Âm Mưu Lập Thái Tử Nhà Trần: Bí Mật Triều vua Trần Minh Tông phần 1

TRẦN QUỐC CHẨN 1.

Tự nhiên yêu Trang

4/28/202514 phút đọc

LƯỠNG LỰ LẬP TRƯỞNG

Mùa xuân năm Khai Thái thứ 5 (1328), mưa phùn giăng mắc trên kinh thành Thăng Long như một tấm màn trắng đục. Gió bấc thổi lất phất, thấm lạnh vào xương các quan văn võ đang tề tựu trong điện. Hôm nay, triều đình nhà Trần họp bàn một vấn đề vô cùng hệ trọng - việc lập Thái tử.

"Tâu Quan gia, Thần cho rằng việc lập thái tử nên chờ thêm đã" Quốc Phụ Trần Quốc Chẩn cất tiếng, giọng vang như chuông đồng. "Thai nhi trong bụng Hoàng hậu là huyết mạch chính thống của hoàng tộc. Nếu sinh ra là hoàng tử thì việc lập người nối ngôi cũng chưa muộn”

“Nếu lỡ như, Lệ Thánh hoàng hậu sinh ra là một công chúa thì sao?” Văn Hiến Hầu - con trai của Tá Thánh Thái Sư Trần Nhật Duật hỏi lại.

Vua Trần Minh Tông ngồi trên ngai vàng, im lặng lắng nghe, gương mặt phảng phất nét âu lo. Mười lăm năm trị vì, nhà vua đã bước sang tuổi tứ tuần mà vẫn chưa định được người kế vị. Hoàng Tử Trần Vượng, con trai của ông với Anh Tư Nguyên Phi thì nay đã lớn, có thể lập tạm làm thái tử nhưng cha vợ ông, Quốc Phụ Thượng Tể có vẻ không chịu.

Trần Quốc Chẩn xoay người sang, không ngại câu nói của người cùng họ: “Lệ Thánh Hoàng hậu là dòng chính thống họ Trần, trước sau gì cũng sẽ sinh ra hoàng tử. Không lẽ trong thiên hạ còn có đạo lý gì cao hơn việc tôn trọng dòng dõi đích truyền?

Văn Hiến Hầu cười nhạt: “Ngài đã quên mất thân thế của Quan gia sao? Ngài nói như vậy là có ý gì?”

Trong triều phút chốc đã lên đến đỉnh điểm. Quốc Chẩn không ngờ đã vô tình nói chạm vào xuất thân của vua Minh Tông. Cả cung điện nín thở chờ vua lên tiếng.

Bí Ẩn Đằng Sau Cuộc Tranh Cãi Lập Thái Tử Dưới Triều Trần Minh Tông

Trần Minh Tông và Quốc Phụ Quốc Chẩn Trong Cung Điện
Trần Minh Tông và Quốc Phụ Quốc Chẩn Trong Cung Điện

“Trẫm là con trai của mẫu phi, Huy Tư Hoàng Phi trước đây, mẫu thân trẫm không phải là Bảo Từ Thuận Thánh Thái Hậu. Nhưng vì thái hậu năm xưa khó sinh, nên Thượng Hoàng (Trần Anh Tông) mới quyết định lập trẫm kế vị, chứ không phải Thượng hoàng đã bỏ qua tôn ti trật tự, Văn Hiến Hầu không cần làm khó nhạc phụ của trẫm như vậy” Minh Tông trả lời.

Nhìn thấy Quan gia nói đỡ cho mình như thế, Quốc Chẩn cũng cảm thấy được an ủi phần nào. Hơn nữa, Lệ Thánh hoàng hậu là con gái ruột của ông được gả cho nhà vua, tất nhiên ông phải dành những điều tốt đẹp nhất cho con gái rồi.

