Âm Mưu Tranh Quyền Nhà Trần: Bí Mật Đằng Sau Vụ Án Trần Quốc Chẩn phần 2

TRẦN QUỐC CHẨN 2.

Tự nhiên yêu Trang

4/28/202514 phút đọc

Mời bạn xem lại phần 1 trước khi xem lại phần 2 này nhé: Âm Mưu Lập Thái Tử Nhà Trần: Bí Mật Triều vua Trần Minh Tông phần 1

Đúng lúc đó, một vị quan khác lên tiếng: “Bẩm Quan gia, Quốc Phụ Thượng Tể là người có công đánh thắng quân Chiêm hai lần, nay lại có kẻ nói rằng ngài ấy liên kết địch quân, mưu đồ phản nghịch, thần nghe mà thấy không thông chút nào”

Văn Hiến Hầu quay lại nhìn ông ấy: “Vậy là ngài chưa xem bức thư của Quốc Phụ gửi cho Chiêm Thành rồi. Chiêm Thành từng thỏa thuận để cho Quốc Phụ đánh thắng. Quốc Phụ trong triều thanh danh hiển hách, hậu cung lại có hoàng hậu là con gái người chủ trì. Nay còn có thêm quyền bính trong tay, trước sau gì cũng khó tránh khỏi việc có lòng riêng. Chiêm Thành nuôi con cờ này là để có lợi về sau, chứ nào phải yếu sức đánh thua?”

Quốc Chẩn cố gắng nói trong oan ức: “Quan gia...vu khống...tất cả là vu khống”

Minh Tông đưa cuộn giấy cho vị quan lúc nãy đọc. Vị quan đọc xong, ngước lên nhìn Quốc Phụ với vẻ ngạc nhiên, không dám bao biện nữa.

Ở phía kia, Văn Hiến Hầu cười mỉa mai: “Trước kia cứ tưởng ngài có tài cầm quân mới thắng được trận, hóa ra chỉ là giả vờ giàn xếp cả thôi. Chuyện này nói không ai tin, nhưng là gia nô của ngài đích thân tố cáo. Thì không thể không tin được. Đúng là tri nhân, tri diện, bất tri tâm”

Người bị tố cáo nuốt nước mắt vào trong: “Tấm lòng thần vì nước trước giờ không thay đổi. Thần đã vì triều đình, vì Quan gia liều mình ra chiến trường, ăn sương nằm gió. Kết quả thắng trận rồi bây giờ lại bị phủi hết công lao, còn quy cho thần đại tội tạo phản. Thần thật không có! Chỉ mong Quan gia công tâm tra xét, trả lại trong sạch cho người bị oan như thần”

Bí Ẩn Đằng Sau Cuộc Tranh Cãi Lập Thái Tử Dưới Triều Trần Minh Tông phần 2

Đối Đầu Giữa Minh Tông, Văn Hiến Hầu và Quốc Phụ Quốc Chẩn
Đối Đầu Giữa Minh Tông, Văn Hiến Hầu và Quốc Phụ Quốc Chẩn

Minh Tông quay sang Trần Khắc Chung: "Thiếu Bảo nghĩ sao về chuyện này?"

Khắc Chung chắp tay sau lưng, giọng ông ta trầm trầm, lạnh lẽo như băng:

"Tâu Quan gia, bắt hổ thì dễ, thả hổ thì khó. Hổ đã vào cũi, không thể thả ra rồi lại vờ như không có chuyện gì. Nếu bằng chứng là thật, tha tội sẽ để lại mầm họa. Nếu bằng chứng là giả... thì ai dám đảm bảo sau này sẽ không có bằng chứng thật?"

"Khắc Chung!" Quốc Phụ gầm lên. "Ngươi..."

"Người đâu!" Minh Tông hạ lệnh, giọng đau đớn. "Áp giải Quốc Phụ đến chùa Tư Phúc... giam lỏng cho đến khi tra rõ thực hư!"

CÂN NHẮC THIỆT HƠN

Tối đó, vua Minh Tông đến tìm Trần Khắc Chung để hỏi thêm về việc này. Khắc Chung đứng lặng một thoáng, rồi trả lời:

"Tâu Quan gia, người có thấy mình đang đứng bên cạnh một cây đại thụ và cảm thấy bóng của nó quá lớn không?"

