâu?"

"Khi nhận chức, hắn đã thề trung thành với triều đình và tuân thủ vương pháp . Nay làm ra chuyện này, thật sự đã phụ ơn của Quan gia như trời bể với một tên không qua thi cử như hắn!" Một lão thần tóc bạc phơ nghiêm giọng chua chát.

Vua Trần Anh Tông ngồi trên long ỷ, lặng lẽ lắng nghe. Trong lòng ngài thật sự rất giận, giận vì Nhữ Hài lại làm ra chuyện quá đáng như vậy, biết pháp phạm pháp. Đáng trách hơn nữa là hắn lại phạm vào cái tội mà đấng tối cao trong triều đình như ngài cũng cứu không xong. Làm vua đâu phải là trên hết, trên vua còn có vương pháp, còn có đạo nghĩa và đặc biệt là quy tắc tổ tông.

Thấy nhà vua im lặng không nhúc nhích, đám đông ở dưới vẫn không dừng lại. Được nước lấn tới là đây chứ đâu?

"Tâu bệ hạ, theo luật triều đình, tội tư thông với cung phi phải chịu tội chết. Cả hai người không thể nào thoát!" Hình bộ Thị Lang nghiêm nghị tâu, tay cầm sổ hình luật đã chuẩn bị trước. Cuốn sổ này cả năm không thấy vị quan nào đọc, giờ lại được lôi ra nhanh nhảu để “tranh cử” một bản án tử, đúng là “trăm năm bia đá thì mòn, nghìn năm bia miệng vẫn còn trơ trơ”

Anh Tông không chịu được nữa, nhíu mày lại, ngài lần đầu cất tiếng lên để thăm dò: "Nhữ Hài là kẻ có tài, đã lập nhiều công lao với triều đình. Trẫm nghĩ..."

"Quan gia!" Một đại thần ngắt lời, điều hiếm khi xảy ra trong triều. "Nếu người dung túng cho Nhữ Hài, e rằng kỷ cương triều đình sẽ không thể giữ. Người người sẽ nghĩ rằng chỉ cần có tài, có được lòng tin của Quan gia là có thể làm điều sai trái mà không bị trừng phạt!"

Sau đó là một tiếng xì xào lớn và vài câu phản đối nữa, nghe mệt đến ù cả tai.

Nhà vua ngáp ngắn ngáp dài nghe những người hạch tội Nhữ Hài mà cứ như đang chỉ trích mình. Chẳng phải chính Quan gia đã ân sủng tuyệt đối với Nhữ Hài, phá bỏ mọi quy tắc cho hắn thăng quan tiến chức nhanh như gió sao? Giờ hắn gây ra chuyện, liên lụy đến ngài, còn bắt một vị vua phải vừa làm nạn nhân, vừa là phán quan mà cũng là kẻ chịu luôn liên đới trách nhiệm. Việc này mà giải quyết không xong, e rằng chính Quan gia cũng bị hạ uy tín trong lòng chúng dân.

Đoàn Nhữ Hài bị luận chém trước vua Trần Anh Tông
Đoàn Nhữ Hài bị luận chém trước vua Trần Anh Tông

"Các khanh nói đúng," Anh Tông bất giác “chuyển phe” nhanh nhạy. "Nhữ Hài thật là đáng trách. Ỷ lại vào vài công cán nhỏ mà đã dám làm chuyện tày trời thế này!"

Bất chợt triều đình im bặt, không ai hiểu vì sao quan gia ngày thường cứng đầu bảo vệ Nhữ Hài đến thế mà nay quay ngoắt 360 độ không bênh hắn nữa. Phải chăng lần này Nhữ Hài đã đụng đến hậu cung của ngài, thực là hỗn láo quá rồi! Ngài chưa giận vì cái uy nghiêm của bậc thiên tử không cho phép vậy, chứ trước sau gì ngài cũng phẫn nộ vì cái sự phản bội này thôi.

"Trẫm đã tin tưởng ban cho hắn chức cao, vậy mà hắn lại làm ra chuyện sai trái. Không chỉ phạm luật triều đình mà còn phụ lòng tin của Trẫm. Trẫm chắc chắn sẽ xử nghiêm Nhữ Hài, mọi người cứ chờ mà xem!"

Dáng vẻ quyết tâm của Quan gia khiến cả triều bỗng chốc im ắng như chùa bà đanh. Thế rồi thôi không ai dâng tấu nữa, chuẩn bị bãi triều. Nhà vua trông thấy thật mừng hết lớn, cuối cùng đã được giải thoát khỏi chức vụ “Diêm Vương” bị bắt xử tội Nhữ Hài.

Vậy là có lệnh tạm giam Nhữ Hài và Giao Châu để chờ phán quyết. Ai trở về nhà nấy. Mấy kẻ ác ý còn kháo nhau rằng nên đóng cho Nhữ Hài cái quan tài mấy phân, mà thôi tên đó ngày thường ở Ngự Sử Đài làm khó mọi người dữ lắm, cứ lôi lỗi lầm kẻ này rồi đến kẻ kia, không đáng để được dày công phúng điếu thế đâu!

NGƯỜI NGOÀI LAO KHÁC GÌ NGƯỜI TRONG LAO

Sau buổi chầu, Anh Tông lui về hậu điện, tâm trạng nặng nề. Nhưng ngài lại không buồn vì bị “phản bội” như lời họ nói, mà sầu khổ vì không kiếm ra được đường lui cho Nhữ Hài. Vị quan Ngự Sử Đài này không chỉ là một bề tôi thân tín mà còn là bằng hữu hiếm hoi mà ngài có thể cùng đàm đạo văn chương thi phú. Kết bạn với Nhữ Hài, ngài tìm được sự giải thoát khỏi những gánh nặng của ngôi vị đế vương, vì có người tài để san sẻ cùng, có người sáng để mà bầu bạn. Còn Giao Châu... thực ra ngài chẳng có tình cảm gì đặc biệt với nàng.

Lấy tính mạng hai người để đổi lại một chút luật lệ trong triều, liệu có đáng không? Hơn ai hết, nhà vua hiểu rằng tìm người trung thực làm quan Ngự Sử không phải điều dễ, nếu phế đi rồi, liệu sự thật trên thế gian này có bị đám mây mờ trong cung che lấy mất không? Trong lòng ngài điều đang giằng xé, chính là khúc mắc này.

Trong cơn tuyệt vọng, ngài miên man thế nào lại nghĩ đến Huệ Túc Thái Phu Nhân - một người nổi tiếng với trí tuệ và lòng nhân hậu, cũng là một trong những trưởng bối đáng kính của ngài.

"Truyền lệnh mời Huệ Túc Thái Phu Nhân đến gặp Trẫm ngay," ngài ra lệnh cho cận thần.

Khi chỉ còn một mình, Anh Tông thở dài nặng nhọc: "Nhữ Hài, ngươi thật là hồ đồ! Tại sao lại tự đẩy mình vào chỗ chết như vậy? Lời thật mất lòng, khanh bị bao nhiêu người ghét cũng có lý do, Trẫm đều hiểu hết, nhưng làm sao Trẫm cứu được khanh từ dưới vực lên?"

Mời bạn xem tiếp phần 2: Mối tình tay ba giữa vua Trần Anh Tông, Giao Châu và Đoàn Nhữ Hài

(Các đoạn đối thoại đều do mình tưởng tượng thôi nhé ^-^)

Comments

Nơi Trang cập nhật các thông tin giải trí thú vị hài hước về kinh tế xanh, các giải pháp vì môi trường và sự phát triển bền vững ở Việt Nam và trên khắp thế giới

truyện về môi trường