“Thần cảm tạ Quan gia đã hiểu cho, thần chỉ muốn nói rằng, phận đích tôn không thể để chi thứ chiếm mất. Đó là quy luật tổ tông của triều ta và vẫn còn được truyền lại đến tận bây giờ”

Văn Hiến Hầu lại mỉm cười nhạt, mắt lóe sáng như dao sắc, đáp lời: "Quốc Phụ quả nhiên am hiểu quy chế. Nhưng thần xin thỉnh giáo - quốc gia không thể thiếu người kế nghiệp, như là thuyền không vững ở giữa biển khơi, chỉ cần một cơn sóng lớn cũng làm ngập nước. Nay Hoàng tử Vượng đã mười sáu tuổi, văn võ toàn tài. Tại sao phải đợi một đứa trẻ chưa biết là nam hay nữ chào đời, lỡ dỡ chuyện lập thái tử trong khi hiểm họa có thể ập đến bất cứ lúc nào?

Trong không khí căng như dây đàn đó, Trần Quốc Chẩn - vị đại thần từng hai lần dẹp giặc Chiêm, chỉ hơi nhướng mày, giọng trầm xuống tỏ vẻ nguy hiểm:

"Chậc chậc, thú vị thay! Văn Hiến Hầu nói như thể nước nhà đang bên bờ vực thẳm. Ta hỏi ngươi, có giặc ngoài nào đang đe dọa biên cương? Hay có kẻ nào trong triều đang mưu toan bất chính? Hay là... Văn Hiến Hầu đang mong nước nhà có biến, để tự mình đề xướng việc làm?"

Văn Hiến Hầu biến sắc, bàn tay vô thức siết chặt viền áo, nhưng nhanh chóng trấn tĩnh: "Quốc Phụ đừng quên lời răn của tiên đế: 'Sinh con không dạy, lỗi ở cha. Lập ngôi không sớm, họa cho nước.' Mười lăm năm trì hoãn việc lập Thái tử, đó chẳng phải điềm lành gì!

Trong khoảnh khắc này, Trần Khắc Chung - vị quan già dạn dày mưu lược - khẽ lên tiếng:

"Tâu Quan gia, cổ nhân đã dạy: nước không thể một ngày không vua, triều không thể một ngày không có người thừa kế. Còn một lời nữa, kính xin Quan gia ghi nhớ: 'Đợi trăng sáng vào đêm rằm, có khi mây đen che phủ; đợi con thơ khôn lớn, có khi phụ mẫu đã mệt tâm.' Chi bằng lập Đông cung ngay hôm nay, để yên lòng dân, vững gốc nước, tỏ rõ kẻ trung người nịnh!"

Trần Quốc Chẩn bật cười lạnh lùng, tiếng cười như băng tan từ từ vỡ: "Thiếu Bảo ngài quả là khéo dùng từ. Mây đen ư? 'Kẻ trung người nịnh' ư? Ai là mây đen, ai là người nịnh? Ngài đang ám chỉ điều gì? Hay là đang ngầm mong điềm không lành đối với Hoàng hậu?

Trần Khắc Chung cẩn thận đáp lời: “Thần không có ý đó”

“Thật tò mò làm sao, kẻ đánh Chiêm Thành như ta lại bị kẻ chưa từng ra trận như ngài nghi ngờ lòng trung!" Quốc Chẩn chua chát nói.

Cả triều đường im lặng như tờ. Khắc Chung không nao núng, đôi mắt sắc sảo quay nhìn sang ông:

"Người quá lời rồi. Thần chỉ nói lên lẽ thường tình. Thiên hạ đại sự, há nên đặt trên sự may rủi của một lần sinh nở? Hay là Quốc Phụ có nỗi lo riêng mà không tiện nói? Sợ rằng một khi Thái tử được lập, quyền uy Quốc Phụ sẽ giảm sút chăng?"

Vua Minh Tông xua tay, sắc mặt tái nhợt: "Đủ rồi! Trẫm không muốn nghe thêm những lời như thế này nữa! Trẫm sẽ cân nhắc kỹ lưỡng về việc lập Thái tử. Tạm hoãn triều nghị hôm nay đi!"

Khi các quan dần rời khỏi điện, Trần Quốc Chẩn nán lại. Ông quỳ xuống, nhìn lên nhà vua - người vừa là cháu vừa là con rể:

"Quan gia còn nhớ lời của Tiên hoàng (Trần Anh Tông) không? Năm đó khi Tiên hoàng không khỏe, người ngày đêm ở luôn ngoài cửa phòng ngủ của ngài, nhưng mỗi khi vào thăm thì ngài đều luôn muốn thần đi cùng Quan Gia. Tiên hoàng thật sự đã đem Quan gia phó thác cho thần, vì tin tưởng thần hơn cả. Và vì thần cũng là hoàng đệ ruột của Tiên hoàng. Xin người hãy nhớ, hành động của thần trong ngày hôm nay, đều là vì không muốn phụ lại sự phó thác của Thượng hoàng người năm xưa.