Minh Tông giật mình, ánh mắt thoáng dao động. Rõ ràng cha vợ của người là bậc trụ cột triều đình, đức độ vang xa. Người càng cao quý, bóng càng lan rộng. Nhưng có điều nhà vua chưa bao giờ nói ra - đó là nỗi lo khi đứng cạnh một người mà cả triều đình kính ngưỡng có đôi khi hơn cả hoàng đế. Chí ít là bây giờ, Minh Tông đang có suy nghĩ vậy.

“Ý của khanh là gì?” Minh Tông vờ như không hiểu.

“Từ lâu thần đã lo sợ, cái bóng của cây đại thụ ấy có ngày sẽ che khuất cả mặt trời. Hôm nay nó đã xảy ra. Đó là lí do vì sao thần và Văn Hiến Hầu đều chủ trương lập hoàng tử Vượng lên làm thái tử, dù cho ngài ấy không phải do hoàng hậu sinh ra”

Nhà vua liếc nhìn vị quan này một cái, vẻ mặt không vui. Khắc Chung nhìn sắc mặt của Quan gia, đoán được thánh ý, bèn vội nói thêm: “Chắc hẳn Quan gia đang nghĩ thần là thầy dạy của Hoàng tử Vượng nên mới muốn ngài ấy được lập thái tử. Và từ đó mới cùng với Văn Hiến Hầu phản bác lại Quốc Phụ. Người có thể không tin thần cũng được, nhưng nhất định phải tin Văn Hiến Hầu”

Trần Minh Tông gặp Trần Khắc Chung
Trần Minh Tông gặp Trần Khắc Chung

Câu nói này làm nhà vua chùng xuống một lát, như đã chạm được đúng vào trái tim ngài. Nhớ năm xưa, lúc người vừa được sinh ra nhưng do khó nuôi nên tiên hoàng (tức vua Trần Anh Tông) đã gửi gắm ngài cho Trần Nhật Duật (phụ thân của Văn Hiến Hầu). Ông ấy đã nuôi dưỡng ngài vô cùng chu đáo. Ngoài ra, ông còn đặt tên cho ngài là Thánh Sinh để giống với con trai mình là Thánh An và con gái là Thánh Nô.

Sau đó, khi ngài làm vua, ngài đã phong cho Trần Nhật Duật làm Tá thánh Thái sư đứng đầu triều đình, gia phong đến chức Đại vương. Ngài đã ở lâu bên ông như vậy, thân thiết như nghĩa phụ - nghĩa tử và cũng quen biết với con trai ông trong khoảng thời gian rất dài. Cho nên đâu đó trong thâm tâm ngài luôn tin rằng, Văn Hiến Hầu thật sự là tâm phúc, không mảy may nghĩ đến có ngày hắn sẽ lừa mình.

Người ta thường nói, mình ở cùng với ai thì mình sẽ bị ảnh hưởng bởi người đó, nhà vua cũng không ngoại lệ. Quân vương, dẫu sao thì cũng không phải là không có tình cảm và không thể bị chi phối. Dẫu biết xử trí chuyện này cần phải có lý và công tư phân minh, nhưng lúc này đây, khó tránh khỏi kí ức tuổi thơ của ngài đột nhiên ùa về, mạnh đến khó tả.

Trong khoảnh khắc ấy, Nhà vua phải đối mặt với những câu hỏi mang tính quyết định, người nên tin tưởng Quốc Chẩn hay Nhật Duật (cụ thể là Văn Hiến Hầu), ai sẽ khiến ngài cảm thấy an tâm hơn khi trị quốc cùng, ai sẽ là người tuyệt đối trung thành và không vụ lợi? Vì ngai vàng, và cũng vì một chút thiên vị, Minh Tông đang đứng giữa hai sự lựa chọn đầy đau khổ.

Một bên vừa là cha vợ vừa là chú ruột, một bên càng là người cùng họ và cũng là người chơi thân từ nhỏ. Nếu như không thể chung sống hòa thuận, thì một trong hai sẽ phải ra đi. Vụ việc lập thái tử lúc đầu chỉ như là một cuộc nghị luận trong triều bình thường, giờ đây đã trở nên vô cùng phức tạp. Ẩn sâu trong đó là mưu tính quyền hành giữa hai phe hai phái và một thứ gọi là tranh giành hoàng quyền như cơn sóng ngầm lan tỏa khắp cung điện. Nhà vua có đôi lúc bị bật ra khỏi cơn sóng đó, nhưng cũng có lúc bị cuốn vào những lớp nước sâu không thấy đáy. Bên nào cũng muốn trông chờ vào vua, níu kéo vua, muốn ngài phải là người ra quyết định hằ khắc nhất. Bỗng đâu nhà vua cảm thấy, tình cảm chân thành giữa mọi người trong dòng họ đối với ngài khi xưa, thoáng chốc đã phai mờ.

Nhà vua không nói thêm gì nữa, ngài trở về cung điện trong đêm tối âm u.

NƯỚC TRONG ÁO ƯỚT

Chùa Tư Phúc nằm khuất sau những rặng trúc, hương trầm thoang thoảng không đủ xua tan không khí u ám. Trong một gian phòng nhỏ, Quốc Phụ Trần Quốc Chẩn nằm trên giường, mắt nhắm nghiền. Ông bị bắt phải tuyệt thực. Đêm đó, khi tiếng chuông canh ba vừa dứt, một bóng người nhỏ nhắn lẻn vào phòng giam. Hoàng hậu Lệ Thánh (Hiển Từ Thái hậu sau này) - con gái của Quốc Chẩn - trong bộ y phục đơn sơ đã thấm ướt, nước mắt tuôn rơi khi nhìn thấy cha:

"Phụ thân!" Lệ Thánh thì thầm, nén tiếng khóc, giọng run rẩy.

Quốc Phụ mở mắt, ánh nhìn vẫn kiên định dù thân thể đã gầy rộc: "Con gái của ta! Sao con dám liều mình đến đây? Nếu bị phát hiện, không chỉ con mà đứa bé trong bụng cũng sẽ gặp nguy hiểm!"

Lệ Thánh Hoang Hậu  Bên Cha Quốc chẩn Trong Chùa Tư Phúc
Lệ Thánh Hoang Hậu  Bên Cha Quốc chẩn Trong Chùa Tư Phúc

"Con không sợ," Lệ Thánh quỳ xuống bên cha, nắm lấy đôi bàn tay gầy guộc. "Con biết đây là oan khuất. Chắc chắn có kẻ đã bày mưu hãm hại phụ thân!"

"Con... cái thai trong bụng con..." Quốc Phụ đưa tay run rẩy chạm vào bụng con gái.

"Vẫn khỏe," Hoàng hậu mỉm cười buồn bã, tay vuốt nhẹ nơi bụng đã hơi nhô cao. "Con cảm nhận được nó là một hoàng tử. Nó sẽ mạnh mẽ như phụ thân. Nhưng con lo cho người quá. Họ không cho ai mang nước, mang cơm đến... Quan gia định...không cứu phụ thân sao?"

Đôi mắt già nua của ông ánh lên tia sáng cuối cùng: "Họ không cho ta ăn cũng tốt, dù sao ta cũng không muốn ăn. Ta đã chọn cái chết để chứng minh trong sạch. Trần Quốc Chẩn này thà chết đói, chết khát còn hơn nhận tội không làm! Vạn lần không! Danh dự của ta là di sản duy nhất ta có thể để lại cho con và cháu."

"Nhưng phụ thân..." Lệ Thánh khóc nấc.

"Đừng khóc, con gái. Hãy nhớ lấy, dù ta có chết, con vẫn phải sống - sống cho đứa bé và cho hoàng tộc. Và đừng bao giờ hận Quan Gia. Có lẽ Quan gia sẵn sàng lập con trai của con làm thái tử, thậm chí là sẵn sàng đợi con sinh hoàng tử , nhưng cần có một điều kiện, đó là ta phải chết.”

Hoàng hậu lắc đầu, nước mắt khẽ rơi.

“Như vậy thì Quan gia mới bớt đi nỗi sợ trong lòng. Ngài sợ ta làm cây đại thụ che hết bóng nắng của ngài. Thôi thì, chỉ cần con của con được lập thái tử, ta chết cũng yên lòng” Quốc Chẩn nói, lòng chua xót.

“Nhưng lẽ nào phụ thân không muốn minh oan sao? Không muốn tìm ra hung thủ thực sự đã hại người sao?