“Quốc phụ à...” Minh Tông chợt muốn nói gì đó, nhưng lại thôi.

“Bao nhiêu năm qua, thần đều nhớ về sứ mệnh của mình, phải gìn giữ huyết thống chính thất của nhà Trần ta. Vậy nên, xin Quan gia đừng vội vàng quyết định việc trọng đại này mà chưa suy nghĩ thấu đáo"

Minh Tông thở dài, ánh mắt thoáng xao động: “Quốc Phụ, chính vì nhớ ơn của người mà trẫm vẫn nghe lời người. Nhưng triều thần đang sục sôi, lòng người chưa định. Hãy cho trẫm thêm thời gian...”

GÀI BẪY ĐẠI VƯƠNG

Trời đổ mưa nặng hạt khi một người mặc chiếc áo choàng đen đến gặp Trần Phẫu - gia thần thân tín của Quốc Phụ Thượng Tể Trần Quốc Chẩn - tại một căn phòng kín đáo. Từng đốm lửa trong đèn lồng như đang nhảy điệu nhảy của tử thần, từ từ hắt lên những gương mặt đang thì thầm bày mưu tính kế .

Văn Hiến Hầu Thuyết Phục Trần Phẫu
Văn Hiến Hầu Thuyết Phục Trần Phẫu

"Một trăm lạng vàng," Ông ta đẩy chiếc hộp gỗ trầm hương về phía Trần Phẫu, giọng rất nhỏ: "Không chỉ vàng - sau này, ngươi sẽ là Trưởng cấm quân của Đông cung. Một người tầm thường như ngươi, có ngày được phong chức, con cháu hưởng lộc đời đời. Ngươi thấy thế nào, đáng giá chứ?"

Trần Phẫu nuốt nước bọt, bàn tay run rẩy chạm vào hộp vàng, lòng như có lửa đốt: "Nhưng... Đại vương đối với tôi như phụ thân... Tôi đã theo người từ khi còn là đứa trẻ ăn xin ngoài chợ..."

Ông ta mỉm cười nhạt, ánh mắt lạnh như băng: "Ngươi theo ông ấy nhiều năm như vậy lại không có được cái chức gì, không lẽ không ấm ức? Nghĩa phụ nếu không để lại chút tài sản gì cho con cái, cũng không cất nhắc, như thế có phải đạo không? Xem ra ngươi xem ông ấy là cha, chứ ông ấy không xem ngươi là con mình.”

Hắn có hơi dạo động. Người đó tiếp lời: “Ta không kêu ngươi đi phản chủ, ta chỉ là giúp ngươi lập công cho triều đình. Đây là báo đáp nước nhà! Ngươi đang cứu nước khỏi một kẻ mưu phản”

"Mưu... phản?" Trần Phẫu cau mày, tận sâu trong mắt hiện lên tia nghi hoặc.

"Đúng thế!" Người bí ẩn trầm giọng, như thể đang tiết lộ một bí mật khủng khiếp. "Ai cũng thấy Quốc Phụ đang ngăn cản việc lập Thái tử. Tại sao? Vì ông ta muốn đợi đến khi con gái sinh con trai, rồi một ngày kia... tự mình làm nhiếp chính vương! Khi ấy, mọi quyền lực sẽ nằm trong tay của Trần Quốc Chẩn chứ không phải Quan gia nữa!"

Trần Phẫu tái mặt, mắt đảo hoảng: "Nhưng phải có bằng chứng... Nếu không, cho dù ngài là tôn thất đại thần cũng chẳng ai tin lời ngài nói..."

"Chính vì thế mà ta cần đến ngươi," Ông kề sát vào tai Trần Phẫu, thì thầm: "Ta đã chuẩn bị sẵn một bức mật thư giả, với con dấu của sứ Chiêm. Ngươi chỉ cần đặt nó vào hành trang của Quốc Phụ, rồi 'vô tình' phát hiện ra trước mặt bệ hạ... Nghĩ xem, khi Quốc Phụ bị xử tội nhưng ngươi, ngươi sẽ được thăng quan tiến chức. Thế nào, ngươi chọn mãi mãi làm nô hay là cơ hội đổi đời?"

Trần Phẫu lắc đầu, mồ hôi lấm tấm trên trán: "Nhưng... nếu sự thật phơi bày..."

"Sự thật?" Người đó cười khẩy. "Sự thật là thứ được định đoạt bởi kẻ chiến thắng. Nếu chúng ta thành công, kẻ duy nhất biết sự thật sẽ là... người chết. Ngươi hiểu chứ?"

Trần Phẫu nhìn vào vàng, rồi nhìn vào mắt của người bịt mặt áo đen, thì thầm: "Tôi... tôi sẽ làm. Nhưng xin ngài hãy bảo đảm an toàn cho tôi... và cho gia đình."

"Dĩ nhiên," Ông ta vỗ vai y, nụ cười không thể nào giả tạo hơn. "Ta sẽ bảo vệ ngươi và gia quyến như là người thân. Chỉ cần ngươi không phản bội ta, nếu không, ngươi sẽ không có kết thúc tốt đẹp đâu!"

Lời vừa dứt, rượu vừa cạn, còn màn kịch? Chỉ là mới bắt đầu.

TÌNH NGAY LÝ GIAN

Ba ngày sau, Trần Phẫu được người quyền cao chức trọng đó bí mật dẫn vào gặp vua Minh Tông. Vừa trông thấy thánh giá, hắn đã kinh hãi kêu lên.

"Bẩm Quan gia! Thần... thần tìm thấy vật này trong hành trang của chủ nhân thần!"

Y run rẩy dâng lên một cuộn giấy có đóng dấu sáp đỏ - dấu hiệu của sứ thần Chiêm Thành. Minh Tông tái mặt, đón lấy cuộn giấy. Khi mở ra, những dòng chữ hiện lên rõ ràng, trong thư nói về một kế hoạch liên minh giữa quân Chiêm và "thế lực trong triều" để lật đổ ngai vàng.

Trần Quốc Chẩn Đối Chất Với Trần Minh Tông
Trần Quốc Chẩn Đối Chất Với Trần Minh Tông

Ngay lập tức Quốc Chẩn được triệu vào cung. Và sau khi nhìn thấy bức thư, và người tâu lên chính là Trần Phẫu, người thân tín của ông, Quốc Chẩn kinh ngạc đến độ không thốt nên lời: "Đây... bệ hạ... thần không..."

Văn Hiến Hầu vội quỳ xuống, giọng đau đớn giả tạo: "Thần đau lòng mà tâu thưa Quan gia: Người mà lắm quyền thì cũng dễ sinh lòng riêng! Quốc Phụ nắm binh quyền bao nhiêu năm, đem con gái gả cho bệ hạ, nay lại ngăn cản việc lập Thái tử... thì ra là có lòng mưu chiếm quyền!"

Trần Quốc Chẩn gầm lên: "Ngươi dám vu khống! Ta đã hai lần đánh Chiêm, huyết thống ta là của hoàng tộc họ Trần! Ta..."

Minh Tông đứng bật dậy, giọng run lên vì phẫn nộ và hoang mang. "Quốc Phụ, người giải thích thế nào về bức thư này?"

"Tâu Quan gia, đây là trò gài bẫy! Xin bệ hạ xét cho thần..."

Mời các bạn xem tiếp phần 2: Âm Mưu Tranh Quyền Nhà Trần: Bí Mật Đằng Sau Vụ Án Trần Quốc Chẩn phần 2

Nguồn tham khảo: Vụ án Trần Quốc Chẩn

(Mọi tình tiết hay đối thoại trong bài đều do mình tưởng tượng thôi nhé ^-^)

Comments

Nơi Trang cập nhật các thông tin giải trí thú vị hài hước về kinh tế xanh, các giải pháp vì môi trường và sự phát triển bền vững ở Việt Nam và trên khắp thế giới

truyện về môi trường