“Người muốn hại ta không phải chỉ dùng một bức thư giả mạo hay mua chuộc thân tín của ta, mà hắn đã đánh động vào nỗi sợ sâu thẳm nhất của Quan gia. Ta không phải chết vì bị họ hại, mà phải vong thân vì sự xung đột tất yếu của hoàng quyền. Vậy nên con đừng làm lớn chuyện này, đừng cầu xin cho ta mà khiến Quan gia phải khó xử.

Ông thở dài mơ màng: “Quan gia từ lâu đã có thành kiến với ta, chỉ là do ta không thấy. Con đừng đi vào vết xe đổ của ta, đừng khiến Quan gia ghét lây cả con chỉ vì chuyện của ta. Có như vậy, con và hài nhi mới được bảo toàn. Và sự hy sinh của ta mới có ý nghĩa. Ta cũng an lòng ra đi”

Lệ Thánh đột nhiên đứng dậy, ánh mắt bỗng dưng kiên quyết, nàng hiểu hết những lời ông nói, song cũng muốn làm điều gì đó cuối cùng cho ông. Nàng cởi chiếc áo ngoài đã thấm nước sẵn trước khi đến, rồi vắt ra cho cha uống. Đôi môi của ông giờ đã khô nứt nẻ.

Những giọt nước mát lạnh chạm vào đầu lưỡi khô khốc của Quốc Phụ. Từng giọt nước trong vắt rơi xuống như rơi vào khoảng không, vì một người còn sống như ông nhưng lòng đã chết thì còn tha thiết gì. Ông nhìn con gái Lệ Thánh Hoàng Hậu, nước mắt lăn dài trên gương mặt hốc hác:

"Con gái yêu quý của ta, nhớ lời ta nói. Sự thật nhất định sẽ có ngày phơi bày. Trời cao có mắt sẽ có một ngày trả lại trong sạch cho phụ thân, đừng làm gì hết.”. Lệ Thánh áp má vào đôi bàn tay cha đã lạnh, khẽ gật đầu.

Đêm đó trôi qua lặng lẽ như vậy. Kiếp người, cho dù có là người cao quý nhất, cũng khó tránh khỏi những kiếp nạn của thiên mệnh. Cây càng cao thì đón gió càng lớn. Gió càng lớn càng chẳng chịu dừng, cứ muốn thổi nghịch chiều đến tận trời xanh cũng phải nhỏ lệ.

GIẤC MƠ BÁO TRƯỚC

Đêm đó, Minh Tông chìm vào một giấc mơ kỳ lạ. Trong mơ, ông thấy mình đứng giữa mưa, dưới tán chuối rộng ngoài sân điện. Đối diện là Quốc Phụ Trần Quốc Chẩn, gương mặt tái nhợt, đôi mắt vẫn sáng ngời kiêu hãnh, nhưng nhìn ngài một cách hiền từ.

"Quốc Phụ..." Minh Tông gọi, giọng run rẩy. "Tại sao người lại phản bội ta? Tại sao người lại thông đồng với giặc ngoài để chống đối ta?"

Bóng của Quốc Phụ từ từ bay khỏi không trung trước sự ngơ ngác của vua. Chỉ nghe xa xa tiếng than thở của người vẫn còn vương lại, vọng đến chín tầng mây.

“Quốc Chẩn ta đã sống như thế nào, thì sẽ chết như thế ấy - sống gửi theo chính khí, chết cũng về cùng chính khí..."

Minh Tông giật mình tỉnh giấc, mồ hôi đầm đìa như tắm. Bên ngoài, mưa vẫn rơi tí tách trên tàu lá chuối, như những giọt lệ của trời đêm.

Mời các bạn xem tiếp phần 3: Giải Oan Quốc Phụ Trần Quốc Chẩn: Bí Mật mưu quyền Triều Trần phần 3

Nguồn tham khảo: Vụ án Trần Quốc Chẩn

(Mọi tình tiết hay đối thoại trong bài đều do mình tưởng tượng thôi nhé ^-^)

Comments

Nơi Trang cập nhật các thông tin giải trí thú vị hài hước về kinh tế xanh, các giải pháp vì môi trường và sự phát triển bền vững ở Việt Nam và trên khắp thế giới

truyện về môi trường